Thuốc Tegretol: Công dụng, liều dùng và cách sử dụng

Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Lê Thùy Dung - Dược sĩ lâm sàng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Tegretol có chứa hoạt chất carbamazepin là một thuốc điều trị động kinh. Ngoài ra, thuốc Tegretol còn điều trị được một số loại đau và kiểm soát các rối loạn về tâm trạng. Tại Việt Nam, Tegretol được lưu hành dưới dạng viên nén Tegretol 200mg và viên nén bao phim giải phóng có kiểm soát Tegretol CR 200mg.

1. Chỉ định sử dụng thuốc Tegretol

Với hoạt chất carbamazepin, thuốc Tegretol được chỉ định điều trị các bệnh lý sau đây:

  • Điều trị động kinh dưới dạng đơn trị liệu hoặc phối hợp đối với cơn động kinh cục bộ hoặc cơn động kinh co cứng- giật rung phát triển toàn thân, các dạng động kinh hỗn hợp. Tránh dùng Tegretol cho cơn động kinh vắng ý thức.
  • Cơn hưng cảm cấp và điều trị duy trì các rối loạn cảm xúc lưỡng cực để phòng ngừa hoặc làm giảm tái phát.
  • Hội chứng cai rượu.
  • Đau dây thần kinh sinh ba tự phát hoặc do bệnh xơ cứng rải rác. Đau dây thần kinh lưỡi- hầu tự phát.
  • Bệnh thần kinh do đái tháo đường gây đau.
  • Đái tháo nhạt trung ương. Đa niệu và khát nhiều có nguồn gốc hormone thần kinh.

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Tegretol

Tùy theo chỉ định, liều dùng Tegretol có thể khác biệt nhau. Viên nén Tegretol có thể được dùng 2-3 lần/ngày theo chỉ định của bác sĩ. Liều tối đa Tegretol phụ thuộc vào chỉ định sử dụng thuốc, độ tuổi. Ở người lớn, khi sử dụng Tegretol điều trị đau dây thần kinh sinh ba, liều tối đa là 1.2g/ngày. Tuy nhiên, khi dùng Tegretol trong điều trị động kinh, một số bệnh nhân người lớn có thể dùng tới liều 2g/ngày để đạt được hiệu quả tối ưu.

Có thể uống viên nén tegretol trong, trước, hoặc sau các bữa ăn. Viên nén bao phim giải phóng có kiểm soát Tegretol CR nên được dùng 2 lần/ngày. Khi chuyển từ viên nén Tegretol sang viên nén CR: kinh nghiệm lâm sàng cho thấy có thể cần tăng liều viên nén giải phóng có kiểm soát.


Thuốc Tegretol có chứa hoạt chất carbamazepin là một thuốc điều trị động kinh
Thuốc Tegretol có chứa hoạt chất carbamazepin là một thuốc điều trị động kinh

3. Chống chỉ định sử dụng thuốc Tegretol

Thuốc Tegretol chống chỉ định trong những trường hợp sau đây:

  • Người bệnh mẫn cảm với carbamazepin hoặc các thuốc có liên quan về cấu trúc (như thuốc chống trầm cảm ba vòng, oxcarbamazepine,...) hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Bệnh nhân bị block nhĩ thất
  • Bệnh nhân có tiền sử suy tủy xương.
  • Bệnh nhân có tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin gan.
  • Sử dụng đồng thời hoặc trong vòng 14 ngày với thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs).

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tegretol

Tegretol có thể làm tăng nguy cơ về ý nghĩ tự tử và hành vi tự tử mặc dù rất hiếm gặp. Cần phải theo dõi bệnh nhân về ý nghĩ tự tử hoặc hành vi tự tử, xin tư vấn y tế ngay khi nhận thấy các dấu hiệu này.

Phản ứng da nghiêm trọng như (hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell/hoại tử biểu bị nhiễm độc) có thể gặp trong quá trình sử dụng thuốc Tegretol. Một trong các biểu hiện có thể gặp là loét miệng, cổ họng, mũi, bộ phận sinh dục và viêm kết mạc dị ứng. Đây là các phản ứng cực kỳ hiếm gặp và đa phần xảy ra trong vài tháng đầu sử dụng thuốc. Các phản ứng da nghiêm trọng thường gặp ở một số quốc gia tại châu Á. Đối với các quốc gia có tần suất gặp cao, cần tầm soát sự hiện diện của gen HLA-B*1502 trước khi sử dụng thuốc. Trong quá trình sử dụng thuốc, bệnh nhân cần tự theo dõi và báo với bác sĩ ngay nếu có bất kỳ phản ứng nào trên da.


Chóng mặt, buồn ngủ là tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc Tegretol
Chóng mặt, buồn ngủ là tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc Tegretol

5. Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc Tegretol

Các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc Tegretol:

  • Rất thường gặp (tần suất >= 1/10): giảm bạch cầu, mất điều hòa, chóng mặt, buồn ngủ, nôn, buồn nôn, viêm da dị ứng, mệt mỏi, ...
  • Thường gặp (tần suất >=1/100) : giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, phù, ứ dịch, tăng cân, giảm natri máu, các rối loạn thần kinh, song thị, nhức đầu, tăng phosphatase kiềm trong máu....
  • Ít gặp (>=1/1000 đến < 1/100): rung giật nhãn cầu, tiêu chảy, táo bón,...
  • Hiếm gặp (>= 1/10.000): Tăng bạch cầu, thiếu folate, chán ăn, ảo giác, trầm cảm, kích động, bệnh thần kinh ngoại biên ...
  • Rất hiếm gặp (<1/10.000): hội chứng Steven Johnson, hoạt tử biểu bì nhiễm độc, ban đỏ đa dạng, đục thủy tinh thể, ...

6. Phụ nữ có thai, cho con bú có nên sử dụng Tegretol không?

Phụ nữ có thai: Con của những người mẹ bị động kinh sẽ dễ phát sinh các rối loạn phát triển, kể cả dị tật. Đã có báo cáo về các rối loạn phát triển và dị tật (bao gồm: tật nứt đốt sống, dị tật tim mạch, khuyết tật sọ mặt...) liên quan đến việc sử dụng tegretol mặc dù chưa có đầy đủ bằng chứng từ các nghiên cứu có đối chứng. Cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ khi sử dụng thuốc tegretol, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Trong thời kỳ mang thai, việc điều trị chống động kinh cần thực hiện liên tục để tránh tăng nặng bệnh, có hại cho cả mẹ và con.

Cần bổ sung acid folic đầy đủ trong thời kỳ mang thai đặc biệt đối với người mẹ có dùng thuốc tegretol do nguy cơ làm nặng thêm tình trạng thiếu acid folic.

Phụ nữ cho con bú: Tegretol được bài tiết vào sữa mẹ do vậy cần cân nhắc lợi ích của việc cho con bú so với các tác dụng bất lợi trên bé (như: buồn ngủ quá mức, phản ứng dị ứng da, viêm gan ứ mật...)

Thuốc Tegretol có chứa hoạt chất carbamazepin là một thuốc điều trị động kinh. Ngoài ra, thuốc còn được chỉ định điều trị các bệnh lý khác. Để đảm bảo hiệu quả và tránh được các tác dụng phụ thì người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe