Talazoparib là thuốc chuyên dùng để điều trị ung thư vú, hoạt động bằng cách làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của các tế bào ung thư. Tương tự như các thuốc chữa ung thư khác, việc dùng thuốc Talazoparib cần được tuân thủ và thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ.
1. Thuốc Talazoparib có tác dụng gì?
Thuốc Talazoparib là một loại thuốc thường được chỉ định để điều trị ung thư vú. Talazoparib có tác dụng làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của tế bào ung thư ác tính.
2. Sử dụng thuốc Talazoparib đúng cách như thế nào?
Thuốc Talazoparib được dùng bằng đường uống cùng hoặc không với thức ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường một lần mỗi ngày. Liều dùng dựa trên tình trạng sức khỏe, phản ứng với điều trị và các loại thuốc khác mà bệnh nhân có thể đang sử dụng.
Người bệnh nên nuốt toàn bộ viên thuốc, tránh không bẻ hoặc hòa tan viên thuốc. Nếu bị nôn sau khi uống một liều, bệnh nhân không nên uống liều khác thay thế ngay lập tức. Thay vào đó hãy uống thuốc theo như lịch trình thông thường.
Không tăng liều hoặc dùng thuốc Talazoparib thường xuyên hơn hoặc lâu hơn so với quy định. Tình trạng ung thư sẽ không cải thiện nhanh hơn mà nguy cơ mắc các tác dụng phụ còn tăng lên.
Vì thuốc Talazoparib có thể hấp thụ qua da và phổi và gây hại tới thai nhi, do vậy phụ nữ đang mang thai hoặc có thể đang mang thai không nên sử dụng thuốc này hoặc tiếp xúc, hít thở bụi từ viên thuốc.
3. Tác dụng phụ của thuốc Talazoparib
- Tương tự nhiều loại thuốc chữa ung thư khác, thuốc Talazoparib cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, nôn, giảm cảm giác thèm ăn, tiêu chảy, đau dạ dày, đau bụng, nhức đầu, mệt mỏi, thay đổi khẩu vị thức ăn hoặc chóng mặt.
- Khi dùng thuốc điều trị ung thư, nhiều bệnh nhân có thể bị rụng tóc tạm thời. Không cần quá lo lắng, tự ti vì tóc sẽ mọc trở lại bình thường sau khi kết thúc điều trị.
- Những người sử dụng thuốc Talazoparib có thể gặp phải một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, một khi bác sĩ đã kê đơn thuốc này tức là đã cân nhắc lợi ích thuốc mang lại lớn hơn các nguy cơ tác dụng phụ. Người bệnh nên phối hợp với hướng dẫn và sự theo dõi cẩn thận từ bác sĩ để làm giảm nguy cơ mắc tác dụng phụ.
- Thuốc Talazoparib làm giảm chức năng của tủy xương, một tác động có thể dẫn đến giảm số lượng tế bào máu như: Bạch cầu, hồng cầu và tiểu cầu, từ đó gây thiếu máu, giảm khả năng chống nhiễm trùng, dễ bị bầm tím, chảy máu.
- Thuốc Talazoparib cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư tủy xương (hội chứng loạn sản tủy, bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính). Hãy báo cho bác sĩ biết ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào như: Suy nhược, sụt cân bất thường, da xanh xao, có dấu hiệu nhiễm trùng (chẳng hạn như đau họng không khỏi, sốt, ớn lạnh), dễ bị bầm tím, chảy máu.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Talazoparib
Khi sử dụng thuốc Talazoparib, người bệnh cần lưu ý như sau:
- Trước khi dùng thuốc Talazoparib, hãy thông báo cho bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với các thành phần của thuốc hoặc nếu có bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác. Bên cạnh đó, bạn cũng nên nói tiền sử bệnh cho bác sĩ, đặc biệt nếu bạn đã hoặc đang có các vấn đề về thận (bệnh lý thận).
- Thuốc Talazoparib có thể khiến người dùng thuốc dễ chóng mặt hoặc buồn ngủ. Không vận hành máy móc, lái xe hoặc làm bất cứ điều gì cần sự tỉnh táo cho đến khi bạn có thể làm điều đó một cách an toàn.
- Thuốc Talazoparib có thể khiến người dùng thuốc dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng hoặc có thể làm trầm trọng thêm bất kỳ tình trạng nhiễm trùng nào người bệnh đang có. Vì thế, khi sử dụng thuốc Talazoparib, bạn nên tránh tiếp xúc với những người đang mắc thủy đậu, sởi, cúm...
- Trong thời gian dùng thuốc Talazoparib, không tiêm phòng khi chưa được sự đồng ý của bác sĩ. Không nên tiếp xúc với những người mới dùng vắc-xin sống (ví dụ như vắc-xin cúm hít qua mũi).
- Để giảm nguy cơ bị bầm tím, chảy máu hoặc thương tích, hãy thận trọng khi sử dụng các vật sắc nhọn như máy cắt móng tay, dao cạo... và các hoạt động tiếp xúc, va chạm mạnh.
- Thuốc Talazoparib không được khuyến khích sử dụng trong thời kỳ mang thai vì có thể gây hại cho thai nhi. Phụ nữ hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng các hình thức tránh thai đáng tin cậy (như thuốc tránh thai, màng tránh thai, bao cao su) trong thời gian sử dụng thuốc và ít nhất 7 tháng sau khi ngừng điều trị (với nam giới là 4 tháng).
- Hiện vẫn chưa rõ thuốc Talazoparib có đi vào sữa mẹ hay không. Do vậy không nên cho con bú trong khi sử đang uống thuốc này và 1 tháng sau khi ngừng điều trị. Phụ nữ đang uống thuốc nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú.
5. Bảo quản và xử lý khi quá liều, quên liều
- Nếu truyền thuốc Talazoparib quá liều và xuất hiện các triệu chứng bất tỉnh hoặc khó thở, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay lập tức.
- Khi sử dụng thuốc Talazoparib, bệnh nhân được khuyến khích nên khám sức khỏe định kỳ và thực hiện các xét nghiệm y tế như: Phân tích công thức máu toàn phần; đánh giá chức năng thận, thử thai... để kiểm tra hiệu quả điều trị bệnh của thuốc và tác dụng phụ.
- Nếu bạn quên uống một liều, hãy bỏ qua liều đó và tiếp tục uống thuốc theo đúng lịch trình. Đừng uống gấp đôi thuốc để bắt kịp.
Tóm lại, để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ của thuốc Talazoparib, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp sử dụng thuốc Talazoparib không thấy hiệu quả, người bệnh nên đến cơ y tế để tái thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd