Sandostatin (Octreotide) là một loại thuốc tiêm bao gồm nhiều dạng hàm lượng khác nhau, thuộc nhóm thuốc chống ung thư tác động vào hệ miễn dịch. Vậy thuốc Sandostatin có công dụng gì và gây ra tác dụng phụ nào cho người dùng?
1. Sandostatin là thuốc gì?
Thuốc Sandostatin thuộc nhóm thuốc chống ung thư và tác động vào hệ thống miễn dịch. Thuốc có dạng bào chế là dung dịch tiêm, đóng gói 5 ống 1ml/hộp.
Thành phần chính của thuốc Sandostatin là Octreotide 0,1mg/1ml, có số đăng ký lưu hành là VN-17538-13.
Thuốc Sandostatin được dùng để kiểm soát các triệu chứng như tiêu chảy hoặc đỏ bừng ở những bệnh nhân có khối u như carcinoid, tế bào đảo tụy, bệnh dạ dày hoặc khối u tiết peptit hoạt động trong ruột (VIPomas). Một số trường hợp còn được chỉ định điều trị khi cơ thể sản xuất quá nhiều hormone tăng trưởng và bàn tay, bàn chân, mặt hoặc đầu phát triển quá lớn.
2. Tác dụng của thuốc Sandostatin là gì?
Thuốc Sandostatin® chứa hoạt chất Octreotide. Bạn có thể sử dụng thuốc để điều trị tiêu chảy nặng, đỏ bừng mặt và cổ đột ngột do một số loại khối u (ví dụ như các khối u carcinoid, u peptit hoạt hóa của ruột non) thường được tìm thấy trong ruột, tuyến tụy. Các triệu chứng xảy ra khi những khối u này sản xuất quá nhiều một số chất tự nhiên (hormone). Thuốc hoạt động bằng cách giảm thiểu sự mất nước và khoáng chất của cơ thể.
Octreotide cũng được sử dụng để điều trị bệnh to đầu chi, xảy ra khi cơ thể tạo ra quá nhiều hormone tăng trưởng. Điều trị bệnh đầu chi giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng như bệnh tiểu đường và tim mạch. Thuốc Sandostatin được dùng bằng cách tiêm dưới da. Các vị trí tiêm thường được luân phiên nhau. Sandostatin cũng có thể được tiêm tĩnh mạch, dưới sự giám sát của bác sĩ. Tiêm 1 lần trong vòng 4 tuần. Nơi thích hợp để tiêm là hông, vì tiêm cánh tay thường gây đau.
Nếu Sandostatin tác dụng ngắn thì sẽ được thay thế bằng Sandostatin LAR tác dụng dài hơn, Sandostatin tác dụng ngắn nên được dùng tiếp tục ít nhất 2 tuần để duy trì liều điều trị ở người bệnh có khối u carcinoid hoặc VIPomas.
Thuốc Sandostatin tác dụng ngắn cũng có thể được dùng để kiểm soát các triệu chứng đột phá trong Carcinoid.
Số lượng thuốc Sandostatin mà người bệnh sẽ nhận được còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như chiều cao, cân nặng, sức khỏe chung của người bệnh hoặc các vấn đề sức khỏe khác, tùy vào loại ung thư và tình trạng đang được điều trị. Bác sĩ sẽ xác định liều lượng và lịch tiêm của người bệnh.
3. Đặc tính dược động học
Sự hấp thụ:
- Sau khi tiêm, Sandostatin được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn. Nồng độ đỉnh trong huyết tương đạt được trong vòng 30 phút.
Phân bổ:
- Thể tích phân phối là 0,27 L / kg và tổng độ thanh thải cơ thể 160 mL / phút. Lượng liên kết với protein huyết tương là 65%. Lượng Sandostatin liên kết với tế bào máu là không đáng kể.
Loại bỏ:
- Thời gian bán thải sau khi dùng thuốc là 100 phút. Sau khi tiêm iv, sự thải trừ là hai pha, với thời gian bán hủy là 10 và 90 phút. Phần lớn peptit được thải trừ qua phân, trong khi khoảng 32% được bài tiết dưới dạng không đổi vào nước tiểu.
Bệnh nhân đặc biệt:
- Suy giảm chức năng thận không ảnh hưởng đến tổng mức phơi nhiễm (AUC) với octreotide được dùng dưới dạng tiêm sc.
- Khả năng đào thải có thể giảm ở bệnh nhân xơ gan, nhưng không giảm ở bệnh nhân gan nhiễm mỡ.
4. Cách sử dụng của thuốc Sandostatin
4.1. Cách dùng thuốc Sandostatin
Tiêm dưới da:
- Những người bệnh tự tiêm thuốc bằng đường tiêm dưới da phải được hướng dẫn chính xác từ bác sĩ hoặc y tá điều trị.
- Để giảm bớt đau, khó chịu tại chỗ tiêm, người ta khuyến cáo rằng nên để dung dịch tiêm trở về nhiệt độ phòng trước khi tiêm. Không nên tiêm vào chỗ cũ khi tiếp liều tiếp theo.
- Ống tiêm chỉ được mở ngay khi dùng, thuốc thừa bỏ đi không dùng tiếp.
- Để đề phòng nhiễm khuẩn được khuyến cáo rằng không nên lấy thuốc quá mười lần từ lọ thuốc đa liều.
Truyền tĩnh mạch:
- Những loại thuốc dùng ngoài đường tiêu hóa phải được kiểm tra kỹ bằng mắt thường xem có bị mất màu, hay có vẩn đục trước khi dùng không.
- Sandostatin (octreotide acetate) ổn định về mặt vật lý, hóa học trong 24 giờ sau khi được pha với dung dịch nước muối sinh lý vô trùng hoặc dung dịch dextrose (glucose) 5% vô trùng.
- Tuy nhiên, vì Sandostatin có thể ảnh hưởng đến độ cân bằng nội môi của glucose, nên dùng nước muối sinh lý tốt hơn là dung dịch dextrose.
- Khoảng thời gian từ khi pha dung dịch truyền bằng chất pha loãng, phải bảo quản trong tủ lạnh cho đến khi kết thúc truyền thuốc không được quá 24 giờ.
- Trong các trường hợp dùng Sandostatin để truyền vào tĩnh mạch, một ống thuốc 0,5mg thường sẽ hòa tan trong 60mL dung dịch nước muối sinh lý. Việc điều trị trị liệu này cần được lặp lại thường xuyên, nếu cần thiết cho tới khi đạt được thời gian điều trị theo chỉ định.
4.2. Liều dùng thuốc Sandostatin
Bệnh to viễn cực:
- Liều ban đầu 0,05-0,1 mg tiêm dưới da mỗi 8 giờ hoặc 12 giờ. Việc điều chỉnh liều nên dựa trên đánh giá mỗi tháng về nồng độ GH và IGF-1 hàng tháng (mục tiêu: GH < 2,5 ng/mL, IGF-1 trong phạm vi bình thường) và các triệu chứng lâm sàng, và khả năng dung nạp thuốc. Đối với hầu hết bệnh nhân, liều dùng hàng ngày tốt nhất là 0,3mg. Không nên dùng quá liều tối đa 1,5 mg/ngày.
- Đối với các bệnh nhân dùng liều Sandostatin ổn định, việc đánh giá GH nên được tiến hành 6 tháng một lần. Nếu lượng GH không giảm và các triệu chứng lâm sàng không được cải thiện sau 3 tháng điều trị với Sandostatin, thì nên ngừng điều trị.
Khối u thuộc hệ nội tiết đường dạ dày, ruột, tụy:
- Liều dùng ban đầu 0,05mg một hoặc hai lần hàng ngày tiêm dưới da. Tùy thuộc đáp ứng lâm sàng, nồng độ của các hormone do khối u tiết ra (trong trường hợp khối u carcinoid, dựa vào bài tiết đường tiết niệu của 5-hydroxyindoleacetic acid), và dựa trên khả năng dung nạp của thuốc, liều có thể tăng dần lên tới 0,1-0,2 mg; 3 lần/ngày. Trong một số trường hợp ngoại lệ, liều có thể tăng cao hơn. Liều duy trì cần được điều chỉnh tùy theo từng trường hợp.
- Trong trường hợp khối u carcinoid, nếu không có đáp ứng có lợi trong vòng một tuần điều trị bằng Sandostatin với liều tối đa dung nạp được, thì nên ngừng điều trị.
Các biến chứng sau phẫu thuật tụy:
- 0,1mg x 3 lần/ngày tiêm dưới da trong 7 ngày liên tiếp, bắt đầu vào ngày phẫu thuật ít nhất 1 giờ trước mổ.
Xuất huyết do giãn tĩnh mạch dạ dày,thực quản:
- 25 μg/giờ truyền tĩnh mạch liên tục trong 5 ngày. Sandostatin có thể được pha loãng với nước muối sinh lý.
- Ở bệnh nhân xơ gan bị xuất huyết do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản, Sandostatin được dung nạp tốt với liều truyền tĩnh mạch liên tục lên tới 50 μg/giờ trong 5 ngày.
Với những người bệnh đặc biệt:
- Suy gan: Đối với bệnh nhân xơ gan, thời gian bán thải của thuốc có thể kéo dài, điều chỉnh liều duy trì là cần thiết.
- Suy thận: Suy giảm chức năng thận không làm ảnh hưởng tới nồng độ toàn thân (AUC) của octreotide dùng đường tiêm dưới da, do vậy không cần điều chỉnh liều Sandostatin.
Nhóm bệnh nhân trẻ em:
- Kinh nghiệm điều trị Sandostatin ở trẻ em còn rất hạn chế.
Nhóm bệnh nhân người cao tuổi:
- Hiện chưa có chứng cứ về khả năng dung nạp bị giảm hay cần thay đổi liều dùng ở người cao tuổi được điều trị với Sandostatin.
5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Sandostatin
Chống chỉ định:
- Quá mẫn cảm với octreotide hoặc với bất kỳ thành phần nào của tá dược
Thận trọng chung:
- Do khối u tuyến yên bài tiết GH, có thể sẽ phát triển gây các biến chứng nặng. Cần theo dõi người bệnh cẩn thận. Nếu có các dấu hiệu tăng về kích thước khối u, sẽ lựa chọn phương thức điều trị khác.
- Khi điều trị làm giảm lượng hormone tăng trưởng (GH), bình thường hóa nồng độ yếu tố tăng trưởng giống insulin 1 (IGF-1) ở những người bệnh nữ bị to viễn cực, có thể khôi phục được khả năng sinh sản.
- Kiểm tra giám sát những người bệnh có chức năng tuyến giáp khi điều trị kéo dài với octreotide.
- Đã có những báo cáo về các trường hợp nhịp tim chậm, sẽ cần phải điều chỉnh liều lượng của các thuốc như: thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci hoặc thuốc kiểm soát cân bằng dịch và chất điện giải.
- Sự hình thành sỏi mật được ghi nhận từ 15-30% bệnh nhân dùng Sandostatin. Do đó kiểm tra siêu âm túi mật trước và trong quá trình điều trị Sandostatin mỗi 6-12 tháng được khuyến cáo.
- Trong điều trị khối u thuộc hệ nội tiết dạ dày-ruột-tụy, có một vài trường hợp hiếm không kiểm soát được các triệu chứng bằng Sandostatin, với biểu hiện tái phát nhanh các triệu chứng nặng.
- Do tác dụng ức chế của thuốc trên hormone tăng trưởng, glucagon và insulin; Sandostatin có thể ảnh hưởng đến sự điều hòa glucose. Sự dung nạp glucose sau bữa ăn có thể bị giảm và trong một số trường hợp, có thể xảy ra tình trạng tăng đường huyết dai dẳng do việc dùng thuốc kéo dài. Tình trạng hạ đường huyết cũng đã được báo cáo.
- Vì sau những đợt chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản có tình trạng tăng nguy cơ đái tháo đường phụ thuộc insulin hoặc các thay đổi về nhu cầu dùng insulin ở những người đã mắc bệnh đái tháo đường từ trước, việc theo dõi chặt chẽ nồng độ glucose trong máu là bắt buộc.
- Ở một số bệnh nhân, Octreotide có thể làm thay đổi sự hấp thu chất béo trong chế độ ăn. Đã quan sát thấy nồng độ vitamin B12 giảm và thử nghiệm Schilling bất thường ở một số bệnh nhân được điều trị bằng Octreotide. Nên theo dõi nồng độ vitamin B12 trong khi điều trị bằng Sandostatin ở những bệnh nhân có tiền sử bị thiếu hụt vitamin B12.
- Chưa có số liệu nào nói về ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc của Sandostatin.
6. Tác dụng phụ của thuốc Sandostatin
Sandostatin có một số tác dụng phụ cần chú ý:
- Có thể khoảng trên 30% sẽ xảy ra đối với bệnh nhân dùng Sandostatin: Sỏi mật thường thấy khi dùng thuốc lâu dài; Buồn nôn; Đau tại chỗ tiêm;
- Tác dụng phụ ít gặp hơn: Đau bụng; Đầy hơi do chướng bụng; Táo bón; Nôn mửa; Tiêu chảy (có thể do bệnh chứ không phải do thuốc); Nhiễm trùng đường hô hấp trên; Mệt mỏi; Hội chứng giống cúm; Chóng mặt; Đau đầu
Trên đây là công dụng thuốc Sandostatin, liều dùng và lưu ý khi sử dụng. Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, bạn cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: pharmog.com, chemocare.com