Bài viết được tư vấn chuyên môn bở DSLS Nguyễn Văn Thắng - DSLS Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Các thuốc kháng viêm corticoid được sử dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó, methylprednisolone là một trong các corticoid được sử dụng phổ biến. Vậy thuốc methylprednisolone có công dụng gì và sử dụng như thế nào?
1.Thuốc methylprednisolone chữa bệnh gì?
Thuốc methylprednisolone được dùng để điều trị các bệnh lý như viêm xương khớp, các bất thường về máu, một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bệnh lý ung thư, bệnh lý về mắt, bệnh lý da, thận, đường ruột và bệnh phổi hoặc bất thường hệ thống miễn dịch.
Thuốc methylprednisolone là một glucocorticoid tổng hợp có cấu trúc tương tự cortisol – một hormone tự nhiên của cơ thể được sản xuất bởi tuyến thượng thận.
Thuốc methylprednisolone có tác dụng chống viêm bằng cách ức chế hoạt tính của các chất trung gian gây viêm như histamin, leukotriene, prostaglandin,… nhờ đó giảm các triệu chứng viêm, sưng, đau.
Bên cạnh đó, thuốc methylprednisolone có công dụng ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch để giúp điều trị các bệnh do phản ứng miễn dịch gây ra. Methylprednisolon còn dùng kèm với một số loại thuốc khác để điều trị tình trạng rối loạn hormone cơ thể.
2. Chỉ định của thuốc methylprednisolone
Thuốc methylprednisolone được chỉ định điều trị rộng rãi trong nhiều loại nhóm bệnh:
Rối loạn do thấp khớp: Liệu pháp điều trị bổ trợ đối với chỉ định ngắn hạn (để đưa bệnh nhân qua khỏi giai đoạn cấp hay trầm trọng) trong:
- Viêm khớp do vẩy nến.
- Viêm khớp dạng thấp, kể cả viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên (một số trường hợp chọn lọc đòi hỏi liệu pháp duy trì liều thấp).
- Viêm cột sống dính khớp.
- Viêm túi thanh mạc cấp và bán cấp.
- Viêm bao hoạt dịch gân cấp tính không đặc hiệu.
- Viêm khớp cấp tính do gút.
- Viêm xương khớp sau chấn thương.
- Viêm màng hoạt dịch của chứng thoái hóa khớp.
- Viêm mỏm lồi cầu xương.
- Bệnh hệ thống tạo keo: Dùng trong giai đoạn trầm trọng hoặc để điều trị duy trì trong những trường hợp chọn lọc của:
- Lupus ban đỏ toàn thân.
- Viêm da cơ toàn thân (viêm đa cơ).
- Thấp tim cấp.
- Đau cơ dạng thấp.
- Viêm động mạch do tế bào khổng lồ.
Bệnh thuộc về da:
- Viêm da tróc vẩy.
- U sùi dạng nấm.
- Vẩy nến thể nặng.
- Viêm da tiết bã nhờn thể nặng.
- Pemphigus.
- Viêm da bọng nước dạng Herpes.
- Hồng ban đa dạng thể nặng (hội chứng Stevens-Johnson).
Bệnh dị ứng: Kiểm soát các tình trạng dị ứng nặng hoặc khó trị đã thất bại với cách điều trị thông thường:
- Các phản ứng quá mẫn với thuốc.
- Viêm da do tiếp xúc.
- Viêm da dị ứng do di truyền.
- Viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm.
- Bệnh huyết thanh.
- Hen phế quản.
Bệnh về mắt: Các quá trình viêm và dị ứng mạn tính và cấp tính nghiêm trọng ở mắt và các phần phụ của mắt như:
- Viêm loét kết mạc do dị ứng.
- Viêm kết mạc dị ứng.
- Nhiễm trùng giác mạc do Herpes Zoster.
- Viêm giác mạc.
- Viêm tiền phòng.
- Viêm màng mạch - võng mạc.
- Viêm màng mạch nhỏ sau lan tỏa và viêm màng mạch.
- Viêm thần kinh thị giác.
- Viêm mắt đồng cảm.
- Viêm mống mắt và viêm mống mắt - thể mi.
Bệnh ở đường hô hấp:
- Bệnh sarcoid có triệu chứng.
- Hội chứng Loeffler không thể điều trị bằng cách khác.
- Chứng nhiễm độc berylli.
- Lao phổi tối cấp hay lan tỏa khi dùng đồng thời hóa trị liệu kháng lao thích hợp.
- Viêm phổi hít.
Rối loạn về huyết học:
- Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn ở người lớn.
- Giảm tiểu cầu thứ phát ở người lớn.
- Thiếu máu tán huyết mắc phải (tự miễn).
- Chứng giảm nguyên hồng cầu (thiếu máu hồng cầu).
- Thiếu máu giảm sản bẩm sinh (dòng hồng cầu).
Các bệnh ung thư: Điều trị tạm thời trong:
- Bệnh bạch cầu và u lympho ở người lớn.
- Bệnh bạch cầu cấp ở trẻ em.
Ngoài ra, thuốc methylprednisolone còn có một số chỉ định khác.
3. Lưu ý khi sử dụng thuốc methylprednisolone
Thuốc methylprednisolone sử dụng bằng đường uống theo chỉ dẫn của bác sĩ, thường uống sau bữa ăn. Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ một cách cẩn thận. Liều lượng thuốc phụ thuộc vào mức độ, tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của từng người bệnh.
Thuốc methylprednisolone có nhiều cách chia liều theo ngày khác nhau. Có thể uống cùng liều lượng mỗi ngày hoặc dùng cách ngày theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào nên tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ.
Không tự ý tăng liều hoặc sử dụng lâu hơn so với hướng dẫn của bác sĩ. Vì nếu dùng sai cách thì tình trạng bệnh có thể không cải thiện nhiều mà nguy cơ xảy ra tác dụng phụ cao hơn.
Không tự ý ngưng thuốc methylprednisolone đột ngột khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Một số vấn đề tồi tệ có thể xảy ra nếu ngừng thuốc đột ngột. Liều lượng thuốc methylprednisolone nên được giảm dần trước khi dừng hẳn. Nếu ngừng thuốc đột ngột bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, sụt cân, buồn nôn, đau mỏi cơ, đau đầu, chóng mặt.
4. Một số tác dụng không mong muốn của thuốc methylprednisolone
Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc methylprednisolone bao gồm: buồn nôn, nôn ói, ợ chua, đau đầu, chóng mặt, rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị, tăng tiết mồ hôi hoặc nổi mụn... nếu xảy ra các tác dụng phụ kéo dài hoặc nghiêm trọng, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Thuốc methylprednisolone có thể ảnh hưởng đến đường huyết bệnh nhân, do đó nó có thể tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng của bệnh đái tháo đường.
Thuốc methylprednisolone ức chế hệ miễn dịch nên làm cơ thể giảm đề kháng với các loại nhiễm trùng. Do đó bệnh nhân dễ bị vi khuẩn tấn công hơn (nhưng hiếm khi gây tử vong) hoặc làm nặng thêm các bệnh nhiễm trùng đang mắc phải. Tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào (như sốt, ớn lạnh, đau họng dai dẳng, ho, các mảng trắng trong miệng).
Thuốc methylprednisolone rất ít khi gây ra các phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, gọi cấp cứu ngay nếu có các dấu hiệu dị ứng nghiêm trọng như phát ban, ngứa hoặc sưng (đặc biệt là mặt, lưỡi, cổ họng), chóng mặt, khó thở.
5. Một số biện pháp phòng ngừa tác dụng không mong muốn do thuốc methylprednisolone
Thuốc methylprednisolone có thể gây xuất huyết dạ dày. Do đó, những bệnh nhân nghiện rượu sẽ tăng nguy cơ mắc phải tác dụng phụ này, vì vậy nên hạn chế đồ uống có cồn;
Người cao tuổi là đối tượng nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc methylprednisolone, đặc biệt gãy hoặc đau xương, chảy máu dạ dày ruột và thay đổi tâm thần (như lú lẫn).
Thuốc methylprednisolone làm chậm sự phát triển của trẻ nếu sử dụng trong thời gian dài. Theo dõi, kiểm tra chiều cao và sự phát triển của trẻ thường xuyên nếu đang điều trị bằng thuốc methylprednisolone.
Phụ nữ mang thai chỉ sử dụng thuốc methylprednisolone khi thật cần thiết. Mặc dù nó hiếm khi gây hại cho thai nhi những vẫn phải cân nhắc về những lợi ích và rủi ro của thuốc này.
Thuốc methylprednisolone đi vào sữa mẹ nhưng ít có khả năng gây hại cho trẻ sơ sinh, nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con bú.
Để được chẩn đoán và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp hiệu quả cũng như nhận chỉ định sử dụng thuốc đúng cách, hãy ĐẶT LỊCH KHÁM NGAY với chuyên gia cơ xương khớp của Vinmec hoặc ĐỂ LẠI THÔNG TIN ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc thăm khám và điều trị các bệnh lý, hiện nay Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã trở thành một trong các trung tâm chăm sóc sức khỏe lớn, có khả năng thăm khám, sàng lọc và điều trị nhiều bệnh lý chuyên sâu. Vì thế, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, bệnh nhân có thể đến khám, chẩn đoán bệnh và nhận được sự tư vấn về cách sử dụng thuốc hiệu quả, tránh các tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.
Nguồn tham khảo: webmd.com