Thuốc Loestrin: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Hiện nay, có rất nhiều các biện pháp ngừa thai cho hiệu quả cao. Trong đó, thuốc tránh thai dạng nội tiết tố kết hợp là lựa chọn được nhiều chị em tin dùng. Một nhãn hiệu thuốc tránh thai có thể bắt gặp trên thị trường đó là thuốc Loestrin. Vậy Loestrin có tác dụng gì?

1. Loestrin có tác dụng gì?

Loestrin có tác dụng gì? Đây là một thuốc tránh thai nội tiết tố kết hợp giữa 1 loại hormone progestin và 1 loại hormone estrogen. Tác dụng chính của thuốc là ức chế quá trình rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt phụ nữ. Bên cạnh đó, một số tác dụng phụ khác giúp tăng hiệu quả tránh thai bao gồm: làm dày lớp dịch âm đạo giúp ngăn cản tinh trùng gặp trứng (thụ tinh); thay đổi niêm mạc tử cung để ngăn cản hợp tử đã thụ tinh gắn vào làm tổ. Nếu trứng đã thụ tinh với tinh trùng không bám vào niêm mạc tử cung sẽ tự đào thải ra ngoài cơ thể.

Bên cạnh việc ngừa thai, thuốc Loestrin còn có các tác dụng sau:

  • Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt đều hơn, giảm lượng máu kinh và tình trạng đau bụng mỗi khi hành kinh;
  • Giảm nguy cơ u nang buồng trứng;
  • Điều trị mụn trứng cá.

Người sử dụng cần lưu ý thuốc Loestrin không có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các các bệnh lây truyền qua đường tình dục (như HIV, lậu, chlamydia).

2. Cách sử dụng thuốc Loestrin

Người dùng cần tham khảo thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc trên bao bì hoặc do dược sĩ cung cấp, điều này rất quan trọng để hướng dẫn người sử dụng về thời điểm uống thuốc và những việc cần làm khi bỏ lỡ một liều thuốc.

Thuốc Loestrin được sử dụng bằng đường uống, theo hướng dẫn trên bao bì hoặc chỉ dẫn của bác sĩ, thường là 1 lần/ngày. Hãy lựa chọn một thời điểm thích hợp, dễ nhớ và uống thuốc Loestrin vào cùng một thời điểm đó mỗi ngày.

Điểm mấu chốt khi sử dụng thuốc tránh thai nội tiết tố Loestrin là phải liên tục uống thuốc một cách chính xác theo chỉ dẫn. Các nhãn hiệu thuốc tránh thai khác nhau sẽ có hàm lượng estrogen và progestin trong mỗi viên thuốc khác nhau tùy vào thời điểm sử dụng trong chu kỳ. Vì vậy, người dùng cần tuân thủ cẩn thận các hướng dẫn để để tìm viên có hoạt tính đầu tiên và sử dụng nó, sau đó uống các viên còn lại theo đúng thứ tự, không bỏ qua bất kỳ viên thuốc Loestrin nào.

Khả năng mang thai sẽ xảy ra khi người dùng bỏ lỡ thuốc Loestrin, khi đó hãy bắt đầu gói thuốc mới ở thời điểm khác trong ngày và duy trì việc uống thuốc đều đặn vào thời điểm này.

Nôn ói hoặc tiêu chảy là yếu tố có thể làm giảm hiệu quả của các thuốc tránh thai (trong đó có thuốc Loestrin). Nếu gặp phải tình trạng nôn hoặc tiêu chảy, người dùng cần áp dụng thêm một biện pháp ngừa thai dự phòng (như bao cao su, chất diệt tinh trùng).

Uống thuốc Loestrin sau bữa ăn tối hoặc trước khi đi ngủ có thể hữu ích đối với người bị đau bụng hoặc buồn nôn do thuốc. Bất kể sử dụng lịch dùng thuốc nào, vấn đề quan trọng nhất vẫn là dùng Loestrin vào cùng một thời điểm mỗi ngày, cách nhau 24 giờ.

Gói thuốc Loestrin gồm có 21 viên thuốc có hoạt tính (có nội tiết tố) và đôi khi có thêm 7 viên thuốc nhắc nhở không hoạt tính. Người dùng uống một viên thuốc có hoạt tính 1 lần/ngày trong 21 ngày liên tiếp và uống 7 viên còn lại không có hoạt tính 1 lần/ngày trong 7 ngày tiếp theo (đối với gói thuốc có 28 viên).

Người dùng cần lưu ý nếu gói thuốc Loestrin chỉ có 21 viên thì không dùng bất kỳ viên nào trong 7 ngày sau khi hết thuốc, trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.

Người dùng thường sẽ có kinh vào tuần thứ tư của chu kỳ. Sau khi hoàn thành chu kỳ trên, người dùng hãy bắt đầu một gói thuốc mới vào ngày hôm sau cho dù có kinh nguyệt hay không. Nếu không có kinh, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Nếu đây là lần đầu tiên sử dụng thuốc Loestrin và không phải chuyển đổi từ một hình thức tránh thai hormone (như miếng dán tránh thai, thuốc tránh thai khác), người dùng hãy sử dụng viên thuốc đầu tiên trong gói vào ngày chủ nhật đầu tiên sau khi bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt hoặc vào ngày đầu tiên của kỳ kinh.

Đối với chu kỳ uống thuốc Loestrin đầu tiên, người dùng nên áp dụng thêm một hình thức ngừa thai không nội tiết tố (như bao cao su, chất diệt tinh trùng) trong 7 ngày đầu để tăng hiệu quả tránh thai và đợi Loestrin có đủ thời gian phát huy tác dụng.

Nếu bắt đầu vào ngày đầu tiên của kỳ kinh, người dùng có thể không cần phải sử dụng biện pháp tránh thai dự phòng trong tuần đầu tiên.

Tham khảo bác sĩ hoặc dược sĩ về cách chuyển từ các hình thức kiểm soát sinh sản nội tiết tố khác (như miếng dán, thuốc tránh thai khác) sang sản phẩm thuốc Loestrin.


Thuốc Loestrin cần được sử dụng đúng theo kê toa của bác/dược sĩ
Thuốc Loestrin cần được sử dụng đúng theo kê toa của bác/dược sĩ

3. Phản ứng phụ của thuốc Loestrin

Thuốc Loestrin có thể gây ra buồn nôn, nôn, nhức đầu, đầy bụng, căng tức ngực, sưng mắt cá chân, sưng bàn chân (do hiện tượng giữ nước) hoặc thay đổi cân nặng. Người dùng có thể gặp phải hiện tượng chảy máu âm đạo giữa các kỳ kinh (máu ra lấm tấm) hoặc trễ kinh, kinh nguyệt không đều, đặc biệt là trong vài tháng đầu sử dụng thuốc Loestrin.

Nếu bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Loestrin kéo dài hoặc ngày càng trầm trọng hơn, người dùng hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết ngay lập tức.

Nếu người dùng thuốc Loestrin bị trễ kinh 2 kỳ liên tiếp (hoặc 1 kỳ kinh nếu chưa sử dụng thuốc Loestrin đúng cách), hãy liên hệ với bác sĩ để thử thai. Thuốc Loestrin có thể làm tăng huyết áp của người sử dụng, vì vậy cần kiểm tra huyết áp thường xuyên và cho bác sĩ biết nếu kết quả cao. Các tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc Loestrin cần báo ngay với bác sĩ gồm:

  • Nổi cục ở vú;
  • Thay đổi tâm thần (trầm cảm mới mắc hoặc ngày càng trầm trọng hơn);
  • Đau dạ dày, đau bụng dữ dội;
  • Xuất huyết âm đạo bất thường (ra máu liên tục, ra máu nhiều đột ngột, trễ kinh);
  • Nước tiểu sẫm màu;
  • Vàng mắt, vàng da.

Thuốc Loestrin hiếm khi gây ra các vấn đề nghiêm trọng (gây tử vong) do cục máu đông (như huyết khối tĩnh mạch sâu, đau tim, thuyên tắc phổi, đột quỵ). Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý các dấu hiệu như:

  • Đau ngực, đau hàm, đôi khi đau lan ra cánh tay trái;
  • Lú lẫn;
  • Chóng mặt, hay ngất xỉu đột ngột;
  • Đau kèm theo sưng và nóng ở bẹn hoặc ở bắp chân;
  • Khó nói, khó thở đột ngột, thở nhanh;
  • Nhức đầu bất thường (bao gồm thiếu phối hợp, đau nửa đầu, đau đầu đột ngột dữ dội);
  • Đổ mồ hôi bất thường;
  • Suy nhược 1 bên cơ thể;
  • Thay đổi về thị lực (nhìn đôi, mù một phần hoặc mù hoàn toàn).

Phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng với thuốc Loestrin là rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, hãy tìm trợ giúp y tế ngay lập tức nếu người dùng nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm: phát ban, ngứa, sưng mặt, sưng lưỡi, chóng mặt, khó thở.


Thuốc Loestrin có thể gây ra triệu chứng đau dạ dày
Thuốc Loestrin có thể gây ra triệu chứng đau dạ dày

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Loestrin

Trước khi sử dụng thuốc Loestrin, người dùng hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu có tiền sử bị dị ứng với bất kỳ loại estrogen nào (như ethinylestradiol, mestranol) hoặc bất kỳ progestin nào (như norethindrone, desogestrel) hoặc có bất kỳ dị ứng nào khác.

Trước khi sử dụng thuốc Loestrin, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết về bệnh sử của người dùng, đặc biệt là:

  • Cục máu đông (ở chân, mắt, phổi...);
  • Rối loạn đông máu;
  • Cao huyết áp;
  • Kết quả khám vú bất thường;
  • Ung thư;
  • Mức cholesterol cao;
  • Trầm cảm;
  • Tiểu đường;
  • Tiền sử gia đình hoặc cá nhân mắc phù mạch;
  • Các vấn đề về túi mật;
  • Đau đầu, đau nửa đầu;
  • Các vấn đề về tim (bệnh van tim, nhịp tim không đều, có cơn đau tim trước đó);
  • Tiền sử vàng mắt, vàng da khi mang thai hoặc trong khi sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố;
  • Bệnh thận;
  • Bệnh gan;
  • Đột quỵ;
  • Sưng tấy phù nề;
  • Các vấn đề về tuyến giáp ;
  • Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân.

Nếu người dùng thuốc Loestrin bị tiểu đường, Loestrin có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, do đó cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo chỉ dẫn và chia sẻ kết quả với bác sĩ chuyên khoa. Lưu ý các triệu chứng tăng đường huyết như tăng cảm giác khát nước, tăng số lần đi tiểu. Khi đó có thể cần điều chỉnh lại các loại thuốc tiểu đường, chương trình tập thể dục hoặc chế độ ăn uống của người bệnh.

Cho bác sĩ biết nếu người dùng thuốc Loestrin vừa/sẽ phẫu thuật, hoặc sắp ngồi trên giường/ghế trong thời gian dài (như một chuyến bay dài)... những tình trạng này sẽ tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt nếu người dùng đang áp dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố. Khi đó người dùng thuốc Loestrin có thể cần ngừng thuốc một thời gian hoặc thực hiện các biện pháp phòng ngừa đặc biệt khác.

Thuốc Loestrin có thể làm xuất hiện các vùng da sậm màu trên mặt (nám da). Ánh nắng mặt trời sẽ làm tình trạng này xấu đi, vì vậy cần hạn chế thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, sử dụng kem chống nắng và mặc quần áo bảo vệ.

Có thể mất nhiều thời gian hơn để mang thai sau khi ngừng uống thuốc Loestrin. Theo đó, thuốc Loestrin không nên sử dụng trong thời kỳ mang thai. Nếu người dùng thuốc Loestrin có thai hoặc nghi ngờ bản thân mang thai, hãy nói với bác sĩ ngay lập tức. Đối với những bà mẹ vừa sinh con hoặc vừa sảy thai/phá thai trong 3 tháng gần nhất, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các hình thức kiểm soát sinh sản đáng tin cậy khác và tìm hiểu thời điểm nào là an toàn nhất để bắt đầu sử dụng biện pháp tránh thai có chứa một dạng estrogen như thuốc Loestrin.

Thuốc Loestrin có thể làm giảm sản xuất sữa mẹ. Một lượng nhỏ thuốc Loestrin có thể đi vào sữa mẹ và gây ra các tác dụng không mong muốn đối với trẻ bú mẹ.


Người bệnh thận nên lưu ý khi dùng thuốc Loestrin
Người bệnh thận nên lưu ý khi dùng thuốc Loestrin

5. Tương tác của thuốc Loestrin

Tương tác thuốc có thể thay đổi cách hoạt động của thuốc Loestrin hoặc làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc Loestrin bao gồm:

  • Chất ức chế aromatase (anastrozole, exemestane);
  • Ospemifene;
  • Tamoxifen;
  • Tizanidine;
  • Tranexamic acid;
  • Sản phẩm kết hợp dùng để điều trị viêm gan C mãn.

Một số loại thuốc có thể khiến việc kiểm soát sinh sản bằng hormone (như thuốc Loestrin) hoạt động kém hiệu quả do làm giảm lượng hormone kiểm soát sinh sản trong cơ thể, từ đó dẫn đến mang thai như:

  • Griseofulvin;
  • Modafinil;
  • Rifamycins;
  • Thuốc trị động kinh (barbiturat, carbamazepin, felbamate, phenytoin, primidone, topiramate);
  • Thuốc HIV (như nelfinavir, nevirapine, ritonavir).

Hãy cho bác sĩ biết khi người dùng bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc mới nào và thảo luận xem có nên sử dụng biện pháp tránh thai đáng tin cậy bổ sung hay không.

Ngoài ra, người dùng thuốc Loestrin cần cho bác sĩ biết nếu có bất kỳ vết chảy máu hoặc ra máu đột ngột, đây có thể là những dấu hiệu cho thấy biện pháp tránh thai bằng thuốc Loestrin không hoạt động tốt.

Thuốc Loestrin có thể can thiệp vào một số xét nghiệm như các yếu tố đông máu, tuyến giáp... gây ra kết quả xét nghiệm sai. Các triệu chứng của quá liều thuốc Loestrin có thể bao gồm buồn nôn và nôn mửa nghiêm trọng, chảy máu âm đạo đột ngột.

Người dùng thuốc Loestrin nên khám sức khỏe tổng thể thường xuyên, bao gồm các xét nghiệm như huyết áp, khám vú, khám vùng chậu, phết tế bào cổ tử cung để theo dõi sự và kiểm tra các tác dụng phụ của thuốc Loestrin. Đặc biệt cần kiểm tra vú và báo cáo về việc xuất hiện bất kỳ cục u nào ngay lập tức cho ​​bác sĩ.

Tham khảo thông tin trên gói sản phẩm thuốc Loestrin để có được thông tin về liều đã quên. Người dùng có thể cần sử dụng đến biện pháp ngừa thai dự phòng (như bao cao su, chất diệt tinh trùng) để tránh thai.

Nếu người dùng thường xuyên quên uống thuốc Loestrin theo chỉ dẫn, hãy liên hệ với bác sĩ để chuyển sang hình thức ngừa thai khác. Bảo quản thuốc Loestrin trong điều kiện nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng, độ ẩm, không trữ thuốc Loestrin trong phòng tắm, để thuốc tránh xa trẻ em và vật nuôi. Không xả thuốc Loestrin xuống bồn cầu hoặc đổ vào cống, vứt bỏ thuốc một cách thích hợp khi đã hết hạn hoặc không cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe