Thuốc kháng sinh Metronidazol: Tác dụng, liều dùng và lưu ý sử dụng

Bài viết được viết bởi Dược Sĩ Nguyễn Huy Khiêm - Dược sĩ lâm sàng, Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Metronidazol là một kháng sinh thuộc nhóm nitroimidazol, là thành phần hoạt chất có trong một số biệt dược thông dụng như Flagyl®, Rodogyl®,... Dưới đây là một số thông tin cần lưu ý khi sử dụng thuốc Metronidazol.

1. Phổ tác dụng và chỉ định

Metronidazol có tác dụng diệt khuẩn tốt trên các vi khuẩn kỵ khí (sinh trưởng trong môi trường không có oxy). Các vi khuẩn kị khí có mặt ở nhiều vị trí trong cơ thể người, trong đó tập trung nhiều tại khoang miệng, ống tiêu hoá,...

Ngoài ra, metronidazol cũng thể hiện tác dụng trên một số vi sinh vật nguyên sinh như trùng roi âm đạo (T. vaginalis), lỵ amip (E. histolytica), Giardia lamblia,...

Do đó, kháng sinh metronidazol thường được chỉ định để điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn với tác nhân gây bệnh có thể từ vi khuẩn kị khí hoặc nguyên sinh bào như nhiễm khuẩn răng miệng, nhiễm khuẩn ổ bụng, nhiễm khuẩn phụ khoa,...

Metronidazol còn tác dụng trên vi khuẩn Helicobacter pylori – tác nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng; bởi vậy có thể được là 1 lựa chọn trong phác đồ phối hợp tiệt trừ vi khuẩn HP.

Do thuốc có thể được sử dụng cho khá nhiều trường hợp nhiễm khuẩn, liều sử dụng hàng ngày của metronidazol cũng khá đa dạng, thay đổi tùy theo chỉ định.

2. Biệt dược chứa metronidazol và dạng bào chế

  • Đường tiêm truyền tĩnh mạch: Moretel® 500 mg,...
  • Đường uống: Flagyl® 250 mg, Rodogyl® (Spiramicin 750.000 UI + Metronidazol 125 mg), ...
  • Đường đặt âm đạo: Neo Tergynan® (Metronidazol + Neomycin + Nystatin), ...
  • Gel bôi nha khoa: Metrogyl Denta® (Metronidazol + Chlorhexidin),...

Metronidazol có tác dụng diệt khuẩn trên các vi khuẩn kỵ khí
Metronidazol có tác dụng diệt khuẩn trên các vi khuẩn kỵ khí

3. Lưu ý khi sử dụng metronidazol

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai do metronidazol có thể qua được hàng rào nhau thai. Tuy nhiên, thuốc vẫn có thể được sử dụng nếu có chỉ định phù hợp của bác sĩ điều trị.
  • Phụ nữ cho con bú: nồng độ metronidazol có trong sữa mẹ ở mức tương đương với nồng độ thuốc trong máu sau khi sử dụng thuốc đường toàn thân (uống, tiêm truyền). Để hạn chế lượng metronidazol trẻ bú mẹ có thể bị phơi nhiễm, không nên cho trẻ bú trong thời gian mẹ dùng thuốc. Sau khi liều metronidazole cuối cùng được sử dụng 24 giờ, có thể cho trẻ bú lại.
  • Tác dụng phụ thường gặp của metronidazol chủ yếu trên đường tiêu hoá: buồn nôn, nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hoá,... Miệng có vị kim loại cũng là một triệu chứng khá phổ biến. Người bệnh có thể uống thuốc sau khi ăn để hạn chế các tác dụng không mong muốn kể trên tại đường tiêu hoá.
  • Không sử dụng đồ uống có cồn (bia, rượu) trong thời gian sử dụng metronidazol do nguy cơ gặp phải phản ứng nghiêm trọng kiểu disulfiram, có thể gây tử vong. Triệu chứng thường gặp của phản ứng kiểu disulfiram bao gồm nóng bừng mặt, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, buồn nôn, nôn,...
  • Nước tiểu của bệnh nhân sử dụng metronidazol có thể có màu nâu đỏ đậm. Hiện tượng này là bình thường và sẽ biến mất khi dừng thuốc.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe