Thuốc Hepsera là một chất tương tự nucleotide, được chỉ định để điều trị bệnh viêm gan B mãn tính ở người lớn. Thận trọng khi dùng Hepsera ở đối tượng mắc bệnh HIV, các vấn đề về gan và suy thận.
1. Hepsera là thuốc gì? Hepsera có tác dụng gì?
Hepsera là thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị nhiễm virus viêm gan B mãn tính ở những người từ 12 tuổi trở lên. Cơ chế hoạt động của thuốc là làm chậm sự phát triển và tải lượng virus trong cơ thể người bệnh.
Cần lưu ý là thuốc Hepsera không có tác dụng chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm gan B và không ngăn chặn sự lây truyền bệnh viêm gan B cho người khác. Bản chất của thuốc Hepsera tương tự nucleotide.
2. Cách sử dụng thuốc Hepsera
- Bệnh nhân cần đọc kỹ tờ thông tin trước khi bắt đầu dùng thuốc Hepsera. Thuốc được dùng theo đường uống dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Liều lượng dùng được tính toán dựa trên tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và khả năng đáp ứng điều trị, thường dùng 1 lần mỗi ngày.
- Điều trị chỉ với Hepsera không thích hợp cho những bệnh nhân nhiễm cả viêm gan B và HIV. Bệnh nhân nên xét nghiệm HIV cả trước và trong khi điều trị để nhận được phác đồ điều trị thích hợp.
- Trong hoặc sau khi điều trị với Hepsera, tình trạng bệnh nhân có thể trở nên tồi tệ hơn, giảm đáp ứng với điều trị hoặc nhiễm các chủng virus kháng thuốc. Trong trường hợp này, hãy báo cho bác sĩ của bạn ngay lập tức để tìm hướng xử trí đúng cách.
3. Tác dụng phụ khi dùng Hepsera
Bệnh nhân dùng thuốc Hepsera có thể gặp phải tình trạng suy nhược cơ thể, nhức đầu, sốt, ho, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc đầy hơi. Nếu các triệu chứng này kéo dài hoặc trở nên tồi tệ hơn thì hãy trao đổi cụ thể với bác sĩ hoặc dược sĩ để có hướng xử trí phù hợp.
Hãy thông báo đến bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn nhận thấy bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Hepsera liên quan đến các vấn đề về thận (chẳng hạn như thay đổi thể tích nước tiểu trong ngày).
Rất hiếm khi xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc Hepsera. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần chú ý đến các dấu hiệu liên quan đến dị ứng để có thể đi thăm khám kịp thời.
4. Cảnh báo thận trọng khi dùng thuốc Hepsera
- Trước khi dùng thuốc Hepsera, hãy cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết nếu bạn bị dị ứng với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào khác. Ngoài ra, cần cung cấp thông tin tiền sử bệnh cho bác sĩ điều trị, đặc biệt là: nhiễm HIV, bệnh thận, ghép gan.
- Trong thời kỳ mang thai, thuốc Hepsera chỉ nên được sử dụng nếu thật sự cần thiết sau khi được cân nhắc bởi bác sĩ chuyên môn.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cần dùng thuốc Hepsera trước khi bắt đầu cho con bú.
5. Tương tác giữa Hepsera với các thuốc khác
Tương tác Hepsera có thể thay đổi khả năng tác động của thuốc hoặc làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số thuốc có nguy cơ tương tác với Hepsera, bao gồm: Cidofovir, thuốc chống viêm không steroid (như ibuprofen).
Không dùng các sản phẩm có chứa tenofovir cùng với thuốc Hepsera.
6. Lưu ý khi dùng quá liều Hepsera
- Nếu đã sử dụng quá liều Hepsera và có các triệu chứng nghiêm trọng như ngất hoặc khó thở thì hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
- Không tự ý dùng chung Hepsera với những thuốc khác khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ điều trị.
- Để tránh lây bệnh viêm gan B cho người khác, bệnh nhân cần sinh hoạt tình dục an toàn và luôn có biện pháp bảo vệ (chẳng hạn như bao cao su). Không dùng chung kim tiêm với người khác.
- Các xét nghiệm y tế (chẳng hạn như xét nghiệm chức năng thận, xét nghiệm chức năng gan và xét nghiệm HIV) có thể được thực hiện trong thời gian điều trị với thuốc Hepsera. Tái khám và làm xét nghiệm định kỳ trong và sau khi điều trị.
Việc nắm rõ thông tin về thuốc Hepsera trước khi sử dụng luôn mang đến hiệu quả tích cực cũng như hạn chế rủi ro cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nếu có bất cứ thắc mắc, khách hàng có thể gửi câu hỏi tới Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nhận được những tư vấn chuyên sâu từ đội ngũ bác sĩ, dược sĩ nhiều năm kinh nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com