Thuốc giảm đau có gây nghiện không?

Thuốc giảm đau opioid góp phần rất lớn vào việc cải thiện kiểm soát đau. Thuốc giảm đau nhóm opioid tương đối an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nguy cơ lạm dụng và phụ thuộc cao khi sử dụng opioid kéo dài, sai hướng dẫn. Điều này có thể gây nghiện opioid giống như nghiện ma túy, dẫn đến những tổn hại sức khỏe nghiêm trọng như suy hô hấp và nặng nhất là tử vong.

1. Thuốc giảm đau opioid là gì?

Thuốc giảm đau opioid bên cạnh được sử dụng để giảm đau thì còn có tác dụng gây mê hoặc giảm ho, chống tiêu chảy. Tính chất của opioid như morphine tác động trực tiếp lên các thụ thể opioid. Opioid gồm các loại thuốc phiện, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc phiện và có cả morphine. Các opioid khác là các loại thuốc bán tổng hợp và tổng hợp như hydrocodone, oxycodone, fentanyl và thuốc đối kháng như naloxone, peptide nội sinh endorphins. Hai nhóm chính của thuốc giảm đau opioid là nhóm các chất tự nhiên chiết xuất từ thuốc phiện bao gồm opium, morphin, codein và nhóm các chất tổng hợp bao gồm fentanyl, tramadol, hydrocodone, heroin.

2. Các loại thuốc giảm đau opioid chính

Morphine và pethidin là các thuốc giảm đau nhóm opioid có tác dụng đối với trường hợp đau từ vừa đến nặng, nhất là đau do nội tạng còn codein giảm đau nhẹ hơn phù hợp với trường hợp đau từ nhẹ đến vừa. Tác dụng giảm đau của nhóm thuốc này cũng phụ thuộc vào đáp ứng của thuốc đối với cơ thể người bệnh.

  • Morphine có giá trị nhất đối với những người bệnh bị đau nặng. Bên cạnh tác dụng giảm đau thì morphine còn mang lại cho người bệnh khoái cảm, sự lạc quan, mất cảm giác bị đói, hết buồn rầu hoặc sợ hãi. Tuy nhiên, nếu sử dụng lặp lại nhiều lần thì morphin gây nghiện và nhờn thuốc. Tác dụng phụ không mong muốn phổ biến với liều thông thường là buồn nôn, nôn, táo bón và gây buồn ngủ, với liều cao gây thì ức chế hô hấp và hạ huyết áp.
  • Pethidin tác dụng kém hơn morphine, ít gây táo bón hơn morphin, làm giảm đau nhanh nhưng ngắn nên thường sử dụng giảm đau trong các trường hợp đau vừa và nặng. Pethidin còn dùng cả đường tiêm để gây tiền mê, hỗ trợ gây mê. Norpethidin là một chất chuyển hoá của pethidin gây độc cho thần kinh, tích lũy khi dùng nhiều lần pethidin, kích thích hệ thần kinh trung ương như giật cơ và co giật. Tác dụng phụ này kèm theo tác dụng giảm đau ngắn làm cho pethidin không phù hợp khi điều trị cơn đau nặng kéo dài.
  • Tác dụng của codein yếu hơn morphine nhiều. Liều dùng thông thường thì ít gây nhiều tác dụng phụ và ít gây nghiện. Codein hiệu quả đối với đau từ nhẹ đến vừa, dùng lâu thì gây táo bón. Do tác dụng trực tiếp lên trung tâm gây ho ở hành não nên codein có tác dụng giảm ho, làm khô dịch tiết đường hô hấp cũng như làm cho độ quánh dịch tiết phế quản tăng lên. Ngoài ra, codein còn ngăn ho đối với người bệnh bị mất ngủ do ho khan, giảm nhu động ruột giúp điều trị tiêu chảy do bệnh thần kinh đái tháo đường, chống chỉ định khi bị tiêu chảy cấp và tiêu chảy do nhiễm khuẩn.

Morphine có giá trị nhất đối với những người bệnh bị đau nặng.
Morphine có giá trị nhất đối với những người bệnh bị đau nặng.

3. Thuốc giảm đau gây nghiện không?

3.1. Tác dụng phụ gây nghiện của nhóm thuốc opioid

Các tác dụng phụ của nhóm thuốc opioid gồm ngứa, buồn ngủ, buồn nôn, táo bón, suy hô hấp, hưng phấn. Một số trường hợp sử dụng thường xuyên opioid với mục đích giải trí dẫn đến nghiện ngập. Dùng quá liều hoặc dùng cùng lúc với các thuốc giảm đau khác rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến suy hô hấp, nặng hơn là tử vong. Khi sử dụng liên tục loại thuốc giảm đau gây nghiện này sẽ bị phụ thuộc, đòi hỏi phải tăng liều và khi ngưng đột ngột thì dễ mắc phải hội chứng cai nghiện. Nếu muốn ngưng sử dụng thì người bệnh cũng mất một thời gian rất dài và gặp nhiều khó khăn để trải qua các triệu chứng cai thuốc.

Tình trạng tự ý sử dụng thuốc giảm đau ở Việt Nam nhiều, không theo chỉ dẫn của bác sĩ, chưa tuân thủ quy định bảo quản. Quy trình xử lý thuốc giảm đau opioid, cụ thể là morphine đã trở thành vấn đề cần phải cảnh báo vì gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như tính mạng của con người.

Đối với người nghiện thuốc opioid, họ khó có thể cưỡng lại ham muốn của mình. Những người này luôn tìm mọi cách để tiếp tục sử dụng hoặc tự ý tăng liều với mục đích có được ảo giác khoái cảm mà không màng đến các tác hại của opioid gây ra. Vì vậy, nếu bị nghiện thì rất nguy hiểm, tăng nguy cơ sốc thuốc.

Chính vì vậy, nghiện opioid là tình trạng lạm dụng thuốc trong một thời gian dài, dẫn tới các biểu hiện giống hệt nghiện ma túy như trở nên thụ động, lười biếng, không chú ý chăm sóc vệ sinh cá nhân, rối loạn tâm lý kèm theo tình trạng suy giảm miễn dịch, mất ngủ, chán ăn, sụt cân, co đồng tử và nếu mắc phải bệnh truyền nhiễm thì tử vong sớm hơn.

3.2. Lạm dụng Tramadol

Thuốc opioid đầu tiên chịu trách nhiệm cho việc lạm dụng thuốc là tramadol, lạm dụng tramadol thì ngày càng tăng trong những năm gần đây. Tramadol phổ biến thứ hai sau codein, được tìm thấy trên các đơn thuốc giả khi khảo sát tại các nhà thuốc. Tramadol còn là loại thuốc giảm đau đầu tiên (trước cả morphine) liên quan đến tử vong khi dùng thuốc điều trị giảm đau.

Khi quan sát liệu trình sử dụng tramadol, kể cả tác dụng phụ nghiện kèm các triệu chứng cai thuốc, cho thấy, mặc dù dùng theo liều khuyến cáo trong thời gian ngắn thì vẫn xảy ra việc sử dụng kéo dài ở những bệnh nhân hết đau. Do đó, đã có quyết định giảm giới hạn thời gian kê toa của tramadol từ 12 tháng xuống chỉ còn 3 tháng kèm theo các thông tin điều trị có hệ thống cho bệnh nhân, cụ thể là thời điểm ngừng thuốc cũng như theo dõi các rủi ro ngay cả khi đơn thuốc ban đầu được kê phù hợp với chỉ định cấp phép của tramadol.

3.3. Cơ chế gây nghiện của thuốc giảm đau opioid

Khi thuốc opioid được đưa vào cơ thể qua đường uống hoặc tiêm thì sẽ liên kết với các thụ thể opioid ở hệ thống thần kinh trung ương hay vùng ngoại biên và đường tiêu hóa. Các tín hiệu đau đến não bị hãm lại và ngưỡng chịu đau của cơ thể tăng lên, cụ thể opioid kích hoạt giải phóng chất dẫn truyền hưng phấn endorphin xóa mờ cảm giác đau, tăng cảm giác thoải mái, dễ chịu. Thế nên, trung tâm hưng phấn của não bộ bị kích thích sẽ dẫn đến nguy cơ gây nghiện của opioid, nhất là lúc tác dụng của thuốc không còn, thúc đẩy mong muốn có lại cảm giác dễ chịu trước đó nên sẽ lại tìm đến loại thuốc giảm đau này. Tình trạng nghiện thuốc opioid để giảm đau có thể xảy ra với bất kỳ cá nhân nào liên quan đến tiền sử, tuổi tác, giới tính, số lần dùng, thời gian sử dụng mà không được kiểm soát hay tuân thủ tốt.


Tình trạng nghiện thuốc opioid để giảm đau có thể xảy ra với bất kỳ cá nhân nào.
Tình trạng nghiện thuốc opioid để giảm đau có thể xảy ra với bất kỳ cá nhân nào.

4. Cách phòng ngừa tình trạng nghiện opioid

Sử dụng opioid theo hướng dẫn của bác sĩ với liều thấp trong thời gian ngắn để kiểm soát cơn đau cấp tính như đau sau phẫu thuật hoặc gãy xương là an toàn nhất.

Opioid có thể không phải là lựa chọn an toàn và mang lại hiệu quả lâu dài đối với cơn đau mãn tính do tính gây nghiện của nó. Việc hạn chế sử dụng opioid trong điều trị đau mãn tính là cần thiết, tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc và lựa chọn phương pháp điều trị ít gây nghiện cũng như có một kế hoạch theo dõi diễn tiến bệnh của bạn.

Thuốc giảm đau nhóm opioid không được tự ý sử dụng một cách bừa bãi. Cần tuân thủ tuyệt đối quy định về an toàn sử dụng, cách bảo quản, nơi cất giữ đối với thuốc giảm đau opioid kê đơn hoặc không kê đơn, đặc biệt phải nắm và hiểu rõ thông tin xử lý và liên hệ với các dịch vụ thu hồi, xử lý thuốc đối với những thuốc hết hạn hoặc không sử dụng đến.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Bài viết tham khảo: suckhoedoisong.vn, msdmanuals.com, hellobacsi.com, canhgiacduoc.org.vn

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe