Thuốc Esomeprazole được sử dụng để điều trị trong một số các bệnh ở dạ dày và cuống họng, để tối đa hóa tác dụng của thuốc người bệnh cần sử dụng thuốc đúng cách. Thuốc Esomeprazole 40mg uống trước hay sau ăn? Tham khảo thêm bài viết dưới đây để có thêm thông tin về cách sử dụng thuốc Esomeprazole.
1. Tác dụng của thuốc Esomeprazole?
Thuốc Esomeprazole thuộc nhóm các chất PPIs (các chất ức chế bơm proton). Thuốc Esomeprazole hoạt động bằng cách giảm lượng acid do dạ dày tạo ra. Thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng như khó nuốt, ợ nóng và ho kéo dài. Thuốc Esomeprazole có thể giúp chữa lành các tổn thương trong cuống họng và dạ dày do acid gây ra, phòng ngừa được viêm loét và ngăn ngừa ung thư vòm họng.
Thuốc Esomeprazole có những dạng và hàm lượng như sau:
- Dạng hạt, dành cho hỗn dịch, tác dụng phóng thích chậm như là Magnesium: hàm lượng 10mg/ gói.
- Dạng viên nén, tác dụng phóng thích kéo dài như Magnesium: hàm lượng 20mg, 40 mg.
2. Cách dùng và liều dùng của thuốc Esomeprazole
2.1. Thuốc Esomeprazole uống trước hay sau ăn?
Theo các khuyến cáo, nên sử dụng thuốc Esomeprazole trước bữa ăn từ 30 phút đến 1 giờ. Bởi vì các loại thuốc dạ dày nói chung và thuốc Esomeprazole nói riêng sẽ phát huy tác dụng tốt nhất khi chưa có sự có mặt của thức ăn. Tốt nhất nên uống trước bữa ăn sáng. Nếu liều điều trị là hai lần mỗi ngày, nên sử dụng liều đầu tiên vào trước bữa sáng và liều thức hai trước khi ăn tối.
Thuốc Esomeprazole được sử dụng theo đường uống, khi uống dạng viên nén, người bệnh cần nuốt nguyên viên thuốc, không được nhai, nghiền hay cắn viên thuốc. Người bệnh có thể dùng thuốc Esomeprazole song song với các thuốc kháng acid, nếu đang sử dụng Sucralfate, nên dùng thuốc Esomeprazole trước khi dùng Sucralfate ít nhất 30 phút. Người bệnh cần phải sử dụng thuốc một cách đều đặn và đúng thời gian để thuốc có thể phát huy tối đa công dụng của thuốc. Cho dù tình trạng bệnh có thể giảm bớt hoặc có thể hết hẳn nhưng người bệnh cần tiếp tục sử dụng thuốc theo đến hết thời gian điều trị. Nếu tình trạng bệnh kéo dài hoặc trầm trọng hơn cần báo ngay với bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời.
2.2. Liều dùng của thuốc Esomeprazole
Liều dùng thuốc Esomeprazole cho người lớn:
- Liều dùng cho người mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: dùng liều 20 mg, ngày dùng 1 lần, sử dụng liên tục trong 4 tuần.
- Liều dùng cho người bị ăn mòn thực quản: dùng liều 20mg đến 40 mg thuốc Esomeprazole, uống ngày 1 lần, sử dụng kéo dài trong 4 đến 8 tuần. Nếu người bệnh sau lần đầu điều trị không khỏi, có thể điều trị thêm một đợt từ 4 đến 8 tuần nữa. Người bệnh dùng liều duy trì với hàm lượng 20mg thuốc Esomeprazole ngày dùng 1 lần.
- Liều dùng cho người bị nhiễm Helicobacter pylori: Dùng phối hợp trong phác đồ điều trị gồm 3 loại thuốc bao gồm: dùng thuốc Esomeprazole hàm lượng 40 mg, uống ngày 1 lần, cùng với clarithromycin hàm lượng 500 mg và amoxicillin hàm lượng 1000 mg uống 2 lần/ ngày, sử dụng kéo dài trong 10 ngày.
- Liều dùng cho người bị loét dạ dày do sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Dùng thuốc Esomeprazole với hàm lượng 20 đến 40 mg, uống ngày 1 lần, sử dụng tối đa trong vòng 6 tháng.
- Liều dùng cho người bị hội chứng Zollinger – Ellison: Dùng thuốc Esomeprazole với hàm lượng 40mg, 2 lần/ ngày.
- Liều dùng cho người bị bệnh tăng tiết acid dịch vị: Dùng thuốc Esomeprazole với hàm lượng 40 mg, uống 2 lần/ ngày.
Liều dùng thuốc Esomeprazole cho trẻ em:
Liều dùng cho trẻ em bị bệnh trào ngược dạ dày – thực quản:
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi: không có các dữ liệu trong sử dụng thuốc.
- Đối với trẻ từ 1 đến 11 tuổi: dùng thuốc Esomeprazole với hàm lượng 10 mg, uống ngày 1 lần, kéo dài trong 8 tuần.
- Đối với trẻ từ 12 đến 17 tuổi: dùng thuốc Esomeprazole với hàm lượng 20 mg, ngày uống 1 lần, kéo dài trong 4 tuần.
Liều dùng cho trẻ em bị ăn mòn thực quản:
- Đối với trẻ dưới 1 tuổi: không có các dữ liệu trong sử dụng thuốc.
- Đối với trẻ từ 1 đến 11 tuổi: dùng thuốc Esomeprazole với hàm lượng 10mg, uống ngày 1 lần, kéo dài trong 8 tuần.
- Đối với trẻ từ 12 đến 17 tuổi: dùng thuốc Esomeprazole với hàm lượng 20mg đến 40mg, ngày uống 1 lần, kéo dài trong 4 đến 8 tuần.
3. Tác dụng không mong muốn của thuốc Esomeprazole
Trong quá trình sử dụng thuốc Esomeprazole, bên cạnh tác dụng điều trị, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như sau:
- Các phản ứng phản vệ dị ứng: khó thở, phát ban, sưng môi, mặt, họng hoặc lưỡi.
- Các tác dụng phụ ít nghiêm trọng như: buồn ngủ, nhức đầu, tiêu chảy nhẹ, đau dạ dày, buồn nôn, táo bón, khô miệng, ợ hơi.
- Cần ngưng sử dụng thuốc ngay và liên hệ với bác sĩ điều trị nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào sau đây: rối trí, chóng mặt, tim đập không đều hoặc đập nhanh, chuyển động cơ co giật, cảm giác bồn chồn, tiêu chảy phân nước hoặc có máu, họ hoặc có cảm giác nghẹn, yếu cơ, đau cơ hoặc cảm giác mềm nhũn, động kinh, co giật.
Khuyến cáo bệnh nhân khi gặp bất cứ dấu hiệu bất thường nào cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử lý hợp lý và kịp thời.
4. Tương tác thuốc Esomeprazole
Việc tương tác thuốc xảy ra có thể làm thay đổi đi khả năng hoạt động của thuốc hoặc làm gia tăng các ảnh hưởng của các tác dụng ngoại ý. Khuyến cáo bệnh nhân trước khi được chỉ định sử dụng thuốc Esomeprazole cần liệt kê tất cả các loại thuốc bao gồm thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng, các loại thảo dược đã và đang sử dụng để cho bác sĩ đang điều trị để có những phác đồ điều trị hợp lý. Người bệnh không được tự ý sử dụng thuốc, ngưng đột ngột hoặc tự ý thay đổi liều lượng của thuốc mà không có sự tham khảo ý kiến của bác sĩ.
- Không dùng thuốc Esomeprazole với Rilpivirine, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc khác để điều trị cho người bệnh.
- Các loại thuốc khác có thể không được khuyến cáo nhưng có thể được sử dụng trong một vài trường hợp cần thiết. Nếu phải sử dụng hai loại thuốc cùng nhau, bác sĩ có thể thay đổi liều dùng của thuốc hoặc mức độ thường xuyên sử dụng của một hoặc hai thuốc: Thuốc trị virus (Ketoconazole, Atazanavir, Mycophenolate Mofetil, Ledipasvir, Posaconazole và Saquinavir, Nelfinavir), Thuốc trị ung thư (Dabrafenib, Bosutinib, Erlotinib, Dasatinib, Methotrexate, Pazopanib, Nilotinib và Vismodegib), Thuốc trị trầm cảm (Eslicarbazepine Acetate, Citalopram), Thuốc chống kết tập tiểu cầu (Clopidogrel), Thuốc chống thải ghép (Tacrolimus), Thuốc gây mê (Thiopental).
- Khi dùng chung thuốc Esomeprazole với các loại thuốc sau có thể làm tăng nguy cơ bị tác dụng không mong muốn, nhưng việc sử dụng chung là cần thiết vì có thể là phương pháp điều trị tốt nhất. Bác sĩ cần tiến hành thay đổi liều dùng sao cho phù hợp: Levothyroxine, Risedronate, Cranberry, Warfarin.
Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng có thể gây ảnh hưởng đến việc sử dụng của thuốc Esomeprazole. Khuyến cáo bệnh nhân cần báo cho bác sĩ điều trị khi mắc các bệnh sau: tiêu chảy, loãng xương, đang hoặc đã từng hạ Magie máu, có tiền sử bị bệnh động kinh, người bị bệnh gan nặng.
5. Chú ý khi sử dụng thuốc Esomeprazole
5.1. Chống chỉ định của thuốc Esomeprazole
Không sử dụng thuốc Esomeprazole với đối tượng sau: Người bệnh dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc, kể cả hoạt chất chính esomeprazole hoặc các loại tá dược, dị ứng với dexlansoprazole, omeprazole, lansoprazole, rabeprazole, pantoprazole.
5.2. Thận trọng trước khi dùng thuốc Esomeprazole
- Khuyến cáo bệnh nhân cần báo với bác sĩ trước khi được chỉ định sử dụng thuốc Esomeprazole nếu đang dùng hoặc có ý định dùng các loại thuốc sau: thuốc chống đông máu nhất định, một số kháng sinh, một số thuốc chống nấm nhất định, clopidogrel, cilostazol, digoxin, diazepam, diuretics, thực phẩm bổ sung sắt, methotrexate, một số thuốc nhất định điều trị HIV. Bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ thích hợp và quan sát các tác dụng phụ.
- Thận trọng trên bệnh nhân bị bệnh thận hoặc từng bị magie máu thấp.
- Vẫn chưa có đầy đủ các báo cáo hoặc nghiên cứu để xác định được các rủi ro khi dùng thuốc này trong thời kỳ mang thai hoặc đang cho con bú. Trước khi có ý định sử dụng thuốc Esomeprazole, cần luôn hỏi ý kiến của bác sĩ để cân nhắc giữa lợi ích đạt được và nguy cơ gặp phải.
- Cần thận trọng trên đối tượng người cao tuổi, có thể sẽ gặp phải các tác dụng không mong muốn như làm tăng nguy cơ gãy xương cột sống, hông hoặc cổ tay, tiêu chảy nặng do vi khuẩn.
6. Bảo quản thuốc Esomeprazole
Thuốc Esomeprazole cần được bảo quản ở những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào hoặc nơi có nhiệt độ cao. Nhiệt độ bảo quản thích hợp nên dưới 30 độ C. Tránh việc trẻ có thể sử dụng nhầm thuốc mà không biết, cần để thuốc xa khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.
Trước khi sử dụng thuốc Esomeprazole, cần xem kỹ hạn sử dụng, nếu thuốc đã quá hạn sử dụng so với ngày in trên bao bì hoặc có xuất hiện các dấu hiệu lạ như ẩm mốc hoặc đổi màu thì bệnh nhân không nên sử dụng thuốc đó nữa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.