Corticoid là nhóm các thuốc chống viêm được sử dụng trong nhiều chỉ định với các bệnh lý khác nhau. Điều trị bằng corticoid có liên quan với tăng nguy cơ mất xương và gãy xương. Vì thế, việc phòng ngừa và điều trị loãng xương do corticoid là rất quan trọng.
1. Tại sao thuốc corticoid có thể gây loãng xương?
Corticoid (hay glucocorticoid) là nhóm các thuốc chống viêm được sử dụng trong nhiều chỉ định khác nhau với các hoạt chất như prednisolone, methylprednisolone, triamcinolone, beclomethasone, betamethasone, dexamethasone...
Điều trị bằng corticoid có liên quan với tăng nguy cơ mất xương và gãy xương. Các nghiên cứu chỉ ra rằng gãy xương liên quan tới corticoid xảy ra ngay khi giá trị mật độ xương cao hơn giá trị ở người loãng xương sau mãn kinh.
Tác dụng có hại của corticoid trên xương gây ra bởi tác động trực tiếp trên các tế bào tạo xương, các tế bào xương và các tế bào hủy xương. Corticoid tăng quá trình hủy xương và giảm quá trình tạo xương. Nguy cơ mất xương cao nhất trong vài tháng đầu sử dụng thuốc, sau đó mức độ sẽ chậm lại nhưng việc mất xương dần vẫn tiếp tục xảy ra. Khi dùng corticoid mạn tính lâu dài, quá trình hủy xương chậm lại và việc ức chế tạo xương trở thành nguyên nhân chính.
2. Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ (hay các yếu tố thuận lợi dễ dẫn tới gãy xương ở người bệnh dùng corticoid) bao gồm: tuổi cao, sử dụng liều cao corticoid và liệu trình kéo dài.
Tuy nhiên theo một số y văn, tình trạng gãy xương được báo cáo tới khoảng 30-50% người bệnh sử dụng corticoid và xảy ra ngay ở liều corticoid khá thấp (tương đương khoảng 2,5-7,5mg prednisolone mỗi ngày) và ngay khi sử dụng thuốc ngắn ngày (<30 ngày).
Nguy cơ mất xương gãy xương cao hơn ở bệnh nhân sử dụng corticoid đường toàn thân (uống hoặc tiêm). Corticoid sử dụng đường hít trong điều trị hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ít gây tác dụng phụ hơn so với corticoid dùng đường uống. Hiện chưa có dữ liệu thống nhất cho thấy mối liên hệ giữa corticoid đường hít và tăng nguy cơ loãng xương hay gãy xương. Vì vậy, bác sĩ thường ưu tiên cân nhắc sử dụng corticoid tại chỗ nếu có thể.
Nguy cơ gãy xương ở bệnh nhân sử dụng corticoid giảm nhanh trong 1 năm đầu sau ngừng thuốc.
3. Phòng ngừa và điều trị loãng xương do corticoid
3.1. Các biện pháp chung
Để phòng ngừa các vấn đề về cơ xương khớp liên quan tới corticoid, bạn nên ăn uống đủ chất, đa dạng các loại thực phẩm đặc biệt là các thực phẩm giàu protein và calci, vitamin D. Đồng thời, bạn cần tập thể dục thường xuyên, đặc biệt là các bài tập chịu lực (weight – bearing) rất tốt để phòng cả mất xương và teo cơ do corticoid.
Bên cạnh đó, bạn nên bỏ thuốc lá, tránh uống nhiều rượu và thực hiện các biện pháp để phòng ngã. Người cao tuổi nên được đánh giá nguy cơ ngã bởi nhân viên y tế và được gia đình hỗ trợ tối ưu trong việc phòng tránh ngã.
Bạn chỉ nên sử dụng các thuốc corticoid khi được bác sĩ kê đơn, không nên tự ý mua thêm đơn khi chưa được bác sĩ đánh giá lại hay chưa trao đổi với bác sĩ điều trị của mình. Bạn cần dùng đúng liều như được kê đơn, không nên tự ý tăng hoặc giảm liều thuốc. Thông thường, bác sĩ sẽ lựa chọn liều corticoid thấp nhất có thể và dùng trong thời gian ngắn nhất có thể.
Bất kỳ bệnh nhân nào sử dụng corticoid từ 3 tháng trở lên sẽ được các bác sĩ đánh giá nguy cơ gãy xương. Cùng với việc sử dụng corticoid, các yếu tố khác cũng được dùng để tiên lượng nguy cơ gãy xương như tuổi, tiền sử gãy xương, chỉ số khối cơ thể (BMI), tiền sử gia đình (có bố mẹ gãy xương hông), tần suất ngã, hút thuốc, uống nhiều rượu...
Thông thường, nếu bạn ≥40 tuổi, bạn sẽ được bác sĩ đánh giá mật độ xương khi dùng bất kỳ liều corticoid nào với liệu trình ≥3 tháng. Nếu bạn <40 tuổi, bạn sẽ được bác sĩ đánh giá mật độ xương khi dùng liều cao corticoid (tương đương khoảng 20mg prednisolone/ngày) trong ít nhất 1 tháng hoặc dùng corticoid bất kỳ liều nào theo liệu trình mạn tính lâu dài.
3.2. Bổ sung calci, vitamin D và các thuốc dự phòng
Bác sĩ có thể khuyên bạn bổ sung 1000-1200mg calci và 600-800 đơn vị vitamin D mỗi ngày thông qua chế độ ăn hoặc các chế phẩm bổ sung nếu bạn dùng corticoid ở bất kỳ mức liều nào với liệu trình từ 3 tháng trở lên.
Corticoid làm giảm hấp thu calci tại ruột và tăng thải trừ calci qua nước tiểu. Do đó, bổ sung calci có thể giúp làm giảm mất xương ở bệnh nhân sử dụng corticoid. Theo dữ liệu từ các nghiên cứu, bổ sung calci và vitamin D đồng thời có hiệu quả cải thiện mật độ xương tốt hơn bổ sung calci đơn độc ở người bệnh sử dụng corticoid.
Mặc dù, bổ sung calci và vitamin D rất cần thiết nhưng có thể vẫn chưa đủ nếu bạn sử dụng corticoid liều cao. Đôi khi, bác sĩ sẽ kê đơn các thuốc điều trị cho bạn.
Calcitriol là một chất chuyển hóa hoạt động của vitamin D, hiệu quả hơn vitamin D trên một số đối tượng bệnh nhân, có thể dùng phối hợp với calci trong dự phòng mất xương ở người bệnh sử dụng corticoid. Tuy nhiên, do nguy cơ tăng calci huyết và tăng calci niệu có thể xảy ra, đồng thời, do có sẵn các thuốc hiệu quả hơn, calcitriol ít khi được kê đơn.
Các nhóm thuốc chống hủy xương biphosphonate, các hormon cận giáp và các kháng thể đơn dòng có thể được bác sĩ lựa chọn kê đơn cho từng đối tượng bệnh nhân phù hợp sau khi cân nhắc lợi ích nguy cơ, giá thành và mong muốn của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.