Thuốc chống trầm cảm có gây nghiện không?

Trầm cảm là một bệnh lý đang ngày một gia tăng do nhiều yếu tố. Việc điều trị sớm và đúng cách giúp cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa việc tự làm hại bản thân. Nhiều người vì chưa hiểu rõ thực sự về các thuốc chống trầm cảm mà do dự không sử dụng dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

1. Thuốc chống trầm cảm là gì?

Trầm cảm là tình trạng rối loạn khí sắc, làm cho người bệnh có khí sắc trầm và đôi khi là kích động, luôn cảm thấy không hứng thú với những hoạt động, kể cả những hoạt động mà họ yêu thích, thay đổi giấc ngủ. Nếu nặng có thể dẫn tới những suy nghĩ tự làm hại bản thân, thậm chí tự tử thành công.

Các thuốc chống trầm cảm có nhiều loại khác nhau, có tác dụng làm thay đổi các chất hóa học trong cơ thể liên quan đến sự dẫn truyền thần kinh. Từ đó giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Dưới đây là một số loại thuốc chống trầm cảm thường được lựa chọn:

  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là ức chế sự tái hấp thu serotonin. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh có trong não, nên có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Đây là nhóm thuốc thường được chọn lựa để điều trị trầm cảm, vì có hiệu quả cao, dễ sử dụng, ít phải thay đổi liều và ít gây ra tác dụng phụ so với các loại thuốc chống trầm cảm khác.

Một số ví dụ về thuốc nhóm này gồm: citalopram, fluoxetine, paroxetine, sertraline...

  • Nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrin (SNRI)

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này là ức chế tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh bao gồm serotonin và norepinephrine trong não.

Một số ví dụ về nhóm thuốc này gồm: Desvenlafaxine, duloxetine, venlafaxine...

  • Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA)

Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể mang lại hiệu quả cao trong điều trị. Tuy nhiên do có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên hiện nay ít được sử dụng điều trị trầm cảm.

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc TCA tương tự như SNRI: Các loại thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn sự tái hấp thu các chất dẫn truyền thần kinh gồm có serotonin và norepinephrine trong não. Ngoài ra, còn ngăn chặn các thụ thể muscarinic M1, histamine H1 và alpha-adrenergic.

Các loại thuốc thường được sử dụng gồm amitriptylin, desipramine, doxepin, imipramine...

  • Nhóm thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOI)

Đây là nhóm thuốc ít được dùng vì thường gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể tương tác với rất nhiều loại thuốc trị khác, nên chỉ được sử dụng khi các nhóm thuốc khác không có tác dụng điều trị.

Cơ chế tác dụng của nhóm thuốc MAOI là ngăn chặn sự hoạt động của enzym monoamin oxydase, là một loại enzyme làm phá vỡ các chất dẫn truyền thần kinh norepinephrin, serotonin và dopamin trong não

Các thuốc thường dùng gồm: Tranylcypromine, phenelzin, isocarboxazid...

  • Thuốc ức chế tái hấp thu Norepinephrin-Dopamin

Thuốc này tác dụng theo cơ chế chưa được hiểu rõ ràng, nhóm thuốc này gây ra những ảnh hưởng có lợi đến chức năng catecholaminergic, dopaminergic và noradrenergic và không ảnh hưởng đến serotonin.

Bupropion hiện là loại thuốc duy nhất trong nhóm này hiện được sử dụng. Nó có thể giúp bệnh nhân trầm cảm và kết hợp với rối loạn tăng động, giảm chú ý hoặc rối loạn sử dụng cocain và những người đang cố gắng để bỏ hút thuốc.

  • Nhóm thuốc chống trầm cảm không điển hình khác gồm mirtazapin, trazodon...

Tương tự với các thuốc chống trầm cảm khác, cơ chế tác dụng của nhóm thuốc này ảnh hưởng đến hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh bao gồm dopamin, serotonin và norepinephrin trong não

Với các nhóm thuốc chống trầm cảm ở trên tùy thuộc vào triệu chứng và kinh nghiệm điều trị của bác sĩ mà lựa chọn thuốc phù hợp. Có thể phải kết hợp việc dùng nhiều loại thuốc với nhau để có thể đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm các tác dụng không mong muốn.

2. Uống thuốc chống trầm cảm có gây nghiện không?

Uống thuốc chống trầm cảm có hại không hay uống thuốc chống trầm cảm có gây nghiện không là điều mà rất nhiều người bệnh muốn biết.

Đầu tiên uống thuốc chống trầm cảm có hại không? Bất kỳ loại thuốc nào sử dụng để điều trị cũng mang tới một số nguy cơ gây ra tác dụng phụ nhất định. Nhưng trường hợp này thì lợi ích của thuốc mang đến cao hơn rất nhiều so với nguy cơ tác dụng phụ, bởi vì nhiều người mắc bệnh trầm cảm đã tự tử thành công, cho nên việc dùng thuốc để kiểm soát nguy cơ này rất cần thiết. Khi sử dụng bạn sẽ được cảnh báo về nguy cơ tác dụng phụ và nếu nó ảnh hưởng lớn tới cuộc sống thì bác sĩ sẽ thay thuốc hoặc chỉnh liều phù hợp. Một số tác dụng phụ của thuốc gồm:

  • Nhóm thuốc chống trầm cảm SSRI: Đây là nhóm thuốc có ít tác dụng phụ, nhưng khi dùng đôi khi có thể gây ra các tác dụng phụ gồm: buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu, rối loạn khả năng tình dục, khô miệng, tiêu chảy, giảm cân, mất ngủ...Một vài bệnh nhân khi dùng thuốc có thể bị kích động, chán nản và lo lắng nhiều hơn trong vòng một tuần kể từ khi bắt đầu dùng SSRIs hoặc tăng liều. Triệu chứng khi ngừng thuốc đột ngột có thể gặp như kích thích, lo lắng, buồn nôn, mất ngủ có thể xảy ra.
  • Nhóm thuốc SNRA: Buồn nôn là vấn đề phổ biến nhất xuất hiện trong 2 tuần đầu; tăng khả năng phụ thuộc liều xảy ra với liều cao, đổ mồ hôi, táo bón... Các triệu chứng ngừng thuốc đột ngột có thể xảy ra dễ bị kích thích, lo lắng, buồn nôn) thường xuất hiện nếu thuốc ngừng đột ngột.
  • Nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng: Nhóm này thường gây ra các tác dụng phụ như khô miệng, táo bón, mờ mắt, bí tiểu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, có thể gây suy giảm trí nhớ, hạ huyết áp, rối loạn chức năng tình dục...
  • Các tác dụng phụ thường gặp của nhóm thuốc MAOI: Hạ huyết áp tư thế, tăng cân, rối loạn chức năng tình dục, tương tác nguy hiểm với các thuốc khác...
  • Nhóm không đặc hiệu: Gây ra các tác dụng phụ như khô miệng, táo bón, chóng mặt, an thần, hạ huyết áp...

Tiếp theo, uống thuốc chống trầm cảm có gây nghiện không? Đây là điều mà mọi người rất lo lắng khi dùng thuốc chống trầm cảm. Khi điều trị trầm cảm việc dùng các thuốc chống trầm cảm phải dùng kéo dài và không nên dừng đột ngột. Với loại thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và nhóm ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrin có thể gây ra một số triệu chứng nếu ngừng đột ngột như kích thích, mất ngủ, bồn chồn...tuy nhiên để hạn chế tình trạng này chỉ cần giảm dần liều thuốc trước khi ngừng thuốc.

Thuốc chống trầm cảm không gây ra nghiện thuốc. Việc dùng thuốc phải dùng kéo dài là bởi vì như vậy mới đủ đáp ứng giúp giảm triệu chứng. Ngoài ra, sau khi một số người ngừng thuốc có nguy cơ tái phát bệnh trầm cảm là do chính bản thân người bệnh có nguy cơ mắc lại bệnh chứ không phải do nghiện thuốc mà gây ra tái phát trầm cảm. Điều này bạn cần hiểu rõ, nếu tái phát thì bệnh có thể nặng hơn và cần dùng liều thuốc cao hơn mới kiểm soát bệnh chứ không có nghĩa là bị quen hay nghiện thuốc. Nhiều người phải dùng thuốc nhiều năm với liều lượng thích hợp, bởi vì nếu ngừng có thể bị tái phát và triệu chứng bệnh trầm trọng hơn.

3. Những lưu ý khi dùng thuốc chống trầm cảm

Để dùng thuốc an toàn và hiệu quả bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Bạn cần phải biết rằng bệnh trầm cảm cần điều trị nếu nhẹ thì điều trị bằng liệu pháp không dùng thuốc, nhưng nếu nặng hơn cần điều bằng thuốc và nên được kiểm soát chặt để hạn chế ảnh hưởng không đáng có. Đừng tự điều trị mà hãy thăm khám để được hướng dẫn đúng nhất.
  • Đây là thuốc điều trị bệnh và cần được bác sĩ có chuyên môn kê đơn. Bạn cần được tư vấn về các tác dụng phụ và thông báo với bác sĩ nếu xảy ra tác dụng phụ. Đặc biệt, trong thời gian đầu sử dụng có thể người bệnh hay gặp phải tác dụng phụ nhất, nghiêm trọng nhất là nghĩ tới hành vi tự tử nhiều hơn.
  • Nếu người thân của bạn cũng bị trầm cảm và đang dùng thuốc mang lại hiệu quả điều trị cao. Thì rất có thể bạn cũng phù hợp với loại thuốc đó, nhưng có thể cần chỉnh liều. Bạn có thể nói điều này với bác sĩ.
  • Trong quá trình điều trị thuốc bạn nên kết hợp với liệu pháp tâm lý, thay đổi thói quen sinh hoạt và giảm căng thẳng để tránh tái phát, tránh tình trạng bệnh tăng nặng.
  • Tương tác thuốc: Rất nhiều loại thuốc khác có thể gây ra tương tác khi dùng chung với các thuốc chống trầm cảm. Cho nên, khi dùng thuốc bạn cần thông báo với bác sĩ các thuốc khác mà bạn dùng, kể cả thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn hay các sản phẩm thảo dược.
  • Nếu mang thai và cho con bú cũng cần nói với bác sĩ để có thể lựa chọn thuốc phù hợp. Đặc biệt, nếu bạn đang dùng thuốc mà mang thai cần gọi cho bác sĩ ngay để được tư vấn.
  • Không tự ý ngừng thuốc đột ngột: Thuốc cần dùng đúng theo chỉ định, bạn không được ngừng thuốc khi đang điều trị. Vì có thể gây ra một số biểu hiện bất thường nếu ngừng đột ngột và điều quan trọng đó là nếu ngừng đột ngột thì bệnh tình sẽ khó được kiểm soát, nguy cơ bệnh trầm cảm tăng nặng.
  • Với những người có bệnh lý nền: cần được kiểm tra thường xuyên và nếu bệnh về gan thận cần được dùng thuốc thấp nhất có hiệu quả để giảm nguy cơ độc cho gan, thận.
  • Tái khám định kỳ: Việc này hết sức cần thiết khi dùng thuốc, giúp bác sĩ đánh giá được mức độ đáp ứng của thuốc và các triệu chứng của bệnh có được cải thiện hay không.

Hy vọng, với những thông tin của bài viết bạn đã biết dùng thuốc chống trầm cảm có gây nghiện hay không và cần lưu ý gì khi dùng thuốc chống trầm cảm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe