Thủng thực quản: Chẩn đoán và phác đồ điều trị

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Huy Bình - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Thủng thực quản là tổn thương nghiêm trọng, có tiên lượng nặng nhất trong các loại tổn thương thủng của ống tiêu hoá. Dù việc điều trị hiện nay đã có nhiều tiến bộ nhưng đây là tình trạng thường được chẩn đoán muộn nên có tỷ lệ tử vong cao.

1. Nguyên nhân gây thủng thực quản

Thực quản là một đoạn ống cơ trơn, rỗng, dài và nối từ miệng đến dạ dày, cho phép thức ăn và dịch lỏng đi qua.

Thủng thực quản (Esophageal Perforation) là tổn thương tất cả các lớp của thành thực quản làm thông lòng thực quản với bên ngoài.

Các nguyên nhân gây thủng thực quản gồm có:

1.1 Tai biến do thủ thuật, phẫu thuật

Nguyên nhân phổ biến nhất của thủng thực quản là chấn thương thực quản trong quá trình thực hiện một thủ thuật y tế như:

  • Nội soi;
  • Tai biến phẫu thuật: Các phẫu thuật ở vùng cổ, ngực và bụng trên đều có thể gây ra vết thương thực quản do các tổn thương của tạng lân cận xâm lấn vào thành thực quản hoặc do các dụng cụ phẫu thuật đặt tại chỗ tỳ đè vào thực quản lâu ngày gây thủng.

1.2 Thủng thực quản do dị vật

Thủng thực quản do dị vật thường gặp do bệnh nhân nuốt phải xương, đồ vật cứng nhọn,..

1.3 Các nguyên nhân khác

Một số nguyên nhân khác ít phổ biến hơn như: loét trong cổ họng do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), vô tình nuốt phải vật lạ, axit hoặc hóa chất, khối u trong cổ họng, chấn thương vùng cổ, nôn dữ dội.


Thủng thực quản có thể xảy ra trong quá trình nội soi
Thủng thực quản có thể xảy ra trong quá trình nội soi

2. Triệu chứng thủng thực quản

Đau là triệu chứng đầu tiên của thủng thực quản, đau dữ dội và liên tục. Bệnh nhân thường cảm thấy đau ở khu vực có lỗ thủng. Đau tăng khi nuốt nên bệnh nhân không dám nuốt và thường phải nhổ nước bọt. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy đau ngực.

Đau hoặc cứng cổ trong trường hợp lỗ thủng nằm ở vị trí vùng cổ.

Các triệu chứng khác của tình trạng này bao gồm: Tăng nhịp tim, thở nhanh, huyết áp thấp, sốt ớn lạnh, nôn, có thể nôn ra máu.

3. Chẩn đoán thủng thực quản

Để chẩn đoán thủng thực quản, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng nếu sự phối hợp của 3 triệu chứng (đau khi nuốt, khó thở và tràn khí dưới da cổ), sẽ cần thăm khám cận lâm sàng để khẳng định chẩn đoán và điều trị sớm.

Các xét nghiệm hình ảnh cần thiết chẳng hạn như: Chụp X-quang hoặc CT, để kiểm tra các dấu hiệu thủng thực quản. Những xét nghiệm này được sử dụng để tìm dấu vết bọt khí và áp xe (túi chứa đầy mủ) trong lồng ngực. Các xét nghiệm hình ảnh cũng có thể giúp bác sĩ xem liệu chất lỏng đã rò rỉ ra khỏi thực quản vào phổi của bệnh nhân hay chưa.


Tiến hành xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán tình trạng thủng thực quản
Tiến hành xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán tình trạng thủng thực quản

4. Phác đồ điều trị thủng thực quản

Việc điều trị thủng thực quản phải tiến hành càng nhanh càng tốt để ngăn ngừa nhiễm trùng. Càng điều trị sớm, kết quả của bệnh nhân sẽ càng tốt. Tốt nhất, cần điều trị trong vòng 24 giờ sau khi chẩn đoán. Nếu để lâu, chất lỏng rò rỉ ra khỏi lỗ trên thực quản có thể bị mắc kẹt trong các mô giữa phổi của bạn.

Cho dù thủng thực quản do nguyên nhân nào thì cũng cần phải hồi sức tích cực trước, trong và sau mổ, bao gồm:

  • Điều trị dự phòng và chống sốc.
  • Đảm bảo chức năng hô hấp tốt bằng cách hút đờm dãi, hút khí phế quản, thở oxy, hô hấp hỗ trợ nếu cần, dẫn lưu tràn dịch màng phổi nếu có.
  • Đảm bảo nuôi dưỡng đầy đủ bằng đường tĩnh mạch, tốt nhất là qua mở thông hỗng tràng.
  • Sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn: Kháng sinh mạnh, phổ rộng, phối hợp kháng sinh có hiệu quả đối với vi khuẩn Gr (-) và Gr (+). Sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ sau khi có kết quả cấy mủ dịch màng phổi hoặc ổ áp xe.

Bệnh nhân sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn theo chỉ định của bác sĩ
Bệnh nhân sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn theo chỉ định của bác sĩ

Với lỗ thủng thực quản nhỏ có thể tự lành, không cần phẫu thuật. Tự phục hồi có nhiều khả năng xảy ra nếu chất lỏng chảy ngược vào thực quản và không rò rỉ vào ngực của bạn. Bác sĩ sẽ xác định nếu bạn cần phẫu thuật trong vòng một ngày sau khi chẩn đoán.

Hầu hết những người bị thủng thực quản đều cần phẫu thuật, đặc biệt là nếu lỗ thủng nằm ở vùng ngực hoặc vùng bụng. Trong phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ mô sẹo từ khu vực xung quanh thủng và sau đó khâu lỗ thủng lại. Với các lỗ thủng rất lớn có thể yêu cầu cắt bỏ một phần của thực quản. Sau khi cắt, phần còn lại của thực quản được kết nối lại với dạ dày.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe