Sốt xuất huyết nên ăn gì để mau hồi phục, tăng tiểu cầu, đẩy lùi triệu chứng bệnh là thắc mắc được nhiều người quan tâm. Sau đây là lời khuyên về chế độ ăn uống dinh dưỡng dành cho bệnh nhân sốt xuất huyết.
1. Quan trọng nhất là bù nước và điện giải
Do đặc điểm của bệnh sốt xuất huyết là sốt cao, mệt mỏi, suy kiệt nên việc ăn uống sẽ kém đi, dẫn đến thể trạng ngày càng tệ hơn nếu không được bổ sung dinh dưỡng phù hợp. Theo đó, sốt xuất huyết ăn gì để tăng tiểu cầu là vấn đề quan trọng vì mức tiểu cầu của người bệnh thường giảm thấp, gây ra các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến khả năng đông máu. Đặc biệt đối với bệnh sốt xuất huyết, đáng quan ngại nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương ra ngoài, khiến cho máu bị cô đặc. Vì vậy, trước khi quan tâm đến việc sốt xuất huyết ăn gì tốt, người bệnh cần chú ý bù đủ nước và điện giải, như uống oresol, nước trái cây.
Hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết đều gặp phải tình trạng sốt cao kèm mất nước, nên việc cung cấp bổ sung để bù cho lượng nước mất đi là vô cùng quan trọng. Người bệnh nên pha dung dịch oresol theo công thức, ngoài ra có thể uống các loại nước trái cây, nước quả ép (ví dụ như nước cam, bưởi, nước chanh, nước dừa) thay vì nước lọc, vì chúng có chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật, thành mạch bền hơn và cải thiện triệu chứng do sốt xuất huyết.
2. Sử dụng thức ăn dạng lỏng
Đối với những thức ăn tốt cho người bệnh sốt xuất huyết, nên chú trọng những món ăn lỏng, mềm và dễ nuốt vì thể trạng bệnh nhân thường rất kém, dẫn đến chán ăn, khó ăn, thậm chí không thể ăn uống gì được. Các món nên ưu tiên là cháo, súp, vừa giàu dinh dưỡng vừa dễ ăn và dễ hấp thu, có thể uống thêm sữa để tăng cường dinh dưỡng. Không nên ăn cơm hoặc các loại thức ăn cứng đòi hỏi phải nhai nhiều, khó nuốt.
Đặc biệt, với trẻ em mắc bệnh sốt xuất huyết, sữa là nguồn dinh dưỡng chủ yếu và quan trọng nhất. Nếu trẻ vẫn còn bú mẹ thì nên tiếp tục cho con bú. Khi cho bệnh nhi ăn uống, nên chia nhỏ bữa ăn và cả nước uống, không nên cho ăn cho uống dồn dập. Tuy nhiên, cần đảm bảo khẩu phần ăn và đầy đủ dinh dưỡng hàng ngày cho bé. Phụ huynh nên tích cực bổ sung các thực phẩm giàu chất đạm như trứng, thịt, sữa, thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm như thịt nạc bò, gà,...
3. Tránh thức ăn nhiều dầu mỡ
Sốt xuất huyết hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, bên cạnh việc chăm sóc y tế thì chế độ dinh dưỡng ăn uống đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Nếu gặp phải những vấn đề về tiêu hóa, khiến cho sức đề kháng càng thêm suy giảm thì triệu chứng sốt xuất huyết sẽ nặng hơn, nguy cơ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Để tránh gặp phải những vấn đề về tiêu hóa, bệnh nhân sốt xuất huyết cần kiêng những loại thức ăn nhiều dầu mỡ béo, các món ăn chế biến xào rán, có gia vị chua cay, vì chúng thường gây ra tình trạng khó tiêu, chướng bụng. Mặc dù đa phần bệnh nhân sẽ cảm thấy rất chán ăn, nhưng vẫn phải cố gắng bổ sung cân đối và đầy đủ dinh dưỡng, ưu tiên những thực phẩm cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất để cải thiện khả năng đề kháng của cơ thể.
4. Cho trẻ ăn “trả bữa”
Đối với các trẻ đã khỏi sốt xuất huyết và có thể vui chơi sinh hoạt bình thường rồi thì nên tuân theo chế độ ăn như bình thường. Nếu cảm thấy bé bị giảm cân, thiếu chất sau khi bệnh thì có thể tăng cường bổ sung dinh dưỡng tùy theo độ tuổi của bé. Nếu bé còn trong giai đoạn bú mẹ thì mẹ phải tăng cường các dưỡng chất cần thiết. Nếu bé đang ăn dặm thì cho ăn “trả bữa”, bổ sung thêm cho bé để kích thích tăng cân, bù lại những dinh dưỡng mất đi trong thời gian bé bị ốm, tránh bị nhẹ cân suy dinh dưỡng sau này.
Tuy nhiên, hầu hết các trẻ sau thời gian mới ốm dậy thường ăn chưa ngon miệng và có biểu hiện biếng ăn. Để khắc phục, phụ huynh có thể chia nhỏ bữa ăn ra, cho trẻ ăn các món dễ ăn để bù năng lượng thiếu hụt, cải thiện thể trạng của bé, sau đó mới dần quay lại chế độ ăn như bình thường. Bên cạnh đó, cha mẹ nên thay đổi khẩu vị trong những bữa ăn, nên hỏi trẻ lớn để có ý tưởng chế biến món ăn hợp khẩu vị của trẻ. Chú ý ưu tiên các loại thực phẩm giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất... nhằm giúp trẻ mau chóng hồi phục cơ thể sau bệnh, đồng thời đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của trẻ trong độ tuổi mới lớn.
Thông qua chế độ ăn uống hợp lý, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể cải thiện tình trạng bệnh, đồng thời rút ngắn thời gian mắc bệnh, mau chóng hồi phục và trở về nhịp sinh hoạt bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.