Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Phương - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Dinh dưỡng đối với người bệnh hậu phẫu đóng vai trò rất quan trọng sau cuộc phẫu thuật mất máu và sức lực. Đặc biệt, sau khi phẫu thuật bệnh phụ khoa hay gọi tắt là mổ phụ khoa phải có một chế độ ăn thật tốt, cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng để chống nhiễm khuẩn và nhanh liền vết mổ, hồi phục sức khỏe cho bệnh nhân.
1. Các giai đoạn chuyển hóa sau phẫu thuật phụ khoa
- Giai đoạn đầu: Từ ngày 1 – 2 Sau mổ phụ khoa
Ở giai đoạn này, do vẫn còn ảnh hưởng của thuốc mê nên nhiệt độ cơ thể tăng, quá trình chuyển hóa cần nhiều nitơ, kali, làm cân bằng nitơ, kali âm tính dẫn đến liệt ruột, bệnh nhân cảm thấy rất mệt mỏi và bị trướng hơi sau mổ phụ khoa.
- Giai đoạn giữa: Từ ngày 3 – 5 sau mổ.
Thông thường đến thời điểm này nhu động ruột đã hoạt động bình thường trở lại, bệnh nhân đã có thể trung tiện. Bệnh nhân tỉnh táo hơn, có cảm giác đói nhưng vẫn chưa muốn ăn.
- Giai đoạn hồi phục: Từ ngày 6 sau mổ
Đến giai đoạn này bệnh nhân mổ phụ khoa đã có thể đại, tiểu tiện bình thường, hàm lượng kali máu dần trở lại bình thường, vết mổ đã khô và liền. Bệnh nhân có cảm giác đói, người nhà có thể cho họ ăn tăng lượng để phục hồi dinh dưỡng nhanh.
2. Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật
Bạn có thể giảm cảm giác ngon miệng trong vài ngày đầu sau mổ phụ khoa, nên ăn từng bữa nhỏ, thức ăn thông thường hay những món nêm nhạt và mềm. Tuy nhiên, nếu bạn không thể ăn hay uống bất kỳ thứ gì hay nếu nôn ói nhiều hơn cần báo lại cho bác sĩ.
- Chế độ dinh dưỡng Giai đoạn đầu
Quan niệm cũ cho rằng, người bệnh mổ phụ khoa chưa thể ăn sau khi mổ phụ khoa mà phải chờ đến khi trung tiện. Biện pháp cung cấp calo cho cơ thể chủ yếu là bù nước, điện giải, cung cấp glucid, đảm bảo đủ lượng calo cần thiết để cơ thể hoạt động. Có thể truyền tĩnh mạch bằng các loại dịch cung cấp đường và điện giải. Cho uống rất ít, nếu bệnh nhân bị trướng bụng nặng thì không nên cho uống. Còn những bệnh nhân mổ phụ khoa uống ít một (50ml cách nhau 1 giờ) nước đường, nước luộc rau, nước quả. Có thể truyền plasma, máu.
Ngày nay, người ta thấy rằng cho ăn muộn không có lợi cho bệnh nhân mổ phụ khoa. Nửa đời sống của tế bào ruột là 24 giờ, nếu không cho ăn sớm thì các tế bào này có thể sẽ bị hoại tử và hệ vi khuẩn đường ruột sẽ thẩm thấu qua ruột vào máu. Nuôi dưỡng đường ruột sớm còn mang lại nhiều lợi ích khác cho bệnh nhân mổ phụ khoa. Vì vậy các nhà khoa học đã tiến hành nuôi dưỡng sớm bằng đường tiêu hoá ngay từ ngày đầu tiên, thậm chí giờ thứ 8 sau mổ phụ khoa và đã mang lại kết quả tốt.
- Giai đoạn giữa
Cho bệnh nhân mổ phụ khoa ăn tăng dần và giảm dần truyền tĩnh mạch. Khẩu phần tăng dần năng lượng và protein. Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân mổ phụ khoa bắt đầu từ 500Kcal và 30g protein, sau đó cứ 1-2 ngày tăng thêm 250-500Kcal cho đến khi đạt 2.000Kcal/ngày.
Một số người quan niệm, sau mổ nếu ăn thịt chim, thịt gà thì vết mổ mưng mủ, ngứa, nhức; ăn hải sản, rau muống sẽ bị sẹo lồi; ăn thịt bò bệnh phụ khoa sẽ lâu khỏi và vùng kín sẽ bị thâm; ăn trứng vết sẹo bị loang màu... Đây là quan điểm sai lầm. Cho đến nay chưa có một công trình khoa học nào chứng minh rằng, các loại thực phẩm như thịt bò, thịt gà, hải sản... là nguyên nhân gây sẹo lồi, ngứa, vết mổ thâm, loang màu,..Tùy theo cơ địa của mỗi người mà quá trình liền sẹo sẽ khác nhau, tuy nhiên nếu kiêng khem quá mức sẽ làm cơ thể suy kiệt không đủ sức đề kháng để lành vết thương, hồi phục sức khỏe, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng,hoặc chậm liền vết mổ sau mổ phụ khoa.
Ăn sữa, nên dùng dưới dạng sữa pha nước cháo. Nên dùng những sữa bột loại đã tách bơ, sữa đậu nành. Cho bệnh nhân sau phẫu thuật bệnh phụ khoa ăn làm nhiều bữa (4-6 bữa). Vì bệnh nhân mổ phụ khoa còn đang chán ăn, do vậy cần động viên bệnh nhân ăn. Có thể dùng nước thịt ép khi bệnh nhân sau điều trị bệnh phụ khoa không dùng được sữa.
Ăn thức ăn mềm, hạn chế thức ăn có xơ. Dùng các loại thức ăn có nhiều vitamin B, C, PP như nước cam, chanh...
- Giai đoạn hồi phục
Giai đoạn này vết mổ bệnh phụ khoa đã liền, bệnh nhân đã đỡ. Vì vậy, chế độ ăn không những cung cấp đầy đủ năng lượng và protein mà còn giúp người bệnh tăng nhanh thể trọng và vết thương mau lành. Đây là chế độ ăn giàu protein và năng lượng, Protein có thể tới 120-150g/ngày và năng lượng có thể tới 2.500-3.000 Kcal/ngày. Khẩu phần này phải được chia thành nhiều bữa trong ngày (5-6 bữa hoặc hơn).
Bệnh nhân nên sử dụng nhiều sữa, trứng, thịt, cá, đậu đỗ để cung cấp chất đạm và các loại hoa quả để tăng vitamin C và vitamin nhóm B.
Cần lưu ý rằng, việc nuôi dưỡng bệnh nhân bằng đường truyền tĩnh mạch lúc đầu là rất cần thiết. Song phải sớm nuôi dưỡng bệnh nhân bằng đường tiêu hoá. Điều này vừa có tác dụng nuôi dưỡng bệnh nhân sau mổ phụ khoa sinh lý hơn, an toàn hơn, kinh tế hơn vừa có tác dụng kích hoạt cho hệ thống tiêu hoá sớm trở lại bình thường.
Dùng chế độ ăn qua ống thông nếu ăn bằng miệng không đủ nhu cầu, sau đó dần cho bệnh nhân mổ phụ khoa ăn bằng đường miệng. Cho ăn nhiều bữa trong ngày, cho ăn tăng dần lượng protein và năng lượng, không cho ăn quá nhiều một lúc để tránh bệnh nhân sau mổ phụ khoa tiêu chảy.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ góp phần tạo nên sức khỏe mà còn giúp hồi phục sức khỏe sau mổ phụ khoa một cách nhanh và bền vững nhất. Với đội ngũ những chuyên gia dinh dưỡng Việt Nam, bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tự hào là cơ sở chăm sóc và tư vấn cho phụ nữ sau mổ phụ khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.