Viêm phúc mạc sau mổ sản phụ khoa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ - Bác sĩ ngoại tiêu hóa - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Viêm phúc mạc là một trong những biến chứng nguy hiểm. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì gây tử vong. Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm, một trong số đó là sau phẫu thuật sản khoa, phụ khoa.

1. Những điều cần biết về viêm phúc mạc sau mổ sản phụ khoa

Phúc mạc là một màng tế bào, bao phủ một phần hoặc toàn bộ các tạng trong ổ bụng.. Các tạng bị vỡ (thủng) trong bụng hoặc biến chứng của bệnh khác. Lớp màng này bị nhiễm trùng gọi là viêm phúc mạc.

Có 2 loại viêm phúc mạc là viêm phúc mạc nguyên phátviêm phúc mạc thứ phát.

1.1 Viêm phúc mạc nguyên phát

Không có tổn thương tạng nhưng trong ổ bụng có mủ, giả mạc.

  • Vi khuẩn đến từ ống tiêu hóa: Viêm phúc mạc nguyên phát thường có ở bệnh nhân xơ gan cổ trướng,...
  • Vi khuẩn đến từ đường máu: Viêm phúc mạc do nhiễm trùng huyết

1.2 Viêm phúc mạc thứ phát

Đây là hậu quả sau tình trạng viêm của một hay nhiều các cơ quan trong ổ bụng, có gây thủng các tạng rộng, vỡ các tạng đặc hoặc không.

  • Tạng bị tổn thương: Viêm phúc mạc do ruột thừa bị vỡ, viêm phúc mạc mật,....
  • Sau chấn thương tạng
  • Sau mổ và nhiễm trùng bệnh viện: Mọi phẫu thuật tại ổ bụng đều có nguy cơ gây viêm phúc mạc.

Viêm phúc mạc sau phẫu thuật sản khoa, phụ khoa là một tai biến nhiễm trùng ít gặp nhưng nặng nề.

2. Nguyên nhân dẫn đến viêm phúc mạc

  • Do các loại vi khuẩn: Các vi khuẩn thường hay gặp trong viêm phúc mạc từ vùng khung chậu là: Vi khuẩn kỵ khí: Bacteroides spp, Clostridium spp và vi khuẩn hiếu khí: E.coli, Streptococcus spp, Staphylococcus spp,...
  • Thủng ổ loét dạ dày;
  • Vỡ ruột thừa;
  • Chấn thương hoặc vết thương bụng.

3. Triệu chứng viêm phúc mạc sau mổ sản phụ khoa


Kèm với sốt, bệnh nhân có đau bụng, đau liên tục không thành cơn
Kèm với sốt, bệnh nhân có đau bụng, đau liên tục không thành cơn

3.1 Triệu chứng cơ năng

  • Sốt: Thường là triệu chứng đầu tiên định hướng bác sĩ nghĩ đến tai biến phúc mạc viêm. Đối với bệnh nhân già, yếu, hệ thống miễn dịch kém có thể không sốt hoặc sốt nhẹ 37 đến 37,5 độ. Kèm theo đó, bệnh nhân có đau bụng, đau liên tục không thành cơn, không nên sử dụng thuốc giảm đau khi chưa loại trừ được đau bụng ngoại khoa.
  • Buồn nôn, nôn khan do ruột bị kích thích hoặc liệt ruột cơ năng dẫn đến triệu chứng bí trung đại tiện.

3.2 Triệu chứng thực thể

  • Mắt trũng, mệt mỏi, da xanh tái, môi khô lưỡi bẩn, hơi thở hôi (Bộ mặt nhiễm trùng ). Đau bụng liên tục.
  • Mạch nhanh, thở nhanh nông.
  • Do bị liệt ruột cơ năng nên gây tình trạng ứ đọng dịch và hơi trong lòng ruột. Từ đó xuất hiện triệu chứng bụng chướng, gõ đục ở vùng thấp, mất tiếng nhu động ruột.
  • Cảm ứng thành bụng dương tính: Áp cả bàn tay lên bụng bệnh nhân, dùng đầu ngón tay giữa ấn trên thành bụng, người bệnh thấy đau chói, nhăn mặt hoặc đau đến mức gạt tay người khám thì đánh giá là có dấu hiệu cảm ứng phúc mạc hay cảm ứng phúc mạc (+).
  • Co cứng thành bụng dương tính: Đây là triệu chứng đặc hiệu của viêm phúc mạc. Khi khám bụng có cảm giác như sờ vào vật cứng, sờ nắn nhẹ nhàng bệnh nhân đã thấy đau. Ở phụ nữ mới sinh, sinh đẻ nhiều hoặc người già, thành bụng mỏng, cơ bụng yếu nên triệu chứng không rõ. Vì vậy, bác sĩ nhất là các bác sĩ sản khoa cần thăm khám nhiều lần để đánh giá chính xác tình trạng, các triệu chứng của bệnh nhân.
  • Thăm khám trực tràng, âm đạo: Thấy túi cùng Douglas căng phồng, ấn đau, bệnh nhân đau đến mức kêu lên gọi.

3.3 Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm máu: Bạch cầu tăng cao, tăng chủ yếu là bạch cầu trung tính. Hematocrit tăng cao do mất nước nên máu cô lại. CRP tăng, procalcitonin tăng, rối loạn điện giải
  • Siêu âm: Có dịch ổ bụng, có thể tìm thấy nguyên nhân gây viêm sau mổ sản phụ khoa.
  • Xquang: Biểu hiện của liệt ruột
  • Chọc dịch ổ bụng: Khi các triệu chứng không đủ để chẩn đoán thì chỉ định chọc dịch ổ bụng. Điều kiện đủ là bụng không quá chướng và có gõ đục vùng thấp.

4. Điều trị

4.1 Nguyên tắc điều trị ngoại khoa

  • Xác định và loại bỏ nguyên nhân gây viêm
  • Xác định và dùng kháng sinh loại bỏ vi khuẩn gây viêm
  • Tránh tái phát

4.2 Phẫu thuật

Sau khi có chẩn đoán xác định hoặc định hướng đến phúc mạc viêm cần mở bụng cấp cứu để xác định và loại bỏ nguyên nhân, rửa sạch ổ bụng chú ý đến các khoang trong ổ bụng. Nếu nguyên nhân do viêm cơ tử cung, cần cân nhắc chỉ định cắt tử cung.

4.3 Kháng sinh

Dùng kháng sinh phổ rộng và phối hợp nhiều nhóm kháng sinh ngay từ khi định hướng đến phúc mạc bị viêm. Sau khi có kết quả, dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.

Các kháng sinh chọn lựa:

  • Cefotaxime 2g: Ngày 8g chia 4 lần cách nhau 8h, dùng từ 5 đến 14 ngày.
  • Ceftriaxone 1g/24h, dùng từ 5 đến 14 ngày.
  • Nhóm Quinolones ( ciprofloxacin, ofloxacin, ) dùng trong 7 ngày
  • Kháng sinh có phổ tác dụng trên vi khuẩn kỵ khí: Metronidazol, imipenem,...

Có thể điều trị viêm phúc mạc bằng kháng sinh
Có thể điều trị viêm phúc mạc bằng kháng sinh

5. Phòng bệnh

  • Thực hiện đúng theo quy trình vô trùng.
  • Sử dụng kháng sinh dự phòng trong các phẫu thuật sản phụ khoa.
  • Các trường hợp phẫu thuật khó, dính, chảy nhiều dịch, máu,... chủ động đặt dẫn lưu nhất là các vị trí mỏm cắt, qua hố chậu...
  • Sau khi mổ, theo dõi kĩ và đánh giá chính xác các triệu chứng đau bụng, sốt. Đối với trường hợp mổ lấy thai, cần chú ý đến sự co hồi tử cung, màu sắc,số lượng, mùi của sản dịch. Nếu có bất thường (sản dịch hôi, số lượng nhiều, co hồi tử cung chậm hoặc không co,...) cần nạo kiểm tra, cho thuốc co cơ tử cung tránh ứ đọng sản dịch, bung vết mổ và viêm phúc mạc.

Viêm phúc mạc là một biến chứng nặng nề sau phẫu thuật ở ổ bụng. Để phòng tránh bệnh, không chỉ cần sự theo dõi sát của các bác sĩ và điều dưỡng mà cần cả người bệnh. Khi bệnh nhân thấy có những dấu hiệu bất thường như đau âm ỉ vùng bụng, sốt, sản dịch bất thường cần thông báo ngay cho các nhân viên y tế.Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ , hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe