Thuốc Hyoscyamine thuộc nhóm thuốc kháng cholinergic. Thuốc Hyoscyamine được chỉ định trong điều trị bệnh về dạ dày, đường ruột, hội chứng ruột kích thích... Tuy nhiên trong quá trình điều trị với thuốc Hyoscyamine có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như tiêu chảy, ảo giác, nóng bừng Vì vậy, người bệnh cần tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin của thuốc Hyoscyamine trước khi sử dụng.
1. Các dạng thuốc Hyoscyamine và hàm lượng của thuốc
Thuốc Hyoscyamine có các dạng chủ yếu bao gồm:
- Cồn ngọt với dạng sulfate được sử dụng bằng đường uống có hàm lượng 0.125mg/5ml (tương ứng với 437ml)
- Dung dịch, tiêm với dạng sulfate được sử dụng bằng đường uống có hàm lượng 0.5mg/ml (tương ứng với 1ml)
- Dung dịch uống với dạng sulfate được sử dụng bằng đường uống có hàm lượng 0,125 mg.
- Viên nén với dạng sulfate được sử dụng bằng đường uống có hàm lượng 0,125 mg.
- Viên nén phân tán với dạng sulfate được sử dụng bằng đường uống có hàm lượng 0,125 mg.
- Viên nén phóng thích kéo dài với dạng sulfate được sử dụng bằng đường uống có hàm lượng 0,375 mg.
- Viên nén phóng thích kéo dài 12 giờ với dạng sulfate được sử dụng bằng đường uống có hàm lượng 0,375 mg.
- Viên nén đặt dưới lưỡi với dạng sulfate được sử dụng bằng đường uống có hàm lượng 0,125 mg.
2. Tác dụng của thuốc Hyoscyamine là gì
Thuốc Hyoscyamine được chỉ định trong điều trị các vấn đề liên quan đến dạ dày, đường ruột như đau bụng hoặc các hội chứng ruột kích thích. Thuốc Hyoscyamine cũng được chỉ định trong các trường hợp khác như các vấn đề liên quan đến kiểm soát ở bàng quang ruột, đau quặn do sỏi thận, sỏi mật hoặc bệnh Parkinson. Không những thế thuốc Hyoscyamine còn được chỉ đụng để làm giảm tác dụng phụ của một số loại thuốc trong điều trị bệnh nhược cơ.
Thuốc Hyoscyamine hoạt động bằng cách giảm tiết dịch acid trong dạ dày đồng thời làm chậm co thắt ruột và giãn cơ ở nhiều cơ quan khác trong cơ thể bao gồm: dạ dày, ruột, bàng quang, thận, túi mật. Bên cạnh đó Hyoscyamine còn làm giảm dịch trong có thể tiết ra chẳng hạn như nước bọt, mồ hôi và thuốc này còn kháng cholinergics chống co thắt.
3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Hyoscyamine
Thuốc Hyoscyamine được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ và thường cách bữa ăn trước đó từ 30 đến 60 phút. Liều sử dụng thuốc Hyoscyamine tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh. Người bệnh không tự ý tăng liều hoặc sử dụng thuốc thường xuyên khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Người lớn và trẻ em không nên sử dụng thuốc Hyoscyamine với liều nhiều hơn 1.5mg trong 2 giờ. Trẻ em từ 2 tuổi đến 12 tuổi không nên sử dụng thuốc quá liều lượng 0.75mg trong 24 giờ. Thuốc Hyoscyamine có thể kháng acid làm giảm sự hấp thu của hyoscyamine. Nên nếu người bệnh sử dụng thuốc kháng acid thì nên sử dụng sau khi ăn hoặc sử dụng hyoscyamine trước khi ăn hoặc sử dụng thuốc kháng acid ít nhất một giờ sau khi uống hyoscyamine. Liều lượng sử dụng thuốc Hyoscyamine cụ thể cho từng đối tượng mắc bệnh:
Với những người mắc hội chứng ruột kích thích thì sử dụng thuốc Hyoscyamine ở dạng viên nén phóng thích tức thời cần được thực hiện uống hoặc ngậm dưới lưỡi. Hàm lượng thuốc Hyoscyamine sử dụng trong trường hợp này là 0.125 đến 0.25mg và khoảng cách giữa các lần là 4 giờ hoặc khi cần thiết. Tuy nhiên, người bệnh không nên sử dụng quá 12 viên trong 24 giờ. Thuốc Hyoscyamine ở dạng viên nén phóng kích kéo dài sử dụng với hàm lượng 0.375 đến 0.75mg và không sử dụng quá 4 viên trong 24 giờ. Đối với dạng viên nang phóng thích tức thời liều 0.375 đến 0.75mg thì sử dụng cách nhau giữa hai liều là 12 giờ. Đối với viên nén hai pha nên sử dụng liều lượng từ 0.375 đến 0.75mg và hai liều cách nhau 12, trường hợp điều chỉnh liều để đạt 0.375 cách nhau 8 giờ mỗi liều. Đối với dạng cồn ngọt thì sử dụng thuốc Hyoscyamine với liều 5 đến 10ml mỗi 4 giờ hoặc có thể điều chỉnh nếu cần. Không nên sử dụng quá 12 thìa cafe trong 24 giờ.
Liều sử dụng cho người lớn để gây mê: có thể sử dụng cách nhau từ 30 đến 60 phút với liều 5mcg/kg trước thời điểm cảm ứng gây mê hoặc có thể sử dụng vào đúng thời điểm sử dụng thuốc tiền gây mê hoặc an thần.
Sử dụng cho người lớn trước khi thực hiện nội soi hoặc chẩn đoán Xquang: Thuốc Hyoscyamine sử dụng ở dạng tiêm với liều 0.25 đến 0.5 mg tiêm đường tĩnh mạch ở 5 đến 10 phút trước khi thực hiện thủ thuật chẩn đoán.
Đối với thuốc ở dạng xịt miệng để nội soi chụp mật tuỵ ngược dòng thì người bệnh có thể được xịt hai nhát tương đương với 0.25mg khoảng 20 phút trước khi tiến hành thủ thuật.
Sử dụng thuốc Hyoscyamine cho trẻ em: với trẻ em từ 2 đến 12 tuổi thì có thể sử dụng thuốc Hyoscyamine ở các dạng như viên nén phóng thích tức thời liều lượng 0.0625 đến 0.125mg ngậm dưới lưỡi hoặc uống, hai liều cách nhau 4 giờ và không nên sử dụng quá 6 viên trong 24 giờ. Với dạng cồn ngọt có thể sử dụng thuốc Hyoscyamine cho trẻ với hàm lượng 1.25 đến 5ml và có thể tăng lên 1.25ml cho trẻ 20kg và trẻ 40kg. Thuốc Hyoscyamine ở dạng viên nén hai pha thì sử dụng liều 0.375 cách nhau 12 giờ mỗi liều và không sử dụng quá 2 viên trong 24 giờ.
4. Tác dụng phụ và một số lưu ý khi sử dụng thuốc Hyoscyamine
Khi sử dụng thuốc Hyoscyamine người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn chẳng hạn như tiêu chảy, lẫn lộn, ảo giác, nhịp tim đập nhanh, có hành vi bất thường, phát ban, nóng bừng, đau mắt...Khi gặp những tác dụng phụ này cần báo cho bác sĩ ngay và có thể ngưng sử dụng thuốc để tìm hiểu rõ nguyên nhân.
Tuy nhiên, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ nhẹ: chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ, cảm giác lo lắng, khó ngủ, buồn nôn và nôn, đầy hơi, ợ chua, táo bón, thay đổi vị giác, giảm tiết mồ hôi, gặp vấn đề trong tiểu tiện, liệt dương, khô miệng, ...
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Hyoscyamine
- Người bệnh nên báo cho bác sĩ về các loại dị ứng có thể gặp khi sử dụng thuốc Hyoscyamine.
- Cần cung cấp thông tin cho bác sĩ về danh sách thuốc mà người bệnh sử dụng trước đó hoặc đang sử dụng. Bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn, thuốc bổ, thảo dược, vitamin ....
- Các loại thuốc kháng acid có thể gây tương tác làm tác động tới Hyoscyamine làm cho thuốc hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý sử dụng thuốc Hyoscyamine 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau khi sử dụng thuốc kháng acid.
- Với những trường hợp đã và đang bị bệnh tăng nhãn áp, tim, phổi, gan, thận tắc nghẽn đường tiết niệu, đường ruột, phì tuyến tiền liệt, viêm loét đại tràng, nhược cơ... cần báo cho bác sĩ nếu có chỉ định sử dụng thuốc Hyoscyamine
- Khi người bệnh có kế hoạch mang thai hoặc đã mang thai cần báo cho bác sĩ nếu chỉ định sử dụng thuốc Hyoscyamine.
- Những người bệnh có độ tuổi trên 65 tuổi cần thảo luận với bác sĩ về nguy cơ rủi ro và lợi ích khi sử dụng thuốc Hyoscyamine. Bởi vì người cao tuổi không nên thường xuyên sử dụng thuốc Hyoscyamine do thuốc Hyoscyamine không an toàn và có thể không đem lại hiệu quả như mong muốn khi sử dụng điều trị tình trạng tương tự ở đối tượng này.
- Nếu được chỉ định phẫu thuật bao gồm cả phẫu thuật nha khoa và người bệnh đang sử dụng thuốc Hyoscyamine cần phải báo cho bác sĩ để có giải pháp xử lý phù hợp.
- Thuốc Hyoscyamine có thể gây buồn ngủ nên thận trong sử dụng trong trường hợp lái xe hoặc điều khiển máy móc.
Thuốc Hyoscyamine thuộc nhóm thuốc kháng cholinergic nên được chỉ định trong điều trị bệnh về dạ dày, đường ruột, hội chứng ruột kích thích...Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để nâng cao hiệu quả, tránh tác dụng phụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: drugs.com, .webmd.com