Thông tim ở trẻ em là một chủ đề quan trọng mà mọi phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần hiểu rõ. Thông tim là thủ thuật dùng để chẩn đoán và điều trị một số vấn đề tim mạch. Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thủ thuật này từ bước chuẩn bị cho đến chăm sóc để giúp con bạn duy trì sức khỏe trong trạng thái tốt nhất.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên ngành Tim mạch, tại Bệnh viện Vinmec Hải Phòng.
1. Mục đích của thủ thuật thông tim ở trẻ em
Thông tim ở trẻ em là một thủ thuật giúp chẩn đoán và điều trị một số vấn đề về tim. Thông tim giúp đo nồng độ oxy và áp suất trong tim của con bạn. Thủ thuật này cũng giúp đánh giá các vấn đề với van, mạch máu hoặc thành tim của con bạn.
2. Cha mẹ cần chuẩn bị gì cho trẻ trước thủ thuật thông tim
Chuẩn bị trước thủ thuật thông tim ở trẻ em là một quá trình quan trọng và cần được thực hiện một cách cẩn thận để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của thủ thuật. Dưới đây là những điều cha mẹ cần lưu ý trước khi thực hiện thủ thuật:
- Cần để trẻ nhịn ăn và uống sau nửa đêm trước ngày thủ thuật là tiêu chuẩn trong hầu hết các thủ thuật y tế xâm lấn để giảm nguy cơ sặc thức ăn hoặc nước vào phổi khi gây mê. Điều này cực kỳ quan trọng để tránh các biến chứng nghiêm trọng trong và sau quá trình gây mê.
- Bác sĩ cần biết về bất kỳ vấn đề sức khỏe nào của trẻ trong tuần trước thủ thuật. Điều này giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của trẻ và xác định khả năng phục hồi sau thủ thuật. Vì vậy, hãy cho bác sĩ biết con bạn bị ốm hoặc đã bị ốm trong tuần trước khi thực hiện thủ thuật.
- Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình gây mê, đông máu hoặc phản ứng của trẻ với các thuốc khác được sử dụng trong thủ thuật. Do đó, hãy thông tin đến bác sĩ tất cả các loại thuốc mà con bạn hiện đang dùng. Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu con bạn có cần ngừng bất kỳ loại thuốc nào trong quá trình thực hiện thủ thuật hay không và khi nào nên dừng lại.
- Trong quá trình chuẩn bị cho thủ thuật thông tim, trẻ có thể cần tiêm chất cản quang để làm nổi bật các cấu trúc của trái tim trên hình ảnh chụp. Nếu trẻ có tiền sử dị ứng với chất lỏng tương phản hoặc loại thuốc nào khác, cha mẹ cần thông báo cho cho bác sĩ.
- Trước khi tiến hành thủ thuật, trẻ cũng có thể cần thực hiện một số xét nghiệm như chụp X-quang ngực, siêu âm tim, xét nghiệm máu hoặc đo điện tâm đồ (ECG). Việc thảo luận với bác sĩ về các xét nghiệm này là rất quan trọng để đảm bảo quá trình chuẩn bị cho thủ thuật diễn ra một cách an toàn và hiệu quả.
3. Điều gì xảy ra trong quá trình thông tim ở trẻ em
Quy trình thực hiện thủ thuật thông tim ở trẻ em bao gồm các bước chính sau:
- Gây mê: Tùy vào trường hợp cụ thể và nhu cầu của trẻ, bác sĩ có thể sử dụng gây mê toàn thân (trẻ hoàn toàn ngủ) hoặc gây tê cục bộ (làm tê một khu vực cụ thể). Điều này đảm bảo trẻ không cảm thấy khó chịu và không di chuyển trong suốt quá trình thủ thuật.
- Đặt ống thông: Một ống mềm, linh hoạt được đưa vào qua một mạch máu, thường là ở vùng háng hoặc cánh tay, dưới sự hướng dẫn của hình ảnh để đảm bảo chính xác.
- Chẩn đoán và điều trị: Khi ống thông đến tim, bác sĩ có thể thực hiện nhiều xét nghiệm chẩn đoán như đo áp suất trong tim, lấy mẫu máu hoặc chụp ảnh chi tiết. Nếu cần, các thủ thuật can thiệp như sửa chữa dị tật tim, mở rộng động mạch hẹp hoặc điều trị rối loạn nhịp tim cũng có thể được thực hiện qua ống thông.
Quá trình này cho phép chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch mà ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật tim hở truyền thống.
4. Điều gì xảy ra sau khi thực hiện thông tim
Sau thủ thuật thông tim ở trẻ, bạn cần thực hiện và theo dõi các vấn đề sau ở trẻ.
- Theo dõi sức khỏe của trẻ: Con bạn sẽ được gắn máy đo nhịp tim cho đến khi trẻ hoàn toàn tỉnh táo. Nhân viên chăm sóc sức khỏe sẽ theo dõi nhịp đập ở cánh tay hoặc chân của trẻ. Họ sẽ kiểm tra băng ép của con bạn xem có bị chảy máu hoặc sưng tấy không.
- Nghỉ ngơi: Trẻ cần phải nằm yên để tránh chảy máu, không ra khỏi giường cho đến khi được sự cho phép của bác sĩ. Thời gian nghỉ ngơi có thể từ 2 đến 4 tiếng; trẻ có thể về nhà hoặc phải ở lại bệnh viện qua đêm.
- Triệu chứng sau thủ thuật: Bầm tím hoặc đau tại nơi đặt ống thông tim. Tuy nhiên, hiện tượng này hoàn toàn bình thường và sẽ giảm dần.
5. Rủi ro của thủ thuật thông tim
Những rủi ro có thể xảy ra đối với thủ thuật thông tim đối với trẻ em:
- Chảy máu: Có thể xảy ra chảy máu nhiều hơn dự kiến.
- Phát sinh phẫu thuật: Cần phẫu thuật để sửa chữa các lỗ hổng trong tim hoặc mạch máu do ống thông tạo ra.
- Cục máu đông: Nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân hoặc cánh tay, có thể gây nguy hiểm.
- Rối loạn nhịp tim và đau tim: Có thể phát sinh vấn đề về nhịp tim hoặc đau tim.
- Vấn đề liên quan đến phổi: Có khả năng phổi bị xẹp hoặc nhiễm trùng.
Qua bài viết trên, hy vong cha mẹ đã có cái nhìn tổng quan về toàn bộ quá trình của thủ thuật thông tim ở trẻ em. Điều này sẽ giúp cho cha mẹ và các bé chuẩn bị tốt hơn toàn bộ quá trình này. Sự hiểu biết và tham gia của phụ huynh trong việc lập kế hoạch chăm sóc là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho trẻ.