Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Bác sĩ tim mạch can thiệp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Thông tim ngày nay đã trở thành một phương tiện vừa chẩn đoán, vừa hỗ trợ điều trị vô cùng phổ biến tại các trung tâm tim mạch. Đây vốn là một kỹ thuật can thiệp trên cơ thể người bệnh nên luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
Chính vì thế, hiểu biết về các biến chứng của thông tim sẽ phần nào giúp đưa ra quyết định thực hiện kỹ lưỡng hơn, giúp thủ thuật mang lại lợi ích nhiều hơn.
1. Tìm hiểu về kỹ thuật thông tim
Thông tim là một kỹ thuật dùng ống thông, đi theo đường mạch máu lớn vào trong tim. Nhờ đó, bác sĩ sẽ đánh giá được các bất thường, tổn thương về mặt giải phẫu lẫn sinh lý của tim và mạch máu nuôi tim. Bên cạnh đó, thông tim còn giúp đo đạc được các thông số huyết động học, bao gồm các áp lực mạch máu và áp lực buồng tim, cung lượng tim, độ bão hoà oxy. Qua thông tim, các bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp can thiệp để điều trị một số bệnh lý tim mạch mà trước đây cần phải mở ngực như can thiệp đặt stent động mạch vành hay can thiệp điều trị một số bệnh lý tim bẩm sinh.
Đây vốn là một kỹ thuật can thiệp xâm nhập trên cơ thể người bệnh nên luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định.
2. Biến chứng lớn
Nhồi máu cơ tim, đột quỵ do nhồi máu não hoặc thậm chí là tử vong là các biến chứng quan trọng cần cân nhắc tới trước khi quyết định thực hiện thông tim. Mặc dù tỷ lệ rủi ro so với lợi ích là rất thấp, bác sĩ luôn cần tư vấn kỹ lưỡng cho bệnh nhân và người nhà của họ, ngoại trừ trong các trường hợp cấp cứu.
Đối tượng có nguy cơ cao xảy ra biến chứng này là người trên 60 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới, bệnh nhân suy tim nặng hay đã mắc nhiều bệnh lý mạn tính từ trước như bệnh van tim, bệnh thận mãn tính, đái tháo đường, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh mạch máu não, bệnh phổi...
3. Biến chứng tại chỗ
Các biến chứng tại vị trí đường vào mạch máu đặt ống thông tim là những vấn đề xảy ra phổ biến nhất ngay sau khi kết thúc thủ thuật hoặc trong những ngày kế tiếp sau khi tháo băng ép, bao gồm:
- Chảy máu kéo dài tại vị trí chọc mạch: Hầu hết các bệnh nhân đều ngưng chảy máu sau khi giữ băng ép liên tục trong 24 giờ. Tuy nhiên, việc cầm máu đôi khi trở nên rất khó khăn, phải cần thời gian băng ép kéo dài hơn hoặc dùng đến một số dụng cụ đặc biệt, nhất là ở các bệnh nhân có dùng thuốc kháng đông máu trước đó.
- Hình thành khối máu tụ: Sự hình thành khối máu tụ thường gặp khi kỹ thuạt thông tim đi vào từ động mạch đùi, máu rò rỉ lan rộng vào trong mô mềm của đùi trên. Nếu không được nhanh chóng giải quyết, khối máu lớn dần gây hội chứng chèn ép khoang, chèn vào mạch máu và dây thần kinh chi phối vùng đùi lẫn toàn bộ chi dưới. Nếu thông tim đi vào bằng động mạch quay tại cổ tay, chi trên cũng có nguy cơ xảy ra biến chứng tương tự.
- Thông nối động - tĩnh mạch: Máu chảy liên tục từ vị trí thủng động mạch do đặt ống thông tim có thể đi vào lỗ thủng tĩnh mạch kế cận, dẫn đến sự hình thành của một lỗ rò động mạch. Dòng máu đột ngột bị “nối tắt”, không đi đến nuôi dưỡng các cơ quan ở xa.
- Phình mạch: Trong quá trình làm thông tim, việc đưa ống thông và các loại dụng cụ theo đường mạch máu vào trong tim có thể gây sang chấn thành mạch. Lớp thành mạch bị tổn thương nên mất cấu trúc vững chắc, dễ tạo thành túi phình và có nguy cơ vỡ ra nếu áp lực dòng máu bên trong tăng cao.
4. Rối loạn nhịp tim
Khi đưa ống thông vào buồng tim, đây có thể trở thành tác nhân kích thích gây khởi phát một loạt các dạng rối loạn nhịp tim và rối loạn dẫn truyền. Tim đập quá nhanh, quá chậm hay đập bất thường sẽ được nhanh chóng phát hiện trên màn hình theo dõi.
Thông thường, các rối loạn nhịp tim này chỉ thoáng qua và chấm dứt nếu kỹ thuật viên chỉnh sửa lại đường đi của ống thông. Tuy nhiên, một số trường hợp có thể gây ra các rối loạn nhịp tim nguy hiểm, ảnh hưởng đến huyết động, cần can thiệp sốc tim kịp thời để cứu tính mạng người bệnh.
5. Thủng tim hoặc các mạch máu lớn
Thủng là một biến chứng cực kỳ hiếm gặp khi thông tim. Tuy vậy, nguy cơ sẽ cao hơn khi dùng ống thông cứng trong các thủ thuật cần sinh thiết, xuyên vách liên nhĩ, nong van bằng bóng hay đặt máy tạo nhịp.
Nguy cơ xảy ra biến chứng này thường gặp nhiều hơn trên đối tượng bệnh nhân là nữ và lớn tuổi.
6. Dị ứng
Phản ứng dị ứng trong quá trình thông tim có thể do dùng thuốc gây tê tại chỗ, thuốc cản quang, Protamine Sulfate hoặc hiếm hơn là dị ứng với Heparin.
Nếu triệu chứng dị ứng ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ nhanh chóng thuyên giảm với các thuốc kháng Histamine H1 hay Corticosteroid thông thường, làm giảm tỷ lệ phản ứng nặng xuống dưới 1%. Dù vậy, nếu có phản ứng dị ứng nghiêm trọng, bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức theo cách tương tự như sốc phản vệ với Epinephrine tiêm tĩnh mạch.
7. Thuyên tắc động mạch
Trong quá trình thông tim, các mảnh vỡ xơ vữa trên thành động mạch dễ bị sang chấn trở nên bong tróc. Các mảnh vụn này di chuyển theo dòng máu, có thể gây ra thuyên tắc hệ thống, như thuyên tắc động mạch não, võng mạc, thận và cả đường tiêu hóa.
Trong đó, nặng nề nhất là tắc mạch não gây nhồi máu não. Mảng xơ vữa lớn gây thuyên tắc động mạch chính, gây nhồi máu não diện rộng hoặc nhiều mảng xơ vữa nhỏ gây nhồi máu đa ổ đều để lại di chứng lâu dài cho người bệnh, giảm chất lượng cuộc sống.
8. Suy thận cấp
Có ba nguyên nhân chính gây ra rối loạn chức năng thận do thông tim: (1) Suy thận cấp do sử dụng thuốc cản quang, (2) Thuyên tắc động mạch thận và (3) Giảm tưới máu thận do rối loạn huyết động.
Dù là nguyên nhân nào, nếu được tích cực điều trị nâng đỡ, chức năng thận cũng sẽ dần trở lại gần bình thường như trước khi can thiệp. Tuy nhiên, không ít một số trường hợp thận bị suy thận nặng nề, cần đến chạy thận nhân tạo hỗ trợ.
9. Nhiễm trùng
Thủ thuật thông tim luôn được chuẩn bị và thực hiện trong điều kiện môi trường và dụng cụ vô trùng tuyệt đối song vẫn không thể loại trừ được hoàn toàn khả năng lây nhiễm. Vì vậy, trên các đối tượng có nguy cơ cao bị viêm nội tâm mạc như mắc bệnh lý van tim, có van tim nhân tạo, bệnh tim bẩm sinh, cần được điều trị kháng sinh dự phòng trước thủ thuật.
Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm trùng khi can thiệp thông tim qua động mạch quay được ghi nhận là có nguy cơ gây nhiễm trùng cao hơn khoảng 10 lần so với phương pháp tiếp cận qua động mạch đùi.
10. Phơi nhiễm phóng xạ
Hình ảnh ghi nhận qua thông tim được quan sát dưới màng huỳnh quang khi chiếu tia X. Vì vậy, nguy cơ phơi nhiễm phóng xạ là hoàn toàn không thể tránh khỏi. Nguy cơ này còn xảy ra đối với cả nhân viên y tế làm việc trong phòng thông tim.
Ngày nay, khi kỹ thuật thông tim đã trở nên phổ biến, tay nghề bác sĩ không ngừng được nâng cao, thời gian thực hiện cũng đã được rút ngắn đáng kể. Ngoài ra, những nghiên cứu về tác hại sau khi phơi nhiễm phóng xạ cũng chưa được báo cáo rõ ràng.
Để giúp người bệnh phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả điều trị tối ưu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói Sàng lọc Tim mạch - Khám cơ bản Tim mạch, dành cho các đối tượng: Chân tay lạnh; Tim đập nhanh; Thở gấp; Lo lắng, mất ngủ; Đau vai, cổ tay; Mệt mỏi không rõ nguyên nhân; Ra mồ hôi trộm, khó tiêu; Sưng phù chân; Thường xuyên đau nửa đầu; Có cảm giác đau thắt ngực khi đi bộ; Gia đình có người mắc bệnh tim...
Những ưu điểm khi khám sàng lọc tim mạch tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec bao gồm:
- Đội ngũ y - bác sỹ là các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, tận tụy và hết lòng vì lợi ích của bệnh nhân, mang đến hiệu quả cao trong điều trị khám chữa bệnh;
- Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp;
- Hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả;
- Không gian khám chữa bệnh hiện đại, văn minh, sang trọng và tiệt trùng tối đa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.