Bài viết được viết bởi bác sĩ Nguyễn Ngọc Phương Nam - Bác sĩ Hồi sức Cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Phù phổi cấp là một cấp cứu khẩn trương, gây ra tình trạng suy hô hấp cấp tính vì trong lòng phế nang ( phổi) bị lấp đầy bởi dịch dẫn đến không thể trao đổi không khí (nhận 02 và thải C02). Nếu phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời, bệnh có khả năng hồi phục nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp cấp nặng, nguy cơ tử vong cao.
1. Phù phổi cấp là gì?
Nguyên nhân phù phổi cấp:
- Bệnh tim mạch
- Bệnh van tim, đặc biệt là bệnh van hai lá và van động mạch chủ. Cơn tăng huyết áp (nhất là do u tuỷ thượng thận).
- Nhồi máu cơ tim.
- Viêm cơ tim.
- Suy tim nặng.
- Bệnh ngoài tim
- Bệnh thận, thường gặp nhất là viêm cầu thận
- Viêm cầu thận cấp ở trẻ em (do tăng thể tích máu).
- Viêm cầu thận mạn ở người lớn: suy thận giai đoạn cuối hoặc tăng huyết áp.
2. Khi nào thì phù phổi cấp phải được thở máy
Dựa vào đánh giá lâm sàng mức độ của suy hô hấp do phù phổi gây ra và diễn tiến của suy hô hấp bác sĩ sẽ quyết định sẽ cho người bệnh thở máy không xâm lấn hoặc thở máy xâm lấn dựa trên:
- Dựa trên mức độ suy hô hấp: Vừa đến nặng hoặc trong tình trạng cấp cứu nguy kịch tính mạng.
- Đáp ứng với các điều trị thuốc ban đầu hay không? Nếu bệnh nhân đáp ứng tốt với điều trị thuốc ban đầu thì không cần đến thở máy không xâm lấn. Nhưng nếu diển tiến bệnh nhân ngày càng xấu đi, thở nhanh hơn, suy hô hấp nặng hơn thì bác sĩ sẽ quyết định cho thở máy không xâm lấn hoặc xâm lấn để điều trị cho bệnh nhân:
- Khó thở trung bình đến nặng, có sử dụng cơ hô hấp phụ và có di động bụng nghịch thường.
- Toan hô hấp vừa đến nặng (pH < 7,3).
- Giảm Oxy máu Pa02 < 60 mmHg.
- Thở > 25- 30 lần/phút.
3. Thế nào là thở máy không xâm lấn và thở máy xâm lấn?
3.1 Thở máy không xâm lấn
Bệnh nhân sẽ được gắn với máy thở thông qua mặt nạ (Mask thở) đặt lên vùng mũi miệng bệnh, và máy thở sẽ hỗ trợ hô hấp cho bệnh nhân thông qua mặt nạ thở.
Trong trường hợp thở máy không xâm lấn thường thì người bệnh bị suy hô hấp nhưng còn tỉnh táo, và được máy thở hỗ trợ về hô hấp.
Lợi ích
Các nghiên cứu cho thấy rằng lợi ích của việc thở máy không xâm lấn sẽ cải thiện:
- Giảm nguy cơ đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn
- Giảm tỷ lệ tử vong
- Cải thiện các dấu hiệu suy hô hấp trên lâm sàng
- Cải thiện các chỉ số cận lâm sàng về suy hô hấp
3.1 Thở máy xâm lấn
- Trong quá trình thở máy không xâm lấn, các bác sĩ sẽ theo dõi các dấu hiệu suy hô hấp, nếu tình trạng suy hô hấp do phù phổi này chưa thể giải quyết được hoặc diễn tiến nặng hơn sẽ tiến hành đặt nội khí quản và thở máy xâm lấn.
- Hoặc tình trạng suy hô hấp này nguy kịch ngay từ lúc tiếp nhận như: lơ mơ, ngưng thở, ngừng tim thì sẽ được chỉ định thở máy xâm lấn ngay từ đầu.
- Bệnh nhân sẽ được đặt nội khí quản ( ống thở) đi vào đường thở qua đường miệng, và sau đó được kết nối với máy thở để bảo vệ hô hấp tránh đe dọa tính mạng, bệnh nhân thường sẽ được sử dụng thuốc an thần để thực hiện thở máy và theo dõi.
4. Khi nào thì bệnh nhân sẽ có thể cai máy thở?
Quyết định ngưng thở máy hay tập ngừng thở máy để bệnh nhân có thể thở 1 cách tự nhiên sẽ phụ thuộc vào:
- Diễn tiến của bệnh: Các dấu hiệu suy hô hấp trên lâm sàng và các chỉ số xét nghiệm trở về bình thường. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng hô hấp và các yếu tố liên quan bệnh lý để quyết định ngừng tạm thời, tập cai máy hoặc ngừng hoàn toàn thở máy để bệnh nhân có thể thở tự nhiên trở về sinh hoạt bình thường.
- Các vấn đề bệnh lý gây nên suy hô hấp được cải thiện như: Điều trị suy tim dẫn đến chức năng tim tốt hơn, hay điều trị các bệnh lý của thận tốt hơn.
5. Kết luận
Thông khí nhân tạo (thở máy không xâm lấn và thở máy xâm lấn) là 1 biện pháp điều trị cứu mạng cho những trường hợp phù phổi diễn tiến nặng. Nếu không được can thiệp kịp thời người bệnh có thể tử vong rất nhanh vì suy hô hấp.
Đây cũng là kĩ thuật phức tạp đòi hỏi kinh nghiệm và sự thuần thục về kỹ năng thực hành do đó thường được chỉ định và thực hiện tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị.