Bài viết bởi Tiến Sĩ, Bác sĩ Trương Ngọc Hải - Bác sĩ Hồi sức - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Khi thông khí nhân tạo (thở máy), bệnh nhân được máy hỗ trợ thông khí bằng cách đưa hỗn hợp không khí-oxy vào phổi của bệnh nhân. Qua ống nội khí quản hoặc canuyn mở khí quản (thở máy xâm nhập) hoặc qua mặt nạ (thở máy không xâm nhập) cho đến khi bệnh nhân có thể tự thở hiệu quả.
1.Thông khí nhân tạo
Trong quá trình thông khí nhân tạo, một hỗn hợp không khí được xác định trước (tức là oxy và các loại khí khác) được đẩy vào đường thở trung tâm và sau đó chảy vào phế nang. Khi phổi căng lên, áp suất trong phế nang tăng. Khi đạt mục tiêu thông khí (thường là thể tích hoặc áp suất, đôi khi là lưu lượng khí) máy thở sẽ ngừng cung cấp không khí vào đường thở trung tâm và áp suất đường thở trung tâm giảm. Thì thở ra thụ động do sự chênh lệch áp suất giữa lồng ngực và đường thở nhân tạo của máy thở
2. Khi nào bệnh nhân cần được Thông khí nhân tạo (thở máy)?
Trong khi phẫu thuật: Máy thở có thể tạm thời hỗ trợ thông khí cho bệnh nhân trong thời gian bệnh nhân đang được gây mê toàn thân.
Phục hồi sau phẫu thuật: Đôi khi bệnh nhân cần máy giúp thở trong vài giờ hoặc thậm chí vài ngày sau khi phẫu thuật.
Khi tự thở gặp khó khăn: Bệnh nhân cần được giúp thở bằng máy thở nếu bệnh nhân bị bệnh lý nặng ở phổi hoặc bệnh lý làm cho bệnh nhân khó thở hoặc không thể tự thở hiệu quả:
- Bệnh lý ảnh hưởng tới quá trình làm đầy phế nang: viêm phổi – nhiễm khuẩn, sặc; phù phổi không do tim/ ARDS (do NK, tổn thương phổi do hít, đuối nước, truyền máu, dập phổi); phù phổi do tim, chảy máu phổi, bệnh lý phế nang
- Bệnh lý mạch phổi: nhồi máu phổi, tắc mạch ối, thuyên tắc do ung thư
- Bệnh lý gây tắc nghẽn đường thở trung tâm: khối u, phù hầu họng, thanh quản, hẹp khí quản
- Bệnh lý gây tắc nghẽn đường thở xa: COPD, bệnh lý tắc nghẽn đường thở, hen phế quản
- Giảm thông khí do tổn thương kiểm soát hô hấp: gây mê toàn thân, quá liều ma túy, ngộ độc
- Giảm thông khí do rối loạn chức năng cơ hô hấp, hệ thống thần kinh ngoại biên: xơ cột bên teo cơ, cơn nhược cơ, guillain barre, ngộ độc strychnin, teo cơ, teo cơ giảm trương lực, viêm cơ
- Giảm thông khí do bệnh lý thành ngực, màng phổi: dị dạng lồng ngực, tràn dịch màng phổi số lượng nhiều, tràn khí màng phổi
- Bệnh lý tăng nhu cầu thông khí: nhiễm khuẩn nặng, sốc nhiễm khuẩn, toan chuyển hóa nặng.
3. Khi nào bệnh nhân có chống chỉ định thông khí nhân tạo (thở máy)?
Chống chỉ định tuyệt đối: Tràn khí màng phổi chưa dẫn lưu
Chống chỉ định tương đối:
- Bệnh nhân và/hoặc gia đình không đồng ý
- Tình trạng y khoa không phù hợp cho nỗ lực cấp cứu. Ví dụ: bệnh ác tính giai đoạn cuối, bệnh nhân DNR (do not resuscitate)
4. Các phương thức thông khí nhân tạo xâm nhập phổ biến tại ICU
Hỗ trợ kiểm soát (AC): máy thở cung cấp một tần số thở tối thiểu cài đặt trước, bệnh nhân tự kích hoạt những nhịp thở tăng thêm với sự hỗ trợ toàn bộ của máy. Thở nhanh có thể gây nên kiềm hô hấp và auto-PEEP.
Thông khí nhân tạo điều khiển ngắt quãng đồng thì (SIMV): máy thở cung cấp một tần số thở tối thiểu những nhịp thở đồng thì với nỗ lực thở của bệnh nhân. Những nhịp thở tăng thêm của bệnh nhân có thể không được hỗ trợ (tùy theo có sử dụng mode kết hợp hay không), nhưng bệnh nhân cần phải thắng được sức cản của hệ thống dây thở trong quá trình thở tự nhiên. SIMV = AC khi bệnh nhân không có nỗ lực thở tự nhiên
Hỗ trợ áp lực (PS): máy thở hỗ trợ bệnh nhân bằng một áp lực thở vào đặt trước khi bệnh nhân có nỗ lực tự thở. Hỗ trợ một phần áp lực thở vào thường được dùng để đánh giá khả năng cai máy.
Áp lực đường thở dương liên tục: bệnh nhân thở tự nhiên khi máy thở duy trì một áp lực đường thở dương hằng định.
5. Quy trình thực hiện
- Bước 1: Tiến hành đặt ống nội khí quản nếu bệnh nhân chưa được đặt ống nội khí quản hoặc chưa có canuyn mở khí quản. Bóp bóng có oxy qua ống nội khí quản trong khi chuẩn bị máy thở.
- Bước 2: Đặt các thông số máy thở ban đầu
- Bước 3: Đặt các mức giới hạn báo động
- Bước 4: Đặt các giới hạn báo động, mức đặt tùy theo tình trạng bệnh lý cụ thể của mỗi bệnh nhân.
- Bước 5: Tiến hành cho bệnh nhân thở máy. Điều chỉnh thông số máy thở
6. Thông khí nhân tạo có những nguy cơ gì?
Thông khí nhân tạo có thể góp phần cứu sống bệnh nhân. Tuy nhiên, giống như các phương pháp điều trị khác, đôi khi có thể có một số nguy cơ, biến chứng khi thông khí nhân tạo. Nguy cơ tăng lên nếu bệnh nhân sử dụng máy thở trong một thời gian dài.
6.1 Nguy cơ về nhiễm khuẩn
Nguy cơ thường gặp của thông khí nhân tạo là nhiễm khuẩn. Bệnh nhân có thể mắc viêm phổi liên quan thở máy. Nhiễm khuẩn các xoang cũng có thể xảy ra. Bệnh nhân cần thuốc kháng sinh để điều trị viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn ở vùng các xoang.
6.2 Bứt rứt, kích thích
Ống nội khí quản hoặc canuyn mở khí quản có thể cọ xát và kích thích đường hô hấp của bệnh nhân. Ống nội khí quản hoặc canuyn mở khí quản cũng có thể làm cho bệnh nhân khó ho khạc. Phản ứng ho giúp loại bỏ đờm và các chất gây kích thích trong phổi của bệnh nhân.
6.3 Tổn thương dây thanh âm, thanh quản
Ống nội khí quản đi qua vùng hầu họng, dây thanh, thanh quản. Đây là lý do tại sao bệnh nhân không thể nói chuyện khi đang thở máy. Trong quá trình thở máy, có thể xảy ra tổn thương dây thanh âm, thanh quản liên quan việc lưu ống nội khí quản dài ngày và/hoặc do bệnh nhân kích thích, giãy giụa.
6.4 Tổn thương phổi
Trong quá trình thở máy, có thể xảy ra tổn thương phổi, vì một số lý do:
- Phế nang căng phồng do gia tăng áp lực trong phổi
- Tràn khí màng phổi (không khí rò rỉ vào khoang màng phổi giữa phổi và thành ngực)
- Độc tính oxy (phải sử dụng oxy nồng độ cao)
6.5 Các nguy cơ khác có thể xảy ra bao gồm:
- Nhiễm trùng da, mô mềm
- Bệnh lý thuyên tắc mạch, thuyên tắc phổi do các cục máu đông