Thông động tĩnh mạch là tổn thương bất thường trong quá trình lưu thông máu giữa động mạch và tĩnh mạch. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, tuy nhiên thường gặp nhất là ở não. Thông động tĩnh mạch nếu không được phát hiện và điều trị có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
1. Thông động tĩnh mạch là bệnh gì?
Trong cơ thể người, động mạch và tĩnh mạch được nối với nhau bằng các mạch máu rất nhỏ, gọi là mao mạch. Động mạch thực hiện nhiệm vụ vận chuyển máu từ tim đến khắp các mao mạch trong cơ thể, tĩnh mạch nhận máu từ mao mạch và vận chuyển máu lại về tim. Khi quá trình lưu thông máu nối giữa động mạch và tĩnh mạch gặp bất thường, không thông qua mạng lưới mao mạch, gọi là thông động tĩnh mạch.
Thông động tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất cứ vị trí nào trong cơ thể, tuy nhiên thường gặp nhất là ở não và cột sống, gây biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị phù hợp kịp thời.
2. Nguyên nhân gây thông động tĩnh mạch
Nguyên nhân gây thông động tĩnh mạch có thể là do:
- Dị tật bẩm sinh mắc phải: tình trạng bất thường của mạch máu phát triển từ giai đoạn bào thai cho đến khi trẻ sinh ra.
- Chấn thương: Phần lớn các trường hợp thông động tĩnh mạch là do chấn thương.
- Điều trị nội mạch: Điều trị và can thiệp nội mạch sử dụng ống thông có kích thước lớn ảnh hưởng đến mạch máu.
- Các nguyên nhân khác: Thực hiện phẫu thuật tạo hình mạch máu hoặc tạo hình, ...
3. Chẩn đoán thông động tĩnh mạch
Thông động tĩnh mạch có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi có một số biểu hiện trên lâm sàng.
3.1. Triệu chứng lâm sàng thông động tĩnh mạch
- Nghe thấy tiếng thổi và sờ thấy rung miu liên tục ở vùng có khối thông động tĩnh mạch, đặc biệt tăng dần ở thì của tâm thu.
- Ép vùng động mạch ở phía trên khối thông thì thấy tiếng thổi và rung miêu giảm hoặc mất đi.
- Có khối máu tụ, nghe được mạch đập, ở xa yếu.
- Giãn tĩnh mạch nông, sau đó tiến triển thành túi phình, gây chèn ép, chảy máu bên trong.
- Người bệnh có các triệu chứng như phù nề ở vùng chi bên dưới khối thông, đau, khả năng vận động giảm.
- Khi khối thông gần tim và có kích thước lớn, có thể gây ra các biểu hiện của suy tim.
3.2. Xét nghiệm chẩn đoán
- Siêu âm: Siêu âm có thể xác định được vị trí và kích thước của khối thông, cũng như đặc điểm hình thái của đầu trung tâm và ngoại vi những mạch máu đi đến khối thông.
- Siêu âm Doppler: Siêu âm Doppler có thể xác định được vị trí, kiểu dòng chảy và lưu lượng, tốc độ, ... của dòng máu di chuyển bên trong khối thông.
- Chụp mạch máu: Chụp mạch máu có thể xác định được hình thái của đường thông động tĩnh mạch cũng như hướng đến và đi của các mạch máu.
Chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ: Xác định được hình thái và phạm vi của khối thông cũng như những tổn thương cơ, xương kèm theo.
4. Điều trị thông động tĩnh mạch
Thông động tĩnh mạch khi được phát hiện cần được điều trị sớm để ngăn ngừa biến chứng dẫn đến suy tim. Theo đó, người bệnh có thể được chỉ định điều trị với các phương pháp sau đây:
4.1. Điều trị ngoại khoa bảo tồn lưu thông mạch máu
- Khâu bít lỗ thông từ hướng lòng tĩnh mạch, sau đó khâu phục hồi chỗ mở thành tĩnh mạch;
- Phẫu thuật cắt đôi đường thông, sau đó khâu lại thành động mạch và tĩnh mạch;
- Phẫu thuật cắt bỏ đoạn động tĩnh mạch có lỗ thông, sau đó khâu nối các mạch máu với nhau;
- Phẫu thuật cắt bỏ khối thông động - tĩnh mạch, sau đó ghép mạch.
4.2. Phẫu thuật thắt mạch máu
Được thực hiện với những trường hợp hệ thống tuần hoàn bên của bệnh nhân phát triển tốt, vùng ngoại vi khối thông được đảm bảo nuôi dưỡng sau khi phẫu thuật.
Thông động tĩnh mạch là tình trạng nguy hiểm, nếu để lâu không điều trị có thể dẫn đến biến chứng suy tim, vỡ khối thông ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Do đó, việc thăm khám và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm rất quan trọng.