Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ân - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm, khả năng lây lan rất nhanh và có thể bùng phát thành dịch nếu không nhận biết sớm và kiểm soát tốt.
1. Bệnh tay chân miệng là gì?
Bệnh chân tay miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút coxsackievirus A16 và enterovirus 71 gây ra. Bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, bởi lúc này hệ miễn dịch của trẻ chưa được phát triển toàn diện, do vậy khả năng chống lại sự xâm nhập của các loại virus gây bệnh không tốt, dễ mắc bệnh truyền nhiễm.
Bệnh chân tay miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút gây ra
Bệnh tay chân miệng ở trẻ đa phần không gây hại, không cần điều trị bằng thuốc đặc hiệu và sẽ tự khỏi trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, nếu các biến chứng xuất hiện mà không được điều trị đúng phác đồ và sớm thì trẻ sẽ có nguy cơ cao bị các bệnh nguy hiểm như:
- Viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong.
- Yếu, liệt chi; liệt dây thần kinh sọ não
- Tăng huyết áp, trụy mạch
- Tăng trương lực cơ,....
Bệnh tay chân miệng không phải chỉ ảnh hưởng đến trẻ em, có các báo cáo về những trường hợp người lớn bị tay chân miệng lây truyền từ trẻ mắc bệnh khi chăm sóc và vệ sinh cho trẻ.
2. Khả năng lây lan của bệnh tay chân miệng
Đây là một bệnh truyền nhiễm, khả năng lây lan rất nhanh và có thể bùng phát thành dịch nếu không nhận biết sớm và kiểm soát tốt.
Vậy bệnh tay chân miệng lây qua đường nào? Theo đó Vi-rút lây lan rất nhanh và tồn tại trong nước bọt, dịch hắt hơi, sổ mũi, phân, dịch vỡ bóng nước trên da, niêm mạc... chúng làm cơ thể tăng bài tiết các dịch tiết khi mắc bệnh. Trẻ hắt hơi, chảy mũi, ngậm mút đồ chơi chung với nhau là con đường lây truyền thuận lợi. Khi bị phát tán ra ngoài, virus vẫn có thể tồn tại khá lâu trong môi trường nhiệt độ phòng, bám lên đồ dùng, đồ chơi, sàn nhà, ly chén, khăn, quần áo,.... Nếu một trẻ khỏe mạnh tiếp xúc chung trong môi trường này thì rất dễ bị lây nhiễm.
Biểu hiện chính của bệnh tay chân miệng ở trẻ là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
3. Thời gian ủ bệnh tay chân miệng
Thời gian ủ bệnh tay chân miệng là từ 3 - 7 ngày. Đây là thời gian các triệu chứng chưa điển hình, người bệnh chưa phát hiện mình bị tay chân miệng và có thể lây truyền virus tay chân miệng sang cộng đồng.
Khi các triệu chứng xuất hiện, ở trẻ sơ sinh và trẻ em có một số dấu hiệu đặc trưng như sau:
- Bệnh thường bắt đầu khi trẻ có triệu chứng giống như cảm cúm thông thường: Sốt nhẹ kéo dài từ 24 đến 48 tiếng, kém ăn, khó chịu, mệt mỏi, đau họng... Sau 2 ngày những triệu chứng này giảm đi, dấu hiệu của bệnh tay chân miệng mới bắt đầu xuất hiện.
- Trẻ sẽ có những nốt mụn nước trên da trong khoang miệng (lưỡi, má trong), lòng bàn tay và lòng bàn chân. Mụn nước có thể còn xuất hiện ở mông hoặc quanh hậu môn. Nổi mụn nước là triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh này. Vì nổi mụn nước trong miệng nên trẻ sẽ chán ăn, bỏ bú.
- Khi mới xuất hiện, các nốt ban này nổi lên như vết sẹo nhỏ, hơi đỏ và phẳng. Sau đó chúng dần phồng rộp lên chứa nước bên trong như những bóng nước, hồng ban, màu xám, khi lành không gây sẹo. Những nốt này không đau và không ngứa, khác với thủy đậu ngứa và đau nhức khó chịu.
- Giai đoạn các mụn nước ở miệng và những vị trí khác vỡ ra gây loét rộng vết hở. Làm trẻ đau đớn, các bậc cha mẹ cần giữ gìn vệ sinh những vết thương hở này cho trẻ tránh để nhiễm trùng.
4. Phòng ngừa tay chân miệng
Hiện chưa có vắc – xin phòng bệnh tay chân miệng và thuốc điều trị đặc hiệu, việc điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Do vậy, để phòng chống bệnh tay chân miệng ở trẻ, các bậc phụ huynh cần:
- Thực hiện tốt việc vệ sinh ăn uống như: ăn thức ăn chế biến sạch sẽ, an toàn, uống nước đun sôi để nguội. Dạy trẻ không được cho tay vào miệng hay ngậm mút đồ chơi.
- Các vật dụng của trẻ như khăn lau, áo quần, chén bát cũng như dụng cụ học tập, đồ chơi của trẻ nên được ngâm rửa với dung dịch khử khuẩn và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
- Bàn ghế, sàn nhà, tay vịn, cầu thang, nắm cửa, nhất là tại các điểm trông giữ trẻ cần được quét dọn, lau chùi bằng nước sát trùng định kỳ, tương tự với nhà vệ sinh, cống thoát nước.
- Ngoài ra, cha mẹ hay người trông trẻ cần chủ động quan sát tình trạng sức khỏe của trẻ mỗi ngày. Khi có trẻ phát bệnh, cần nhanh chóng báo cáo cách ly và khử khuẩn để giảm thiểu lây lan sang trẻ khác, tạo thành ổ dịch.
- Đối với các trường hợp nghi ngờ bệnh, cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được thăm khám và theo dõi.
- Khi con đã nhiễm bệnh cha mẹ cần quan sát và không cho con gãi, chọc vào các mụn nước trên cơ thể; môi trường sinh sống sạch sẽ, tránh để con tiếp xúc với không khí và nước bẩn.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Nguyễn Thị Ân nguyên là Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, là người rất tâm huyết với công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em và điều trị thành công nhiều ca bệnh khó. Hiện tại, là Bác sĩ Nhi - Sơ sinh- Khoa Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế