Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Mang Thị Phương Mai - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Thời gian ủ bệnh sởi trung bình từ 7-21 ngày (trung bình 10 ngày). Trong giai đoạn này, người bệnh chưa có bất cứ một biểu hiện lâm sàng nào nên tự bệnh nhân hay người nhà cũng không biết có bệnh.
1. Bệnh sởi là gì?
Sởi là căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ. Người chưa bị sởi lần nào hay chưa được tiêm vắc xin phòng sởi thường dễ bị loại virus sởi tấn công.
Sởi do virus gây ra. Loại virus này có hình cầu đường kính khoảng từ 120 – 250nm và có chứa các sợi ARN sợi đơn. Virus sởi là loại virus đồng nhất và không có sự biến dị của các cấu trúc virus vì thế mà sau khi nhiễm sởi sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus này trong suốt những khoảng thời gian dài về sau.
Virus sởi thường xâm nhập vào cơ thể của người bệnh thông qua các đường mũi, họng và cả đường mắt. Loại virus này sẽ được nhân lên ở hệ bạch huyết nơi xâm nhập và tại tế bào đường hô hấp trên sau đó đi qua máu và phát bệnh.
Hiện nay, nhờ vào việc tiêm ngừa vắc xin chủ động nên tỷ lệ tử vong do Sởi đã giảm đáng kể. Trên toàn thế giới, hàng năm có khoảng 100.000 bệnh nhân tử vong do mắc sởi chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi - đa số là ở các nước kém phát triển, tỷ lệ tiêm ngừa phòng sởi thấp.
2. Các thể lâm sàng của bệnh sởi
Thời gian ủ bệnh sởi : 7- 21 ngày (trung bình 10 ngày). Ở giai đoạn này, người bệnh chưa có bất cứ một biểu hiện lâm sàng nào, nên tự bệnh nhân hay người nhà cũng không biết có bệnh.
Thể điển hình:
- Giai đoạn khởi phát: khoảng 2 - 4 ngày người bệnh sốt cao, ho, chảy mũi nước..., viêm kết mạc mắt, có thể thấy hạt Koplik
- Giai đoạn toàn phát: kéo dài 2-5 ngày thường sau khi sốt cao 3 - 4 ngày, người bệnh bắt đầu phát ban, ban có màu hồng dát sẩn, khi da căng thì ban biến mất. Sởi bắt đầu xuất hiện từ sau tai, sau gáy, trán, mặt, cổ rồi dần lan đến thân mình và tứ chi, cả ở lòng bàn tay và gan bàn chân, khi ban sởi mọc hết toàn thân thì thân nhiệt giảm dần.
- Giai đoạn hồi phục: có biểu hiện ban nhạt màu dần rồi sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu, để lại vết thâm và biến mất theo thứ tự như khi xuất hiện.
Thể không điển hình:
- Biểu hiện lâm sàng có thể xuất hiện sốt nhẹ thoáng qua, viêm long nhẹ, phát ban ít, toàn trạng tốt. Thể này dễ bị bỏ qua dẫn đến lây lan bệnh mà không biết.
- Người bệnh cũng có thể sốt cao liên tục, phát ban không điển hình, đau mỏi toàn thân.
3. Bị bệnh sởi bao lâu thì khỏi?
Bệnh sởi có 2 thể bệnh là thể thông thường và thể có biến chứng. Cả 2 thể bệnh đều có những triệu chứng như trên, tuy nhiên ở thể có biến chứng, bệnh sẽ kéo dài và có nguy cơ để lại di chứng nhiều hơn.
- Ở thể thông thường
Sau khoảng 6 - 10 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bệnh sởi sẽ khỏi hoàn toàn theo như diễn biến đã trình bày ở trên. Các yếu tố như chăm sóc y tế, chăm sóc dinh dưỡng, dự phòng biến chứng đóng vai trò quan trọng trong việc khỏi bệnh cũng như thời gian điều trị bệnh.
- Ở thể biến chứng: viêm phổi, tiêu hóa, viêm não...
Biến chứng viêm phổi: thường là nguyên nhân phổ biến gây tử vong của người mắc sởi, nhất là trẻ em.Biến chứng tiêu hóa: tiêu chảy là biến chứng thường gặp nhất, ngoài ra có thể xảy ra các biến chứng đường tiêu hóa khác như viêm dạ dày ruột, viêm hạch mạc treo...Biến chứng thần kinh: là một trong những biến chứng nặng nề của bệnh sởi, thường xuất hiện kể từ khi nổi ban - thường là ngày thứ 5, có thể để lại di chứng hoặc tử vong.Như vậy, không có đáp án chung cho thắc mắc bệnh sởi bao lâu thì khỏi. Thời gian khỏi bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố và phụ thuộc vào thể bệnh mà bạn mắc. Tuy nhiên, thời gian trung bình để khỏi bệnh sởi là từ 1-2 tuần sau khi phát ban.
4 Cách phòng tránh bệnh sởi
Các cách phòng tránh bệnh sởi bao gồm:
- Cách ly, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, người nghi bị nhiễm bệnh. Nếu có tiếp xúc với người bệnh cần rửa tay, sát khuẩn sạch sẽ.
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân, nơi ở, nơi làm việc thoáng mát, sạch sẽ.
- Nếu dịch sởi bùng phát cần hạn chế đến nơi tập trung đông người.
- Hiện không có bằng chứng khoa học nào về việc tắm hạt mùi có tác dụng phòng tránh bệnh sởi.
Tuy nhiên, cách phòng tránh bệnh sởi hiệu quả và lâu dài nhất vẫn là tiêm phòng vắc xin sởi. Đối với trẻ sơ sinh đã nhận được kháng thể miễn dịch từ mẹ truyền qua nhau thai sẽ có khả năng miễn dịch cho đến 6 tháng tuổi, nhiều em bé còn lưu giữ kháng thể này cho đến tháng thứ 9. Từ tháng thứ 9 trở đi, trẻ cần được bảo vệ bởi vắc xin sởi. Hai mũi sởi sẽ được tiêm khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Khi được tiêm mũi thứ 1, trẻ sẽ có khoảng 80 - 85% khả năng miễn dịch. Hoàn thành mũi thứ 2 khả năng miễn dịch ở trẻ tăng lên mức 90 - 95%.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.