Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thị Khương - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Bệnh sởi lây lan rất nhanh và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan. Để tìm hiểu về căn bệnh này, hãy theo dõi bài viết sau đây để được cung cấp các thông tin cần thiết nhất.
1. Bệnh sởi là gì?
Sởi là căn bệnh thường xảy ra theo mùa, thường vào đầu mùa xuân. Bệnh diễn ra theo từng nhóm nhỏ và mức độ lây lan rất nhanh chóng, tạo thành dịch bệnh. Bệnh nhân mắc bệnh sởi chủ yếu là trẻ em nằm trong độ tuổi dưới 5 tuổi và một số trường hợp xuất hiện ở cả người lớn tuổi. Nếu chưa có miễn dịch (chưa tiêm vắc xin phòng bệnh) hay chưa từng mắc sởi, bạn có khả năng bị lây nhiễm thông qua con đường hô hấp.
2. Nguyên nhân dẫn tới bệnh sởi
Bệnh sởi xuất hiện do virus sởi thuộc nhóm Paramyxovirus gây nên. Đây là loại virus có sức chịu đựng khá yếu và dễ bị tiêu diệt bởi các thuốc sát khuẩn thông thường hay ánh sáng mặt trời... Virus sởi tồn tại ở họng và cả máu bệnh nhân từ cuối thời kỳ ủ bệnh cho đến sau khi phát ban trong khoảng một thời gian ngắn. Bệnh sởi rất dễ lây lan, thường sẽ gặp ở trẻ em, gây ra hiện tượng viêm long ở kết mạc mắt, đường hô hấp, tiêu hoá và các phát ban đặc hiệu. Bệnh sởi sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề.
3. Con đường lây lan của bệnh sởi
Bệnh sởi có thể lây lan qua những con đường sau:
- Bệnh sởi lây qua đường hô hấp.
- Bệnh sởi lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện...
- Bệnh sởi lây gián tiếp ít gặp vì virus sởi dễ bị tiêu diệt ở ngoại cảnh.
Cụ thể, virus sởi tồn tại trong hàng triệu hạt nước bọt li ti từ khoang mũi và khoang miệng của người bệnh mỗi khi họ ho hoặc hắt hơi. Chúng ta có thể dễ dàng lây nhiễm sởi khi tiếp xúc với các hạt nước bọt này. Nguy cơ nhiễm bệnh cũng xảy ra nếu để tay tiếp xúc trực tiếp với một bề mặt đã chứa nhiều virus sởi rồi sau đó đưa tay lên miệng hoặc mũi. Virus sởi có thể tồn tại được trong môi trường trong vòng khoảng vài giờ đồng hồ. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus sởi sẽ nhanh chóng sinh sôi trong vòm họng và phổi trước khi lây lan ra toàn bộ cơ thể.
Những người mắc bệnh sởi có khả năng lây bệnh qua cho người khác từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên cho đến thời điểm 4 ngày sau khi vết ban đầu tiên xuất hiện. Do đó, người mắc bệnh sởi cần tránh những nơi công cộng như trường học, cơ quan... trong vòng ít nhất là 4 ngày tính từ thời điểm vết ban đầu tiên xuất hiện nhằm mục đích tránh truyền nhiễm bệnh cho người khác.
4. Triệu chứng của bệnh sởi
Khi mắc sởi, người bệnh sẽ có thời gian ủ bệnh từ 10 đến 12 ngày, sau đó bệnh mới phát tán thành các biểu hiện bệnh cụ thể. Những dấu hiệu của bệnh sởi bao gồm:
- Mắt đỏ là dấu hiệu của viêm võng mạc, mắt không chịu được ánh sáng, có hiện tượng sốt nhẹ kèm theo ho khan, ho không có đờm xuất hiện và kéo dài liên tục, chảy nước mũi...Bên trong khoang miệng, gần gò má sẽ có xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên đó là các nốt sần trắng xanh.
- Đến giai đoạn phát ban, bệnh sởi đã bắt đầu lan nhanh ra bên ngoài bằng những mảng ban to và nổi cộm lên bề mặt da tại vùng mặt, cổ cánh tay, đùi....và lan dần xuống chân.
- Trong giai đoạn người bệnh phát ban, những vết ban sẽ lan ra rất nhanh kèm theo các triệu chứng như sốt cao có khi lên đến 104 độ F. Bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi.
5. Các cách phòng tránh bệnh sởi
Để bệnh sởi không còn là nỗi lo, chúng ta nên có sự chuẩn bị tốt nhất để trẻ nhỏ tăng cường hệ miễn dịch bằng các cách phòng bệnh như sau:
- Trẻ nhỏ cần được đưa đi tiêm vacxin phòng bệnh sởi sớm nhất có thể. Khi trẻ một tuổi, cần phải cho bé đi tiêm hai mũi vacxin phòng sởi.
- Khi bé chưa đủ tuổi được tiêm vacxin, cần cho bé bú sữa mẹ càng nhiều càng tốt.vì trong sữa mẹ có kháng thể chống bệnh sởi.
- Vệ sinh thân thể thường xuyên cho các bé, nhất là việc vệ sinh răng miệng, đường hô hấp. Chú ý giữ cho bé luôn sạch sẽ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những người mắc bệnh sởi.
- Tăng cường bổ sung các vitamin, rau quả xanh để tăng sức đề kháng cho trẻ.
- Khi nghi ngờ trẻ có các biểu hiện mắc bệnh sởi, phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để chẩn đoán và điều trị.
Kết luận: Để có thể hạn chế được những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi, phụ huynh nên nhanh chóng đưa con em đi khám ngay khi phát hiện dấu hiệu của bệnh. Đồng thời, các bậc cha mẹ cần chú trọng phòng ngừa sởi bằng những phương pháp cần thiết để các bé luôn khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.