Thời gian chụp MRI sọ não kéo dài bao lâu?

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Quá trình chụp MRI sọ não sẽ khác nhau tùy vào từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên thông thường thời gian chụp cộng hưởng từ sọ não sẽ mất khoảng 20 -25 phút với các bệnh lý thông thường.

1. Chụp cộng hưởng từ sọ não là gì?

Chụp cộng hưởng từ (MRI – magnetic resonance imaging) là một kĩ thuật hình ảnh được sử dụng trong y tế dựa trên việc sử dụng từ trường nam châm và sóng vô tuyến, từ đó nhờ sự đo đạc các sóng trong quá trình phát ra và thu được, sau đó thông qua việc xử lý của máy tính để tạo ra các hình ảnh chi tiết của cơ quan và mô trong cơ thể người bệnh, hoặc cũng có thể dựa vào sự xử lý của máy tính tạo ra hình ảnh 3D với nhiều hướng quan sát khác nhau.

Chụp cộng hưởng từ sọ não là sử dụng máy cộng hưởng từ để tái tạo các hình ảnh chi tiết về bộ não, các cấu trúc trong hộp sọ của người bệnh, khi đó thông qua sự phân tích hình ảnh và bệnh học, các bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về sự phát triển bình thường hay bất thường của các cấu trúc trong hộp sọ và thậm chí là cả các cấu trúc trong các xoang và trong da của người bệnh


Chụp cộng hưởng từ sọ não
Chụp cộng hưởng từ sọ não

2. Chụp cộng hưởng từ sọ não có nguy hiểm không?

Chụp cộng hưởng từ sọ não không nguy hiểm vì:

  • Đây là một kĩ thuật không xâm lấn
  • Vì chụp cộng hưởng từ dựa trên sự phát sóng vô tuyến và trong từ trường nam châm, vì vậy người bệnh sẽ không bị bị ảnh hưởng bởi tia xạ như trong chụp X quangcắt lớp vi tính, kỹ thuật này đã được chứng minh là hoàn toàn vô hại đối với sức khỏe
  • Ngày nay, cộng hưởng từ cũng là một kĩ thuật mang lại sự chính xác cao trong sự nghiên cứu, đánh giá sự phát triển bình thường hay bất thường của thai nhi, bao gồm cả hệ thần kinh thai nhi.

3. Khi nào nên chụp cộng hưởng từ sọ não? Chụp cộng hưởng từ sọ não để làm gì?

Chụp cộng hưởng từ sọ não được chỉ định rộng rãi khi bác sĩ nghi ngờ có tổn thương của các cấu trúc, cơ quan và bệnh lý vùng đầu:


Chụp cộng hưởng từ sọ não khi bạn cảm thấy đau đầu
Chụp cộng hưởng từ sọ não khi bạn cảm thấy đau đầu

Các chống chỉ định của chụp cộng hưởng từ sọ não cũng giống như chống chỉ định chụp cộng hưởng từ các cơ quan khác, bao gồm:

  • Chống chỉ định tuyệt đối: Máy tạo nhịp tim, mảnh đạn (đặc biệt là mảnh đạn trong hốc mắt, phổi...), các thiết bị cấy ghép điện tử: máy trợ thính và/hoặc cấy điện cực ốc tai, bơm Insulin...
  • Chống chỉ định tương đối: Người sợ phòng kín, đinh nội tủy – vật liệu kết hợp xương bằng kim loại, clip phẫu thuật (sau mổ phình mạch não – u não), răng giả, hình xăm...

Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học một số chống chỉ định không còn là tuyệt đối. Vì vậy khi bạn có bất kỳ dụng cụ cấy ghép nào hay đã phẫu thuật trước đó hãy thông báo cho bác sĩ của bạn.

4. Thời gian chụp cộng hưởng từ sọ não là bao lâu?

Với mỗi bệnh lý khác nhau sẽ có thời gian chụp khác nhau, tuy nhiên thông thường thời gian chụp cộng hưởng từ sọ não sẽ mất khoảng 20 -25 phút với các bệnh lý thông thường.

Khi rút ngắn thời gian chụp sẽ làm chất lượng và độ phân giải của ảnh kém đi gây khó khăn thêm cho chẩn đoán của bác sĩ. Vì vậy, các bác sĩ sẽ chỉ cân nhắc rút ngắn thời gian chụp khi thực sự cần thiết và đảm bảo chất lượng cho hình ảnh nhằm đưa ra kết quả chính xác nhất có thể.

Ngày nay với sự phát triển của khoa học có các kĩ thuật làm giảm tiếng ồn trong thăm khám cộng hưởng từ - MRI silent cũng làm kéo dài thêm thời gian thăm khám (thông thường sẽ thêm khoảng 5-10 phút). Trong trường hợp bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hay bác sĩ khám nghi ngờ các tổn thương liên quan đến viêm, u... có thể cần kiểm tra thêm và thời gian có thể kéo dài đến 40-50 phút, trong trường hợp cần tiêm thuốc để làm rõ thêm tổn thương có thể kéo dài hơn. Trong trường hợp đó bác sĩ chẩn đoán hình ảnh hoặc kỹ thuật viên hình ảnh sẽ thông báo và giải thích cho người bệnh.


Thông thường chụp cộng hưởng từ sọ não sẽ mất khoảng 20 -25 phút
Thông thường chụp cộng hưởng từ sọ não sẽ mất khoảng 20 -25 phút

5. Quy trình chụp cộng hưởng từ sọ não như thế nào, chuẩn bị ra sao?

  • Bước 1: Người bệnh đến gặp bác sĩ, các sĩ sẽ thăm khám, đưa ra chẩn đoán sơ bộ và đưa ra yêu cầu chụp cộng hưởng từ sọ não và sẽ kiểm tra những yếu tố về an toàn trong khi chụp cộng hưởng từ: Tiền sử đặt các dụng cụ cấy ghép như máy tạo nhịp tim, điện cực ốc tai hay tiền sử phẫu thuật: đinh nội tủy...
  • Bước 2: Người bệnh được hướng dẫn đến nơi thực hiện chụp, tại đây các nhân viên và bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ tiến hành các bước thăm khám cộng hưởng từ bao gồm: Kiểm tra lại vấn đề an toàn của người bệnh một lần nữa, tại đây cũng có thiết bị để dò kim loại có thể còn mang trên người của người bệnh. Giải thích 1 lần nữa về yêu cầu chụp và thời gian chụp, về tiếng ồn trong quá trình chụp.
  • Bước 3: Người bệnh sẽ được thay đồ và đặt đường truyền tĩnh mạch chờ (trường hợp cần tiêm thuốc – cũng có thể chỉ tiến hành trong lúc chụp - khi bác sĩ xác định người bệnh cần tiêm thuốc).
  • Bước 4: Người bệnh vào phòng chụp và máy chụp, chỉ cần nằm yên trên bàn chụp và làm theo hướng dẫn của kỹ thuật viên chụp – phối hợp trong trường hợp cần tiêm thuốc. Thông thường, người bệnh chỉ cần nằm yên, nếu tiếng ồn không phải là vấn đề lớn thì người bệnh có thể chợp mắt trong giây lát.
  • Bước 5: Kết thúc quá trình chụp, kỹ thuật viên sẽ đưa người bệnh ra khỏi phòng chụp, hướng dẫn thay đồ và đợi kết quả. Thông thường, sẽ mất khoảng 1 giờ sau chụp để có được kết quả, trong trường hợp phức tạp cần hội chẩn thì thời gian trả kết quả có thể kéo dài hơn 30 phút đến 1 giờ hoặc cũng có thể vài ngày (mục đích đưa ra kết quả chính xác nhất).

Bệnh nhân chụp cộng hưởng từ sọ não tại Bệnh viện Vinmec
Bệnh nhân chụp cộng hưởng từ sọ não tại Bệnh viện Vinmec

6. Chụp cộng hưởng từ sọ não có cần tiêm thuốc không?

Tiêm thuốc khi nào: Thông thường chụp cộng hưởng từ sọ não sẽ không cần tiêm thuốc. Chỉ đối với một số trường hợp cụ thể, nhất định người bệnh sẽ cần phải tiêm thuốc khi chụp khi bác sĩ nghi ngờ tổn thương: viêm, u, tổn thương mạch máu (dị dạng, bóc tách mạch máu trong chấn thương...).

Mục đích tiêm thuốc trong chụp cộng hưởng từ sọ não: nhằm làm rõ thêm tổn thương, xác định thêm về tính chất lành tính, ác tính, viêm... của tổn thương.

Thuốc được sử dụng trong tất cả các thăm khám cộng hưởng từ được gọi chung là các thuốc đối quang từ. Đây là các chế phẩm chứa gadolinium. Và cho đến nay tác dụng bất lợi duy nhất của loại thuốc này được biết liên quan đến bệnh lý xơ hóa nguồn gốc thận, tuy nhiên rất hiếm chỉ xảy ra ở nhóm nhỏ bệnh nhân đã có suy thận trước đó. Đối với người có chức năng thận bình thường, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng giữa việc tiêm thuốc đối quang từ với tình trạng bệnh lý trên. Trong trường hợp bạn có suy thận trước đó, các bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc giảm liều khi tiêm.


Thông thường chụp MRI sọ não không cần tiêm thuốc
Thông thường chụp MRI sọ não không cần tiêm thuốc

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe