Thoái hóa khớp và mất ngủ là hai vấn đề sức khỏe phổ biến có mối liên hệ chặt chẽ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Khi các khớp bị tổn thương, cơn đau kéo dài thường xuất hiện vào ban đêm, làm gián đoạn giấc ngủ. Mất ngủ kéo dài không chỉ làm bệnh thoái hóa khớp trở nên trầm trọng hơn mà còn gây suy giảm sức khỏe tổng thể.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về thoái hoá khớp
1.1 Thoái hóa khớp là gì?
Bệnh thoái hóa khớp xảy ra khi sụn khớp – bộ phận giúp bảo vệ và giảm ma sát giữa các đầu xương – bị bào mòn và hư hỏng. Điều này làm tổn thương các mô xung quanh và giảm lượng dịch nhầy bôi trơn trong khớp, khiến các cử động trở nên khó khăn và đau nhức.
Thoái hóa khớp là dạng tổn thương phổ biến, có thể ảnh hưởng đến nhiều đối tượng. Tại Việt Nam, khoảng 30% người trên 35 tuổi mắc thoái hóa khớp. Con số này tăng lên 60% ở độ tuổi trên 65 và lên tới 85% ở những người trên 85 tuổi.
Thoái hóa khớp không chỉ đơn giản là tình trạng sụn bị hao mòn, mà còn là một bệnh lý phức tạp ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc khớp, bao gồm sụn, xương, mô liên kết và lớp niêm mạc bảo vệ. Sụn là một mô trơn và cứng, giúp các khớp vận động mà không bị ma sát. Sự phân huỷ của sụn đóng vai trò then chốt trong quá trình thoái hoá. Khi sụn bị bào mòn và suy yếu, các đầu xương cọ xát trực tiếp vào nhau, gây đau và làm hư hại khớp nặng hơn.

1.2 Triệu chứng thoái hoá khớp
Các triệu chứng của bệnh thoái hóa khớp thường xuất hiện từ từ và trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến:
- Đau nhức: Cảm giác đau tại khớp bị ảnh hưởng, đặc biệt là trong và sau khi vận động. Ban đầu, cơn đau có thể giảm sau khi nghỉ ngơi nhưng theo thời gian, cơn đau kéo dài và nghiêm trọng hơn.
- Cứng khớp: Triệu chứng này thường xuất hiện rõ rệt vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc sau một thời gian ngồi yên, khiến khớp khó cử động linh hoạt.
- Tiếng kêu ở khớp: Khi vận động, người bệnh có thể nghe thấy các âm thanh như lộp cộp hoặc lách cách, kèm theo cảm giác nóng rát ở khớp.
- Teo cơ, sưng tấy: Bệnh thoái hóa khớp kéo dài có thể gây sưng khớp và biến dạng vùng khớp hoặc cơ xung quanh. Việc không vận động trong thời gian dài cũng làm cơ teo nhỏ, thậm chí gây lệch trục khớp như đầu gối bị lệch.
1.3 Nguyên nhân thoái hóa khớp
Các nguyên nhân gây thoái hóa khớp được chia thành hai nhóm chính: nguyên phát và thứ phát.
Nguyên nhân nguyên phát:
- Lão hóa: Quá trình lão hóa tự nhiên làm giảm chất lượng và số lượng protein trong sụn, khiến sụn mất đi tính đàn hồi và khả năng chịu lực. Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp càng tăng.
- Hoạt động lặp đi lặp lại: Việc sử dụng khớp thường xuyên hoặc lặp đi lặp lại trong thời gian dài có thể dẫn đến tổn thương sụn, làm gia tăng ma sát và gây đau trong khớp.
Nguyên nhân thứ phát:
- Yếu tố di truyền
- Thừa cân, béo phì..
- Chấn thương khớp, chẳng hạn như rách sụn hoặc gãy xương gần khớp..
- Sử dụng khớp quá mức (thường gặp ở những người lao động tay chân hoặc công nhân xây dựng).
- Các bệnh như viêm khớp dạng thấp hoặc các tình trạng liên quan cũng làm cho khớp trở nên dễ thoái hóa hơn.

2. Mối liên hệ giữa thoái hóa khớp và mất ngủ
Giấc ngủ sâu đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe, nhưng với những người mắc bệnh thoái hóa khớp (OA), điều này trở nên khó khăn hơn vì những cơn đau nhức hành hạ không ngừng. Cơn đau nhức ở hông hoặc đầu gối khiến việc tìm tư thế ngủ thoải mái trở nên khó khăn và cơn đau kéo dài có thể làm họ thức giấc giữa đêm hoặc không thể nào ngủ lại.
Ngoài ra, nhiều người mắc bệnh thoái hóa khớp còn gặp phải các rối loạn giấc ngủ, kèm theo các vấn đề tâm lý như lo âu và trầm cảm, khiến tình trạng mất ngủ càng nghiêm trọng hơn. Theo nghiên cứu, khoảng 30% người mắc bệnh thoái hóa khớp gối gặp khó khăn khi ngủ và tỷ lệ này tăng lên hơn 80% ở những người bị viêm khớp nặng.
Bên cạnh đó, các rối loạn giấc ngủ như mất ngủ mãn tính, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và hội chứng chân không yên thường xuất hiện phổ biến hơn ở những người mắc viêm khớp, theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Chăm sóc Cơ xương Khớp.
Mặc dù có thể kiểm soát cơn đau trong ngày, nhiều bệnh nhân viêm khớp lại thấy tình trạng đau nhức trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm. Các chuyên gia lý giải rằng tình trạng cứng khớp thường gia tăng khi nghỉ ngơi, làm cho người bệnh bị khó chịu và chất lượng giấc ngủ bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh thoái hóa khớp và mất ngủ không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn gây lo âu, trầm cảm. Rối loạn giấc ngủ làm tăng mức độ đau, hạn chế vận động và có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn.
3. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp và mất ngủ
Bệnh thoái hóa khớp và mất ngủ thường đi đôi với nhau. Các yếu tố như đau khớp mãn tính, cứng khớp vào buổi sáng, lo lắng về tình trạng bệnh, sử dụng thuốc giảm đau có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến giấc ngủ, khiến tình trạng mất ngủ trở nên phổ biến hơn ở những người mắc bệnh thoái hóa khớp.
3.1. Lối sống ít vận động
Nghỉ ngơi là điều cần thiết cho người bệnh viêm khớp, tuy nhiên, nếu nghỉ ngơi quá mức, tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn. Việc thiếu vận động dễ dẫn đến đau nhức, cứng khớp, giảm khả năng vận động và thậm chí gây tăng cân, làm tăng thêm áp lực lên các khớp bị tổn thương.
Ngược lại, việc duy trì hoạt động thể chất ở mức độ vừa phải giúp hỗ trợ giảm đau hiệu quả và cải thiện tình trạng thoái hoá khớp và mất ngủ.

3.2. Lo lắng
Việc lo lắng quá mức về cơn đau và tình trạng sức khỏe có thể làm cho bệnh thoái hoá khớp trở nên trầm trọng hơn. Khi chúng ta cứ suy nghĩ tiêu cực về cơn đau, cảm giác đau sẽ càng trở nên rõ rệt hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra những vấn đề về tinh thần như lo âu, trầm cảm.
3.3. Nhạy cảm với cơn đau
Một số người mắc thoái hoá khớp có thể gặp phải tình trạng nhạy cảm với cơn đau, do hệ thần kinh trung ương xử lý tín hiệu đau không chính xác. Điều này khiến người bệnh vẫn cảm thấy đau, ngay cả khi các triệu chứng viêm khớp đã được kiểm soát hiệu quả.
3.4. Ngưng thở khi ngủ
Ngưng thở khi ngủ là tình trạng người bệnh ngừng thở đột ngột trong giấc ngủ, gây gián đoạn giấc ngủ và dẫn đến cảm giác mệt mỏi, uể oải vào ban ngày. Theo nghiên cứu, tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn ở những người mắc viêm khớp so với những người không bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này.
Việc điều trị các vấn đề về giấc ngủ ở người mắc bệnh thoái hóa khớp không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày mà còn góp phần giảm cảm giác đau và cải thiện sức khỏe toàn diện. Nếu đang gặp khó khăn do thoái hoá khớp và mất ngủ, mọi người hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng của mình.
4. Điều trị
Điều trị thoái hóa khớp và mất ngủ cần dựa trên nguyên nhân cụ thể của từng trường hợp. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến mà người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để lựa chọn hướng điều trị phù hợp:
4.1. Giảm đau
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là một trong những lựa chọn phổ biến để giảm đau và cứng khớp do bệnh thoái hóa khớp. Các loại thuốc NSAID thường được sử dụng bao gồm aspirin, ibuprofen, meloxicam, naproxen và celecoxib, giúp kiểm soát triệu chứng của người bệnh.
Người bệnh có thể dùng NSAID khoảng một giờ trước khi đi ngủ để thuốc có thời gian phát huy hiệu quả, giúp giảm đau và hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đảm bảo thuốc không ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ hoặc gây ra các vấn đề sức khỏe khác.
4.2. Sử dụng thuốc hỗ trợ giấc ngủ theo toa
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngủ theo toa, chẳng hạn như Ambien (zolpidem) hoặc Lunesta (eszopiclone), để cải thiện chất lượng giấc ngủ. Đồng thời, người bệnh nên thông báo đầy đủ với bác sĩ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, bao gồm các loại thuốc điều trị thoái hóa khớp và mất ngủ khác, nhằm tránh các tương tác thuốc không mong muốn.
4.3. Điều trị mất ngủ mãn tính
Khi trầm cảm và lo lắng khiến giấc ngủ trở nên khó khăn, việc tìm đến sự giúp đỡ của chuyên gia sức khỏe tâm thần là rất quan trọng. Các chuyên gia sẽ giúp người bệnh tìm ra những nguyên nhân gây mất ngủ và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp, chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức dành cho chứng mất ngủ (CBT-I). Phương pháp này sẽ giúp giảm bớt lo lắng, thay đổi những suy nghĩ tiêu cực về giấc ngủ, từ đó cải thiện chất lượng giấc ngủ.
4.4. Thuốc điều trị trầm cảm và lo âu
Bác sĩ có thể kê đơn các loại thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống lo âu để giảm các triệu chứng tâm lý, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Việc sử dụng thuốc cần được giám sát cẩn thận để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
4.5. Điều trị chứng ngưng thở khi ngủ
Nếu mất ngủ do ngưng thở khi ngủ, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng máy CPAP hoặc các thiết bị định vị lại xương hàm dưới để duy trì đường thở thông thoáng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được đề xuất để giải quyết vấn đề.

Tóm lại, bệnh thoái hóa khớp không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động mà còn gây mất ngủ, làm giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe tổng thể của người bệnh. Để cải thiện tình trạng thoái hóa khớp và mất ngủ, cần có sự kết hợp giữa kiểm soát triệu chứng, thay đổi lối sống và chăm sóc giấc ngủ đúng cách. Tham khảo ý kiến bác sĩ sớm sẽ giúp người bệnh tìm được phương pháp điều trị phù hợp, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.