Cophamlox là thuốc được sử dụng khá phổ biến trong việc giảm đau, hạ sốt, chống viêm nhiễm. Tuy nhiên nhiều người còn rất mơ hồ và chưa hiểu rõ về thành phần, công dụng hay những lưu ý quan trọng khi dùng loại thuốc này.
1. Thuốc Cophamlox là gì?
Cophamlox là thuốc được sản xuất và phân phối bởi Chi nhánh công ty CP Armephaco - Xí nghiệp dược phẩm 150 - VIỆT NAM, với tác dụng chính là giảm đau, hạ sốt và chống viêm.
- Tên thuốc: Cophamlox.
- Thành phần: Hoạt chất Meloxicam 7,5mg và tá dược vừa đủ.
- Dạng bào chế: Viên nén.
- Quy cách đóng gói: Gồm dạng hộp 10 vỉ nhôm/nhôm x 10 viên nén, hộp 10 vỉ nhôm/PVC x 10 viên nén và dạng chai 100 viên nén, chai 200 viên nén.
- Hạn sử dụng: 30 tháng.
- Công ty sản xuất: Chi nhánh công ty CP Armephaco - Xí nghiệp dược phẩm 150 - VIỆT NAM.
- Công ty đăng ký: Chi nhánh công ty CP Armephaco - Xí nghiệp dược phẩm 150 - VIỆT NAM.
2. Thuốc Cophamlox có tác dụng gì?
2.1. Công dụng thuốc Cophamlox
Meloxicam là thuốc không steroid có khả năng kháng viêm, đồng thời còn là dẫn xuất của oxicam, nhờ đó mà mang lại hiệu quả cao trong việc kháng viêm, hạ sốt, giảm đau. Cơ chế tác động chung của nó là dựa vào việc ức chế sinh tổng hợp các prostaglandin - chất trung gian hoá học gây ra viêm nhiễm, sốt và đau nhức.
Thuốc được hấp thụ tốt thông qua đường tiêu hoá, theo nghiên cứu sinh khả dụng đường uống đạt tới 89% so với đường tiêm tĩnh mạch. Đồng hời thức ăn cũng rất ít gây ảnh hưởng tới quá trình hấp thu thuốc.
2.2. Chỉ định thuốc Cophamlox
Đối tượng được chỉ định sử dụng thuốc Cophamlox gồm có:
Người cần điều trị các bệnh viêm khớp;
Điều trị triệu chứng của các bệnh viêm xương khớp ngắn hạn;
Viêm cứng khớp cột sống.
Điều trị dài ngày đối với bệnh thoái hóa khớp và các bệnh khớp mạn tính khác.
2.3. Chống chỉ định thuốc Cophamlox
Một số trường hợp sau đây được chống chỉ định sử dụng thuốc Cophamlox:
- Người bệnh bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với Meloxicam hay các loại thuốc kháng viêm không steroid khác.
- Không dùng thuốc cho người bệnh từng có dấu hiệu phù mạch, hen, polyp mũi hoặc nổi mề đay sau khi dùng thuốc kháng viêm không steroid khác hay aspirin.
- Không dùng cho người bệnh bị loét dạ dày tá tràng tiến triển, rối loạn xuất huyết hoặc suy gan nặng không được thẩm phân.
- Không dùng cho trẻ nhỏ dưới 15 tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ.
Ngoài ra người bệnh cần lưu ý, người mẫn cảm, dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc thì không được dùng thuốc. Các trường hợp khác cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ hoặc quy định tại tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Chống chỉ định dành cho Cophamlox phải được chống chỉ định tuyệt đối, không vì bất kỳ lý do nào mà có thể linh động dùng thuốc.
3. Liều dùng và cách dùng thuốc Cophamlox
3.1. Liều dùng thuốc Cophamlox
Thuốc Cophamlox được sử dụng qua đường uống với liều lượng cho từng trường hợp cụ thể như sau:
- Viêm khớp dạng thấp: Sử dụng với liều thông thường là 2 viên/ngày, uống 1 lần duy nhất trong ngày.
- Cơn cấp của bệnh viêm xương khớp: Sử dụng 1 viên/ngày, nếu cần có thể tăng liều lên 2 viên/ngày, uống 1 lần duy nhất trong ngày.
- Viêm cứng khớp sống: Sử dụng với liều thông thường là 2 viên/ngày, nếu dùng dài ngày đối với người có tuổi thì nên dùng liều 1 viên/ngày.
- Suy gan, suy thận: Trong trường hợp bệnh nhẹ và vừa không cần điều chỉnh liều, nếu mức độ nặng thì không dùng.
- Người bệnh suy thận phải chạy thận: Không dùng quá 1 viên/ngày.
- Trẻ nhỏ dưới 18 tuổi: Chưa có liều cụ thể nên chỉ sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
Người bệnh cần áp dụng theo đúng liều dùng của thuốc được ghi trên tờ hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ định của dược sĩ, bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý áp dụng, tính toán hoặc thay đổi liều dùng.
3.2. Xử lý khi quên liều, quá liều Cophamlox
Quá liều
Khi sử dụng thuốc quá liều so với liều lượng được quy định, người bệnh cần dừng uống và báo ngay cho bác sĩ, dược sĩ để có cách xử lý phù hợp. Đồng thời theo dõi chặt chẽ các biểu hiện bất thường nhằm tránh các tình huống nguy hiểm.
Quên liều
Thông thường, thuốc có thể uống trong khoảng 1 - 2 giờ so với quy định được nêu trong đơn thuốc. Trừ các trường hợp có yêu cầu nghiêm ngặt về thời gian sử dụng thì có thể uống sau một vài tiếng khi nhớ ra. Tuy nhiên, khi nhớ ta đã gần với thời gian uống liều kế tiếp, người bệnh nên bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như kế hoạch, không nên uống gấp đôi để bù, vì có nguy cơ gây nguy hiểm cho cơ thể.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cophamlox
4.1. Tác dụng phụ thuốc Cophamlox
Trong quá trình sử dụng Cophamlox, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau đây:
- Thường gặp: Buồn nôn, nôn mửa, khó tiêu, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy, ngứa, nổi phát ban, thiếu máu, choáng váng, đau đầu, phù nề.
- Ít gặp: Ợ hơi, viêm miệng, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản, xuất huyết đường tiêu hoá, nổi mề đay, có thể khởi phát cơn hen cấp, tăng huyết áp, đỏ bừng mặt, đánh trống ngực, chóng mặt, ù tai.
- Hiếm gặp: Viêm trực tràng, thủng dạ dày, trở nên nhạy cảm với ánh sáng.
Thông thường, các tác dụng phụ này sẽ biến mất sau khi người bệnh ngưng dùng thuốc. Nếu xuất hiện tác dụng phụ hiếm gặp chưa được đề cập tới ở trên hoặc nghi ngờ về tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần báo ngay với bác sĩ hoặc nhân viên y tế.
4.2. Thận trọng thuốc Cophamlox
Cần thận trọng trong trường hợp:
- Người bệnh có tiền sử bị bệnh đường tiêu hoá trên, đang phải điều trị bằng thuốc kháng đông và có phản ứng ngoại ý trên da.
- Người bệnh có nguy cơ giảm lưu lượng máu thận và thể tích máu như: Xơ gan, suy tim, bệnh thận nặng, chứng thận hư, đang tiến hành các cuộc phẫu thuật lớn hoặc dùng thuốc lợi tiểu thì cần kiểm tra chức năng thận và thể tích nước tiểu trước khi dùng thuốc.
- Người lái tàu xe, vận hành máy móc khi dùng thuốc có thể gây choáng váng, chóng mặt, buồn ngủ.
4.3. Tương tác thuốc
- Dùng chung với các thuốc kháng viêm không steroid khác ở liều cao có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày - tá tràng và chảy máu.
- Dùng chung với các loại thuốc chống đông máu dạng uống có thể làm tan khối huyết (ticlopidine, heparin), tăng nguy cơ chảy máu.
- Dùng chung với lithium sẽ làm tăng nồng độ lithium có trong huyết tương.
- Dùng chung với methotrexat sẽ làm tăng độc tính trên hệ tạo máu.
- Dùng thuốc khi đang đặt vòng tránh thai sẽ làm giảm hiệu quả tránh thai.
- Dùng chung với thuốc lợi niệu sẽ khiến tăng khả năng suy thận cấp ở các bệnh nhân mất nước.
- Không nên dùng chung với thuốc hạ huyết áp như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn, thuốc giãn mạch bởi có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp.
- Cholestyramine liên kết với trong ống tiêu hoá sẽ làm tăng khả năng thải trừ meloxicam.
- Dùng chung với Meloxicam gây tăng độc tính trên thận của cyclosporin.
- Dùng chung với Warfarin sẽ làm tăng quá trình chảy máu.
- Dùng chung với Furosemid và thiazid sẽ làm giảm tác dụng lợi niệu của những thuốc này.
Ngoài ra, cần cân nhắc sử dụng thuốc chung với thuốc lá, rượu bia, đồ uống có cồn hoặc thực phẩm lên men. Bởi những tác nhân kể trên có thể làm thay đổi thành phần có trong thuốc.
Trên đây là những thông tin quan trọng về công dụng thuốc Cophamlox cũng như thành phần, cách dùng và lưu ý quan trọng mà bạn cần nhớ rõ. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người bệnh nên đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ, nhân viên y tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.