Bài viết được viết bởi Bác sĩ chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Thoái hoá đốt sống cổ chèn dây thần kinh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán, điều trị dứt điểm bệnh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh. Sớm xác định nguyên nhân chèn ép dây thần kinh cổ sẽ giúp tăng khả năng điều trị lên đến 80%.
1.Thoái hoá đốt sống cổ là gì?
Thoái hóa đốt sống cổ là một căn bệnh phổ biến, chúng gây nhiều đau đớn và khó chịu cho làm giảm khả năng vận động của người bệnh.
Đây là tình trạng bệnh lý liên quan đến sự suy thoái các đốt sống vùng cổ do nhiều nguyên nhân gây nên. Bệnh thường gặp nhất ở những người lớn tuổi do sự lão hóa của các xương và sụn vùng đốt sống cổ. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể xảy ra ở các lứa tuổi khác nếu có xuất hiện nguyên nhân gây nên bệnh. Hiện nay, thoái hóa cột sống cổ đang có xu hướng trẻ hóa do nhiều thói quen của giới trẻ.
Bình thường khi lớn tuổi thì đĩa đệm cột sống cũng mất nước dần, giảm chiều cao, lồi ra và trở nên cứng hơn. Khi đó thân các đốt sống kế cận áp sát vào nhau, tạo ra các gai xương quanh đĩa đệm để tăng độ vững chắc cho nó. Nhưng chính các gai xương thoái hóa này cũng làm hạn chế vận động cột sống cổ, hẹp lỗ liên hợp và chèn ép rễ thần kinh gây đau cổ - vai xuống cánh tay – bàn tay.
2.Triệu chứng của thoái hoá đốt sống cổ
Khi rễ thần kinh bị chèn ép ở cổ sẽ làm bệnh nhân đau từ cổ lan xuống vai, cánh tay theo phân bố rễ thần kinh bị tổn thương (sơ đồ trên). Kèm theo rối loạn cảm giác như châm chích, tê bì.
Bệnh nhân có thể bị yếu, liệt tay. Các triệu chứng này có thể nặng lên khi bệnh nhân thực hiện các động tác như duỗi cánh tay, căng cơ cổ, xoay đầu. Thường bệnh nhân dễ chịu hơn khi đưa tay lên đầu và căng vai.
3.Thoái hóa đốt sống cổ chèn ép dây thần kinh nào?
Thông thường, tình trạng thoái hóa cột sống cổ chèn ép dây thần kinh sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các bộ phận như:
- Dây thần kinh cổ: Tại cổ, có nhiều mạch máu được kết nối với nhau; khiến người bệnh cảm thấy đau, tê mỏi vùng vai gáy. Thậm chí, ngay cả khi không cử động, cơn đau cũng nhức nhối khiến người bệnh suy nhược, mệt mỏi.
- Dây thần kinh cổ và cánh tay: Bộ phận tay bao gồm cổ tay, cánh tay, ngón tay và bắp tay có sự liên hệ bởi hệ thống dây thần kinh chặt chẽ, phức tạp. Khi dây thần kinh ở bất cứ bộ phận nào bị tổn thương cũng có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ vùng tay. Khi mắc chứng bệnh này, đa phần mọi người sẽ cảm thấy đau nhức, ngứa, mất cảm giác, khó cầm nắm và thậm chí là teo cơ nếu không được chữa dứt điểm.
4.Chẩn đoán thoái hoá đốt sống cổ
Sau khi bệnh nhân được hỏi kỹ về triệu chứng, diễn tiến bệnh, bệnh nhân được bác sĩ kiểm tra vận động, cảm giác, các phản xạ và các nghiệm pháp căng cột sống cổ. Tìm các cử động, tư thế gây đau theo phân bố rễ thần kinh cũng như các tư thế giúp bệnh nhân giảm đau. Từ đó, giúp đưa ra nhận định ban đầu vị trí và mức độ tổn thương để hướng tới thực hiện một số chỉ định cận lâm sàng giúp chẩn đoán chính xác bệnh và chọn lựa phương pháp điều trị.
Các xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán thoái hoá cột sống cổ bao gồm:
4.1 Chụp X quang
Giúp đánh giá đường cong sinh lý cột sống, có thể thấy được các gai xương thoái hóa, hẹp đĩa đệm, hẹp lỗ liên hợp.
4.2 Chụp điện toán cắt lớp (CT Scanner)
Cho hình ảnh chi tiết hơn, có thể thấy gai xương, đặc biệt ở lỗ liên hợp.
4.3 Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Cho thấy rõ cấu trúc rễ thần kinh, tủy sống, đĩa đệm. Cho thấy rễ thần kinh nào bị chèn ép, mức độ chèn ép ra sao. Giúp bác sĩ định khu tổn thương để phẫu thuật chính xác.
4.4 Đo điện cơ và sự dẫn truyền thần kinh
Giúp phân biệt triệu chứng do chèn ép thần kinh với các tổn thương thần kinh do bệnh lý nội khoa khác như bệnh tiểu đường.
5.Điều trị thoái hoá đốt sống cổ
Nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh lý rễ cổ nhẹ có khuynh hướng giảm dần theo thời gian, không cần mổ, thậm chí không cần điều trị gì.
Một số bệnh nhân triệu chứng đau tự biến mất nhanh chóng sau vài ngày hay vài tuần, một số bệnh nhân khác bị đau kéo dài. Nhiều trường hợp bệnh tái phát sau một thời gian và lại cũng có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Một số bệnh nhân đau cổ, lan xuống vai, cánh tay tiến triển nặng dần và có thể kèm theo yếu liệt chi cần phải khám và điều trị.
5.1 Điều trị bảo tồn
Khi bệnh nhân chưa đau nặng và chưa có biến chứng yếu liệt chi áp dụng:
Nẹp cổ mềm: Giúp các cơ cổ nghỉ ngơi và hạn chế vận động. Điều này làm giảm chèn ép thần kinh ở cổ khi vận động. Chỉ nên mang một thời gian ngắn khi đau, vì nếu mang lâu sẽ làm suy yếu cơ cổ.
Vật lý trị liệu: Giúp bệnh nhân giảm bớt tình trạng căng cơ cổ, giảm đau, tăng cường sức mạnh khối cơ. Có thể áp dụng các biện pháp như kéo cột sống cổ, chiếu đèn, tập vận động trị liệu ...
Thuốc:
- Các thuốc kháng viêm không corticoid: Giúp giảm đau, giảm viêm và giảm phù nề thần kinh bị tổn thương.
- Các corticosteroid uống: Dùng thời gian ngắn cũng giúp giảm phù nề và giảm đau.
- Thuốc an thần: Chỉ dùng một thời gian ngắn cho những trường hợp đau nặng, không đáp ứng với các thuốc khác.
- Tiêm thuốc vào cột sống: Dùng corticosteroid tiêm quanh rễ thần kinh bị tổn thương (tiêm ngoài màng cứng, vào lỗ liên hợp hoặc mấu khớp bên) để làm tăng hiệu quả các thuốc kháng viêm.
5.2 Điều trị phẫu thuật
Chỉ định mổ khi bệnh nhân đau kéo dài, nặng dần không đáp ứng điều trị bảo tồn. Mục tiêu của phẫu thuật là giải ép rễ thần kinh, làm vững cột sống và điều chỉnh sự thẳng trục cột sống.
Các phương pháp mổ cho bệnh lý rễ cổ bao gồm:
5.2.1 Cắt đĩa đệm giải chèn ép rễ thần kinh và hàn xương liên thân đốt lối trước
Phẫu thuật này hay làm nhất, giúp giải ép rễ thần kinh bị chèn ép, tạo sự thẳng hàng cột sống, hàn xương liên thân đốt (dùng nêm PEEK có xương ghép hoặc không, hoặc dùng xương ghép tự thân lấy từ mào chậu của chính bệnh nhân).
Nếu chỉ thoát vị đĩa đệm cột sống cổ 1 hoặc tối đa 2 tầng, không có các tổn thương khác kèm theo như gai thoái hóa chèn ép thần kinh, cốt hóa dây chằng dọc sau, hẹp ống sống, chèn ép tủy do phì đại dây chằng vàng, hẹp ống sống cổ bẩm sinh ... thì phẫu thuật này cho tỉ lệ thành công cao, ít tai biến - biến chứng.
5.2.2 Phẫu thuật lấy nhân thoát vị, giải ép thần kinh lối sau qua nội soi
Đây là phẫu thuật khó, đòi hỏi phẫu thuật viên giỏi, nhiều kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu thì mới thực hiện được. Nguy cơ tai biến cao nếu thiếu kinh nghiệm, không khéo léo.
5.2.3 Mở rộng bản sống và lỗ liên hợp lối sau
Qua đường mổ dọc giữa phía sau cắt bỏ một phần bản sống và mở rộng lỗ liên hợp, giải ép rễ thần kinh mà không hàn xương. Thông qua đường mổ này có thể lấy nhân thoát vị. Thường dùng cho những trường hợp thoái hóa cột sống cổ làm hẹp lỗ liên hợp. Tuy nhiên, cũng khó thực hiện và chỉ áp dụng hạn hẹp cho một số ít trường hợp khối thoát vị dễ lấy.
5.2.4 Thay đĩa đệm nhân tạo
Loại bỏ mô đĩa đệm bị thoái hóa thoát vị và thay bằng một bản đệm nhân tạo, có thể cử động xoay được. Điều này giúp 2 đốt sống không bị hàn cứng và giữ được cử động cho bệnh nhân, đồng thời cũng giữ được độ cong tự nhiên của cột sống cổ. Thực hiện thông qua đường mổ lối trước. Tuy nhiên, ngày nay ít được dùng do gây nhiều biến chứng sau một thời gian theo dõi.
5.2.5 Phẫu thuật tạo hình bản sống lối sau
Áp dụng trong trường hợp thoát vị đĩa đệm nhiều tầng, có các tổn thương khác kèm theo như cốt hóa dây chằng dọc sau, chèn ép tổn thương tủy sống do phì đại dây chằng vàng, hẹp ống sống cổ bẩm sinh.
Hầu hết trường hợp bệnh lý rễ cổ nặng đều có thể giải quyết bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, bác sĩ phẫu thuật phải hết sức cẩn thận và có kinh nghiệm, để tránh những nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng, chảy máu, tổn thương thần kinh, tổn thương tủy, phản ứng thuốc gây mê, rách màng cứng gây rò dịch não tủy, tổn thương vùng hầu họng làm thay đổi giọng nói, khó nuốt sau mổ ... Một số trường hợp bệnh nhân không cải thiện triệu chứng sau mổ và đôi khi phải chịu thêm một cuộc mổ nữa.
Phục hồi chức năng sau mổ: Sau mổ thường bệnh nhân được khuyên tập ngồi, đi lại sớm khi có thể (trong ngày đầu), mang nẹp cổ mềm hoặc cứng trong 4 – 6 tuần. Sau đó cho bệnh nhân tập cử động cổ. Bệnh nhân có thể trở lại công việc bình thường sau 3 – 4 tháng; xương hàn cứng thường sau 6 – 12 tháng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.