Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Trưởng đơn nguyên hồi sức - ICU - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Thịt đỏ đặc biệt là thịt đã qua chế biến như xúc xích, lạp xưởng, thịt bò, thịt lợn muối... thường được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày nhất là bữa sáng. Tuy nhiên việc ăn thịt đỏ quá nhiều lại làm tăng nguy cơ đái tháo đường typ 2.
1. Thịt đỏ là gì?
Bên cạnh việc phân biệt thịt của các vật nuôi như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... thì các chuyên gia dinh dưỡng có một cách phân biệt nữa là thịt trắng và thịt đỏ. Thịt đỏ là các loại thịt có chứa hợp chất heme, đây là nhóm chất chứa nguyên tố sắt và khiến cho thịt có màu đỏ tươi.
Thịt đỏ thường gặp nhiều nhất ở thịt bò, thịt cừu, thịt bê và thịt lợn... đôi khi chúng ta còn thấy cả ở thịt ngựa hoặc thịt trâu. Bên trong thịt đỏ có rất nhiều chất dinh dưỡng như protein, sắt, kẽm, vitamin B, carnosine, creatine... Trong thịt đỏ có hàm lượng dinh dưỡng khác nhau tùy vào đó là thịt của loại động vật nào. Sau đây là lượng dinh dưỡng có trong 100 gram thịt bò tươi:
- Năng lượng: 176 calo
- Chất đạm: 20g
- Chất béo: 10g
- Vitamin B3: cung cấp 25% giá trị dinh dưỡng hằng ngày (RDA)
- Vitamin B6: 18% RDA
- Vitamin B12: 37% RDA
- Chất sắt: 12% RDA
- Chất kẽm: 32% RDA
- Selenium: 24% RDA
2. Những công dụng của thịt đỏ bạn nên biết
Như đã nói ở trên, ăn thịt đỏ có rất nhiều dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe của mỗi người. Sau đây là những lợi ích mà thịt đỏ mang lại và giải thích tại sao thịt đỏ lại là sự lựa chọn của nhiều gia đình:
- Bổ sung vitamin B12 cho cơ thể: Trong thịt đỏ có chứa nhiều vitamin B12 và các vitamin nhóm B khác cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của cơ thể đặc biệt với phụ nữ mang thai rất cần bổ sung nhóm vitamin này cho sự phát triển của thai nhi, tránh dị tật ống thần kinh cũng như những bệnh lý nguy hiểm khác.
- Giúp tăng cường hệ miễn dịch: Hàm lượng kẽm trong thịt đỏ cao gấp 11 lần so với cá ngừ giúp hỗ trợ xây dựng cơ, điều hòa các chức năng khác nhau trong cơ thể như nội tiết, chuyển hóa dinh dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của các tế bào miễn dịch khiến hàng rào miễn dịch của cơ thể được củng cố và phòng tránh được nhiều bệnh lý khác nhau.
- Tốt cho tim mạch: Trong thịt đỏ rất giàu axit béo omega 3 có lợi cho sức khỏe tim mạch, giúp tăng cholesterol HDL tốt, giảm huyết áp, phòng tránh hình thành xơ vữa.
- Bổ sung chất đạm cho cơ thể: Thịt đỏ là nguồn cung cấp đạm phong phú cho cơ thể. Cứ 85 gram thịt đỏ sẽ cung cấp cho bạn 1⁄2 lượng protein cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Protein là chất rất cần thiết cho hoạt động sống của cơ thể, giúp duy trì và phát triển các mô trong cơ thể con người.
3. Ăn thịt đỏ và nguy cơ đái tháo đường typ 2
Đái tháo đường typ 2 là bệnh lý mãn tính do cơ thể không tạo ra hoặc sử dụng insulin hiệu quả khiến lượng đường trong máu tăng cao gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Các triệu chứng của đái tháo đường typ 2 bao gồm mắt nhìn mờ hơn, mệt mỏi kéo dài, hay cảm thấy đói, khát nước cho dù ăn uống rất nhiều, hay đi tiểu đặc biệt là vào ban đêm, vết thương trên cơ thể lâu lành lại hơn, chân tay tê và sụt cân không rõ nguyên do.
Có rất nhiều nguyên nhân cũng như các yếu tố nguy cơ có thể hình thành bệnh đái tháo đường typ 2. Ở bài viết này chúng ta sẽ bàn bàn về thịt đỏ và nguy cơ đái tháo đường typ 2.
Mặc dù ăn thịt đỏ có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu bạn ăn không đúng cách thì thịt đỏ lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe đặc biệt là bệnh đái tháo đường typ 2. Thịt đỏ rất tốt nhưng có hai lý do khiến chúng có nguy cơ trở thành mối nguy hại cho sức khỏe là thịt đỏ đã qua chế biến và phương pháp chế biến thịt đỏ thiên về chiên rán hay nướng.
Thịt đỏ đã qua chế biến thường gặp như xúc xích, thịt xông khói...thường có các chất bảo quản có chứa nitrate, đây là chất có khả năng làm tăng đề kháng với insulin. Ngoài ra trong thịt đỏ có lượng sắt rất cao, khi ăn thịt đỏ quá nhiều có thể làm tăng lượng sắt trong cơ thể và có nguy cơ gây ra đái tháo đường typ 2.
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra nếu sử dụng 100 gram thịt đỏ như thịt bò trong khẩu phần ăn hằng ngày thì có 20% tiến triển thành đái tháo đường typ 2. Tương tự như vậy nếu thay bằng thịt đỏ đã qua chế biến với lượng chỉ bằng 1⁄2 như 2 lát thịt lợn muối hoặc 1 cái xúc xích mỗi ngày thì nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 lên đến hơn 50%.
Thịt đỏ rất tốt cho sức khỏe nhưng với điều kiện bạn phải biết sử dụng chúng với lượng hợp lý. Không nên coi thịt đỏ là món ăn chính trong bữa ăn hằng ngày mà chúng ta cần kết hợp sử dụng các nguồn protein khác từ sữa, trứng, ngũ cốc, thịt gia cầm, cá... Ngoài ra để giảm nguy cơ đái tháo đường typ 2 bạn nên có chế độ ăn kết hợp nhiều rau xanh, ít chất béo và tập luyện khoa học hơn.
Khi đã biết được mối liên hệ giữa thịt đỏ và tiểu đường type 2, bạn nên chú ý đến chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe được tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.