Thiếu máu não nên ăn gì để tăng tuần hoàn?

Tình trạng thiếu máu não sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương và ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Vì vậy để cải thiện tình trạng tuần hoàn máu não tốt hơn, dinh dưỡng là yếu tố đóng vai trò hết sức quan trọng. Do đó bệnh thiếu máu não nên ăn gì cho tốt là một vấn đề được rất nhiều bệnh nhân quan tâm.

1. Như thế nào là thiếu máu não?

Não bộ chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể tuy nhiên để duy trì hoạt động của chúng lại cần dùng đến 25% oxy, 25% lượng đường trong máu và 20% lượng máu được bơm từ tim của toàn cơ thể. Do đó khi quá trình cung cấp máu lên não xảy ra vấn đề sẽ ảnh hưởng đến chức năng não.

Khi tuần hoàn máu từ tim lên não bị giảm, tình trạng thiếu máu não sẽ xảy ra dẫn đến lượng oxy và dưỡng chất cung cấp cho não sử dụng cũng giảm theo khiến não không thể hoạt động như bình thường. Bệnh nhân thiếu máu não thường giảm sút khả năng ghi nhớ, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, thậm chí có thể dẫn đến đột quỵ não... Trên thực tế lâm sàng, thiếu máu não có thể được xem như căn bệnh tiền đột quỵ. Do đó, để ngăn ngừa và điều trị tốt tình trạng thiếu máu não, bệnh nhân cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý.

2. Thiếu máu não biểu hiện triệu chứng gì?

Trước khi tìm hiểu vấn đề thiếu máu lên não nên ăn uống gì, chúng ta cần nắm được các triệu chứng của bệnh lý này. Dấu hiệu của thiếu máu não dễ gây nhầm lẫn với các chứng bệnh khác như mất ngủ, đau đầu, căng thẳng... Do đó, nhiều người thường chủ quan, lơ là. Mặt khác bệnh thường tiến triển âm thầm, hoặc chỉ được phát hiện một cách tình cờ. Do đó, nếu chúng ta có các triệu chứng gợi ý sau đây, chúng ta nên nghĩ đến khả năng thiếu máu não:

  • Đau đầu: Giai đoạn đầu thường chỉ đau ở mức độ nhẹ, đau âm ỉ ở một vùng nào đó. Sau đó, khi bệnh tiến triển thì cơn đau đầu sẽ tăng dần cả về tần suất và mức độ, thậm chí đau toàn bộ vùng đầu. Một số yếu tố khiến cơn đau đầu do thiếu máu não gia tăng bao gồm suy nghĩ nhiều, thay đổi tư thế, khi thức dậy hoặc di chuyển...;
  • Mất ngủ: Người bị thiếu máu não thường bị mất ngủ và kèm theo các dấu hiệu rối loạn giấc ngủ khác như khó đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, hay dậy lúc nửa đêm hoặc gặp ác mộng...;
  • Hoa mắt, chóng mặt, ù tai: Những triệu chứng này có thể dẫn đến tình trạng mất thăng bằng, di chuyển không kiểm soát được và tăng nguy cơ té ngã. Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng khi người bệnh đang lái xe, mang vác vật nặng vì nguy cơ cao gây ra các chấn thương thứ phát;
  • Suy giảm trí nhớ, tư duy: Tình trạng thiếu máu não nếu xảy ra thường xuyên, kéo dài sẽ dễ dàng dẫn đến suy giảm trí nhớ, hay quên, suy giảm tư duy và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Giải đáp thiếu máu não nên ăn gì?
Giải đáp thiếu máu não nên ăn gì?

3. Bệnh thiếu máu não nên ăn gì cho tốt?

Chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp là một trong những yếu tố rất quan trọng trong quá trình phòng ngừa và điều trị bệnh lý thiếu máu não. Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều bệnh nhân vẫn thắc mắc bệnh thiếu máu não nên ăn gì cho tốt, thậm chí nhiều trường hợp do ăn uống không phù hợp đã khiến thiếu máu lên não chẳng những không cải thiện mà ngày càng nặng thêm.

Về cơ bản, lưu lượng máu lên não chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động của hệ tuần hoàn. Một quả tim khỏe mạnh sẽ bơm đầy đủ lượng máu cần thiết đến tất cả cơ quan, từ đó cung cấp oxy và các dưỡng chất để nuôi dưỡng các tế bào trong cơ thể. Do đó, thiếu máu lên não nên ăn uống gì thì đó phải là các loại thực phẩm tốt cho não bộ, chức năng tim mạch và cả cho quá trình sản sinh ra máu... bao gồm các loại thực phẩm giàu canxi, sắt, các chất chống oxy hóa, acid béo omega-3, vitamin B...

Theo đó, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích người bị thiếu máu não nên tăng cường bổ sung các thực phẩm dưới đây để cải thiện lưu thông máu lên não:

3.1 Thịt bò

Thịt bò là đáp án đầu tiên cho câu hỏi bệnh thiếu máu não nên ăn gì. Loại thịt bổ dưỡng này chứa nhiều đạm, nguyên tố sắt, các loại vitamin nhóm B (như B2, B6, B12...). Do đó, cung cấp thịt bò là cách thúc đẩy quá trình tái tạo hồng cầu, tăng cường hệ miễn dịch và tăng cường cung cấp oxy đến tất cả cơ quan trong cơ thể.

3.2 Cá hồi

Người bị thiếu máu lên não nên ăn uống gì không thể thiếu cá hồi vì thành phần giàu canxi, kali, kẽm, các acid béo không no, photpho, các loại vitamin như A, D, B6, B12... từ đó hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động cần nhiều năng lượng của tế bào não.

3.3 Lòng đỏ trứng gà

Lòng đỏ trứng gà vốn được biết đến là loại thực phẩm giàu canxi, photpho, sắt, vitamin và đặc biệt là đạm giá trị sinh học cao. Tất cả các dưỡng chất trong lòng đỏ trứng gà đều cần thiết cho quá trình sản sinh tế bào máu trong cơ thể, từ đó hỗ trợ cải thiện tuần hoàn lên não.

3.4. Hải sản

Các loại hải sản như tôm, cua, cá, hàu, mực... đều có thành phần rất dồi dào sắt, kẽm, các axit amin, vitamin B12... Do đó, hải sản là nhóm thực phẩm hỗ trợ tăng sinh hồng cầu, tăng cường sức đề kháng, giảm các triệu chứng thiếu máu não như mệt mỏi, căng thẳng và tăng cường lưu lượng máu nuôi tế bào não.

3.5. Rau màu xanh

Các loại rau màu xanh bổ sung cho cơ thể nhiều chất sắt, canxi, các vitamin... tạo tiền đề cho quá trình sản sinh máu và thúc đẩy máu nuôi não. Các loại rau xanh mà người thiếu máu lên não nên ăn bao gồm:

  • Súp lơ (hay bông cải xanh): Thành phần nhiều chất xơ, magie, sắt, vitamin C và A;
  • Rau chân vịt (bó xôi): Nguồn cung dồi dào sắt, axit folic, canxi, vitamin B12;
  • Rau cần tây: Cung cấp cho cơ thể nhiều kẽm, axit amin, sắt, và loại vitamin.

3.6 Cà rốt

Bệnh thiếu máu não nên ăn gì? Một trong số đó phải là cà rốt vì chúng cung cấp rất nhiều vitamin nhóm A, B, C, D, E, axit folic và một số nguyên tố vi lượng cần thiết như sắt, kali, canxi, photpho, magie... Các thành phần này hỗ trợ tăng cường trao đổi chất, tăng sinh tế bào máu và cải thiện lưu thông máu toàn cơ thể, bao gồm cả não bộ.


Dâu tây và mâm xôi là giải đáp cho thắc mắc thiếu máu não nên ăn gì?
Dâu tây và mâm xôi là giải đáp cho thắc mắc thiếu máu não nên ăn gì?

3.7 Dâu tây và mâm xôi

Dâu tây và mâm xôi chứa nhiều chất xơ, các hoạt chất chống oxy hóa, cung cấp carbohydrate, folate, vitamin C... và do đó hỗ trợ quá trình hấp thụ sắt, xây dựng hệ miễn dịch khỏe mạnh.

3.8 Hạt óc chó

Hạt óc chó được biết đến là loại thực phẩm giàu acid béo omega-3, có tác dụng hỗ trợ bảo vệ động mạch, hạ huyết áp. Nếu sử dụng hạt óc chó thường xuyên với số lượng phù hợp thì não bộ và tim mạch đều nhận được những lợi ích bất ngờ.

3.9 Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều vitamin E, giúp nâng cao sức mạnh của hệ miễn dịch và tốt cho tiêu hóa. Người thiếu máu não có thể lựa chọn những loại ngũ cốc nguyên hạt sau:

  • Yến mạch;
  • Gạo lứt;
  • Bánh mì ngũ cốc nguyên hạt;
  • Lúa mạch

4. Thực phẩm cần tránh cho người thiếu máu lên não

Bên cạnh vấn đề bệnh nhân thiếu máu lên não nên ăn uống gì, một vấn đề khác cũng cần lưu ý là những loại thực phẩm mà họ cần tránh, bao gồm:

  • Thức ăn nhanh: Chứa hàm lượng cao các cholesterol xấu, nhiều dầu mỡ tái sử dụng nhiều lần nên được xem là yếu tố nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch và tác động xấu cho quá trình lưu thông máu lên não;
  • Thực phẩm đóng hộp: Chứa nhiều các chất bảo quản nên chắc chắn không tốt cho người bị thiếu máu lên não;
  • Nước ngọt: Loại thức uống này có thể làm gia tăng hàm lượng cholesterol xấu trong cơ thể, do đó người thiếu máu não nên hạn chế loại thức uống này và nên tăng cường dùng nước ép trái cây hay nước lọc;
  • Rượu bia: Loại thức uống này chắc chắn phải nằm trong danh sách thực phẩm mà người thiếu máu não cần tránh vì chúng có thể kích thích các dây thần kinh và khiến tình trạng thiếu máu não càng trầm trọng hơn.

Chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp là một trong những yếu tố rất quan trọng trong quá trình phòng ngừa và điều trị bệnh lý thiếu máu não. Vì thế, bạn có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm tốt giúp cải thiện lưu thông máu lên não, đồng thời tránh các thực phẩm xấu để đảm bảo sức khỏe, tránh các biến chứng do bệnh thiếu máu não gây ra.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe