Thiền và Yoga cho người bị rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn thường gặp ở trẻ và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Các rối loạn của bệnh có thể làm ảnh hưởng đến quá trình học tập, làm việc và quan hệ xã hội của bệnh nhân. Các bài tập thiền và yoga có thể cải thiện sự tập trung cho người bị rối loạn tăng động giảm chú ý.

1. Rối loạn tăng động giảm chú ý là gì?

Tăng động giảm chú ý được viết tắt là ADHD (Attention Deficit/Hyperactivity Disorder) là một rối loạn thường gặp ở trẻ và đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Đặc trưng nổi bật của bệnh nhân mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý là thường gặp phải nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh sự tập trung, khó kiểm soát những hành vi, cảm xúc, hoạt động thái quá, thường xuyên phấn khích và kích động,... Các rối loạn có thể làm ảnh hưởng đến quá trình học tập, làm việc và quan hệ xã hội của bệnh nhân.

Người bệnh mắc rối loạn tăng động giảm chú ý thường tỏ ra ngạc nhiên, bối rối, hay quên, khó bắt đầu, khó duy trì một nhiệm vụ nào đó hoặc khó kiểm soát sự chú ý, một số trẻ thường tỏ ra không hợp tác, ngại tiếp xúc,... Có nhiều biện pháp để điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý như sử dụng thuốc, chú ý đến chế độ ăn uống, và các liệu pháp tâm lý,... Thuốc và liệu pháp là những cách tốt để kiểm soát các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) của người bệnh. Tuy nhiên, đây không phải là lựa chọn duy nhất trong quá trình điều trị của bệnh nhân. Những bài tập thiền và yoga sẽ giúp người bệnh cải thiện sự tập trung, cũng như kiểm soát các hành động của bản thân hơn.

2. Bài tập cho người bị rối loạn tăng động giảm chú ý

2.1 Thiền

Nghiên cứu hiện cho thấy thiền, chánh niệm là biện pháp chủ động quan sát những suy nghĩ và cảm xúc từng khoảnh khắc của bản thân và đây cũng có thể là một cách tốt để xoa dịu tâm trí và cải thiện sự tập trung cho người bệnh. Hơn một phần ba người lớn mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý sử dụng phương pháp này và khoảng 40% cho nó xếp hạng cao, theo một cuộc khảo sát năm 2017 của tạp chí ADDitude.

Khi một cơ bắp mềm yếu, bệnh nhân có thể thực hiện các bài tập để làm cho tăng cơ bắp và khỏe mạnh hơn. Điều này cũng tương tự như với bộ não. Thiền chánh niệm giúp tăng cường khả năng kiểm soát sự chú ý của người bệnh. Nó dạy cho bệnh nhân cách quan sát bản thân và tập trung vào điều gì đó. Đặc biệt, huấn luyện để đưa tâm trí lang thang trở lại thời điểm người bệnh bị phân tâm. Thiền cũng có thể giúp người bệnh nhận thức rõ hơn về cảm xúc của mình, từ đó ít có khả năng hành động bốc đồng.

Không giống như các phương pháp điều trị khác, thiền chánh niệm không cần đơn thuốc hoặc chuyến đi đến văn phòng của bác sĩ trị liệu. Bệnh nhân có thể thực hành nó khi ngồi hoặc đi bộ, hoặc thậm chí thông qua một số loại yoga. Thiền được cho là có ích với người bị rối loạn tăng động giảm chú ý, vì nó làm dày vỏ não trước, một phần của não liên quan đến việc tập trung, lập kế hoạch và kiểm soát xung động. Ngoài ra, nó cũng làm tăng mức độ dopamine trong não của người bệnh, đây là chất thiếu hụt trong não của người bị rối loạn tăng động giảm chú ý.


Thiền được cho là có ích với những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý
Thiền được cho là có ích với những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Nghiên cứu cho thấy thiền chánh niệm có thể rất hữu ích trong việc giảm các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý. Một nghiên cứu mang tính bước ngoặt của UCLA cho thấy những người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý tham gia khóa thiền chánh niệm mỗi tuần một lần trong 2 tiếng rưỡi, sau đó hoàn thành bài tập thiền tại nhà hàng ngày, tăng dần từ 5 đến 15 phút trong 8 tuần, có khả năng tập trung tốt hơn. Họ cũng bớt buồn phiền và lo lắng hơn. Các nghiên cứu khác kể từ đó cũng có kết quả tương tự.

2.2 Tập yoga

Tập yoga không chỉ giúp cho cơ thể dẻo dai, mà nó cũng được chứng minh là giúp cải thiện các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, mặc dù hầu hết các nghiên cứu đều được thực hiện với trẻ em. Giống như thiền chánh niệm, tập yoga hàng ngày sẽ làm tăng mức dopamine và củng cố vỏ não trước trán. Một nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ tập các động tác yoga 20 phút hai lần một tuần trong vòng 8 tuần đã cải thiện trong các bài kiểm tra đo lường sự tập trung và chú ý.

Tập yoga là sự kết hợp của các tư thế, các bài tập thở và kỹ thuật thiền định, giúp phát triển trí não, sự liên kết giữa cơ thể và tâm trí. Yoga còn là công cụ hỗ trợ khả năng tự điều chỉnh hành vi. Can thiệp điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý bằng liệu pháp hành vi được xem là phương pháp điều trị ngoài y học, có hiệu quả lâu dài đối với bệnh nhân. Do đó, lợi ích tương hỗ của bài tập yoga mang lại về mặt thể chất gồm nâng cao ý thức về cơ thể.

Phản ứng có tổ chức và bài bản trong hoạt động, hoặc các động tác được lặp đi lặp lại của cơ thể khi thực hiện các tư thế trong bài tập yoga sẽ giúp người bệnh cách tổ chức và kiểm soát cơ thể. Các tư thế thăng bằng, tư thế phối hợp giúp tổ chức não bộ và kích thích hệ thần kinh. Ngoài ra, việc các động tác được lặp đi lặp lại sẽ làm kéo dãn cơ bắp, tăng tuần hoàn máu trong cơ thể, tăng cường sự dẻo dai và sức mạnh của cơ bắp. Đặc biệt là các tư thế cân bằng và ổn định trong bài tập yoga có thể kích thích quá trình hoạt động của tiểu não (phần não bộ kiểm soát sự phối hợp và thăng bằng trong vận động).


Tập yoga giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý
Tập yoga giúp cải thiện các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý

Tóm lại, tăng động giảm chú ý (ADHD) là một rối loạn thường gặp ở trẻ em và đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Các rối loạn có thể làm ảnh hưởng đến quá trình học tập, làm việc và quan hệ xã hội của người bệnh. Các bài tập thiền và yoga có thể cải thiện sự tập trung cho bệnh nhân bị rối loạn tăng động giảm chú ý. Vì vậy, hãy kết hợp thiền và yoga với liệu trình điều trị bằng thuốc, duy trì tập luyện hằng ngày để có được kết quả tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe