Theo dõi sau điều trị ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao trong nhóm ung thư phụ khoa do các triệu chứng bệnh không rõ ràng nên người bệnh thường không chủ động kiểm tra, phát hiện sớm.

1. Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là hiện tượng xuất hiện khối u ác tính trong buồng trứng. Các tế bào trong khối u ác tính là những tế bào bất thường, phân chia không theo sự kiểm soát của cơ thể. Chúng có thể xâm lấn và phá hủy các mô và cơ quan xung quanh buồng trứng hoặc theo máu, hệ bạch huyết đi tới các cơ quan xa hơn trên cơ thể, tạo thành các khối u thứ phát ở gan, xương, não, phổi,... Quá trình này gọi là ung thư buồng trứng di căn.

Các phương pháp thường được áp dụng để điều trị bệnh ung thư buồng trứng gồm

  • Phẫu thuật: Bao gồm cắt bỏ buồng trứng, ống dẫn trứng, tử cung, cổ tử cung, mạc nối lớn (màng mỏng bao quanh dạ dày và đại tràng) và các hạch bạch huyết trong ổ bụng. Trong trường hợp ung thư chưa lan rộng và bệnh nhân mong muốn có con, bác sĩ có thể chỉ cắt bỏ buồng trứng bị ung thư và các ống dẫn trứng. Trường hợp ung thư đã lan rộng, bác sĩ sẽ lấy tối đa tổ chức ung thư (phẫu thuật giải tỏa u) để tạo điều kiện cho hóa trị hoặc xạ trị sau mổ đạt kết quả tốt.
  • Hóa trị: Sử dụng thuốc bằng đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này thường áp dụng để điều trị ung thư buồng trứng tiến triển. Ngoài ra, hóa trị cũng được áp dụng sau phẫu thuật để tiêu diệt toàn bộ các tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát ung thư buồng trứng.
  • Xạ trị: Sử dụng tia phóng xạ có năng lượng cao để tiêu diệt khối u và tế bào ung thư. Phương pháp này chỉ tác động đến các tế bào ung thư trong vùng chiếu xạ nên thường được áp dụng điều trị ung thư buồng trứng nếu khối u nằm trong vùng chậu. Ngoài ra, xạ trị cũng được áp dụng để tiêu diệt tế bào ung thư còn lại trong cơ thể sau phẫu thuật loại bỏ khối u ác tính.

Điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec

2. Theo dõi sau điều trị ung thư buồng trứng

Sau khi thực hiện các phương pháp điều trị bệnh ung thư buồng trứng, bệnh nhân nên tuân thủ những lưu ý sau:

  • Tạm thời không quan hệ tình dục trong vòng 6 tuần để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh.
  • Nếu cần cắt bỏ cả 2 buồng trứng, bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng mãn kinh. Các bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân sử dụng liệu pháp thay thế hormone để giảm các triệu chứng mãn kinh.
  • Thường xuyên tái khám để được bác sĩ thăm khám lâm sàng và làm PAP test. Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) là một xét nghiệm tế bào học để phát hiện ung thư cổ tử cung và hỗ trợ chẩn đoán nếu ung thư buồng trứng tái phát.

Pap smear là một xét nghiệm tế bào học để phát hiện ung thư cổ tử cung
Pap smear là một xét nghiệm tế bào học để phát hiện ung thư cổ tử cung

  • Làm thêm các xét nghiệm hình ảnh như chụp phổi, chụp cắt lớp, siêu âm ổ bụng,... sau điều trị ung thư buồng trứng để tầm soát nếu ung thư tái phát hoặc di căn tới các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Xét nghiệm máu và định lượng CA-125: Chỉ số CA-125 - một sản phẩm của khối u thường cao ở những phụ nữ mắc ung thư buồng trứng. Vì vậy, áp dụng phương pháp này sau điều trị bệnh sẽ giúp bác sĩ phát hiện ung thư buồng trứng tái phát.
  • Bệnh nhân có thể yêu cầu bác sĩ kiểm tra các bệnh khác vì người mắc ung thư buồng trứng có nguy cơ cao mắc ung thư vú hoặc ung thư đại tràng. Bên cạnh đó, việc sử dụng một số thuốc chống ung thư có thể dẫn tới bệnh ung thư thứ phát như ung thư máu.

Bệnh nhân cần trở lại sinh hoạt bình thường, có lối sống lành mạnh, khoa học sau điều trị bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe