Tháo que cấy tránh thai bao lâu có thể mang thai trở lại?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Hiện nay có rất nhiều biện pháp tránh thai khác nhau với những ưu và nhược điểm riêng biệt. Tùy vào tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế của mỗi người mà chị em cân nhắc lựa chọn hình thức tránh thai phù hợp với cơ thể. Cấy que tránh thai là biện pháp tránh thai có hiệu quả cao (99.95%) và có tác dụng duy trì trong thời gian dài.

1. Về phương pháp cấy que tránh thai

Cấy que tránh thai là biện pháp cấy một que có chứa nội tiết tố progesteron nhất định vào vùng da dưới cánh tay phụ nữ. Chất nội tiết tố sẽ được phóng thích vào cơ thể hàng ngày và giúp duy trì khả năng tránh thai trong thời gian dài (từ 3-5 năm tùy loại que cấy sử dụng). Thường khi cấy que này, trong thời gian đầu chị em có thể cảm thấy sự thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt: ít kinh, mất kinh, rong huyết... và có thể đi kèm với các dấu hiệu như chóng mặt, đau đầu, tăng cân nhẹ, nổi mụn... Đây đều là những phản ứng bình thường do thay đổi nội tiết tố và thường sẽ ổn định sau 1,2 tháng. Trong một số trường hợp hiếm gặp tình trạng phản ứng không thuyên giảm thì chị em có thể cân nhắc tới việc rút que cấy tránh thai, ngay lập tức chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản sẽ được khôi phục bình thường.


Thời gian đầu cấy que, có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu
Thời gian đầu cấy que, có thể xuất hiện triệu chứng đau đầu

2. Quy trình rút que cấy tránh thai

2.1. Khi nào nên rút que cấy tránh thai?

Khi tìm hiểu về phương pháp tránh thai bằng que cấy, nhiều chị em rất quan tâm tới thời điểm nên tháo que tránh thai, sau khi rút que cấy tránh thai bao lâu thì có thể sinh hoạt tình dục và có thai lại. Theo các chuyên gia y tế, nên rút que cấy tránh thai khi:

  • Que tránh thai hết tác dụng: Sau khoảng thời gian từ 3-5 năm (tùy loại que), que cấy tránh thai sẽ không đạt được hiệu lực tránh thai như ban đầu. Do vậy các chị em có thể cân nhắc tháo que hẳn hoặc thay thế bằng que mới.
  • Muốn khôi phục khả năng mang thai: Bạn có thể đề nghị bác sĩ tháo que và quan hệ tình dục bình thường sau đó, thường khả năng mang thai của bạn sẽ được khôi phục sau khi tháo que cấy khoảng 1 tuần.
  • Gặp phản ứng phụ nghiêm trọng: Ở một số trường hợp hiếm gặp, chị em có thể bị một số tác dụng phụ của que cấy tránh thai gây ảnh hưởng tới sức khỏe và bất tiện trong sinh hoạt. Lúc này thì việc tháo que cấy là phương án phù hợp và tối ưu.

Que cấy tránh có thời hạn nhất định
Que cấy tránh có thời hạn nhất định

2.2. Quy trình rút que cấy tránh thai

Khi muốn rút que cấy tránh thai, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín đề thực hiện thủ thuật. Quy trình rút que cấy tránh thai được thực hiện qua các bước:

  • Xác định lại vị trí của que cấy tránh thai.
  • Tiêm một lượng nhỏ thuốc gây tê ở phần dưới của que cấy tránh thai.
  • Tiến hành rạch một đường nhỏ, ngang ở ngay bên dưới que cấy, dùng một tay ấn nhẹ đầu que cấy còn lại sau đó dùng kẹp lấy que cấy ra khỏi cánh tay.

Rút que cấy tránh thai là thủ thuật khá đơn giản diễn ra trong vòng 5-10 phút nên bạn không cần quá lo lắng.

2.3. Khả năng mang thai sau khi rút que cấy tránh thai

Nhiều chị em băn khoăn về khả năng mang thai sau khi rút que cấy tránh thai, thật ra sau khi rút que khoảng 1 ngày là bạn đã có thể quan hệ tình dục và “thả” để có thai ngay. Nhiều nghiên cứu y khoa cho thấy thuốc trong que cấy không gây ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi.


Có thể mang thai sau khi rút que cấy tránh thai
Có thể mang thai sau khi rút que cấy tránh thai

3. Tác dụng phụ của cấy que tránh thai

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, que cấy tránh thai vẫn có một số tác dụng phụ hiếm gặp bao gồm đau đầu, chóng mặt, nổi mụn, căng ngực, buồn nôn... và có thể gây ra một số thay đổi về kinh nguyệt như ít kinh, vô kinh, rong kinh... Thường các dấu hiệu này sẽ giảm đi theo thời gian sử dụng. Điều quan trọng là chị em phụ nữ nên tham khảo và cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định cấy que tránh thai, cũng như thực hiện khám sàng lọc để loại bỏ các yếu tố nguy cơ không phù hợp.

Trắc nghiệm: Bạn đã biết cách tránh thai an toàn chưa?

Có rất nhiều biện pháp tránh thai an toàn nhưng không phải ai cũng biết được điều đó. Trả lời đúng những câu hỏi trắc nghiệm dưới đây chứng tỏ bạn có kiến thức tốt về các biện pháp ngừa thai an toàn.

Bác sĩ Phạm Thị Yến đã có 11 năm kinh nghiệm khám và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa. Bác sĩ với thế mạnh và hiểu biết sâu sắc trong:

  • Khám, tư vấn các thai thường, thai bệnh lý, thai nguy cơ cao
  • Khám và điều trị các bệnh lí phụ khoa: viêm cổ tử cung, lộ tuyến cổ tử cung
  • Phẫu thuật nội soi các bệnh lý phụ khoa : thai ngoài tử cung, khối u tử cung , khối u buồng trứng
  • Phẫu thuật khối u vú, khối u âm hộ , âm đạo, cổ tử cung
  • Phẫu thuật sản khoa : phẫu thuật lấy thai, khám
  • Điều trị các rối loạn nội tiết phụ nữ ở các lứa tuổi: dậy thì, tuổi sinh sản; tuổi tiền mãn kinh.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe