Hỏi
Chào bác sĩ,
Em bị bệnh Thalassemia thể nhẹ nhưng mắt hay bị vàng. Bác sĩ cho em hỏi Thalassemia thể nhẹ có thể điều trị được không? Có cách nào hoặc chế độ ăn uống như thế nào cho mắt hết vàng không? Em cảm ơn bác sĩ.
Nguyễn Trâm (1994)
Trả lời
Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Việt Hương - Bác sĩ Huyết học – Ung thư - Trung tâm Ung bướu xạ trị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Thalassemia thể nhẹ có thể điều trị được không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Bệnh Thalassemia là bệnh lý di truyền do sự thiếu hụt tổng hợp một chuỗi globin trong huyết sắc tố của hồng cầu. Hồng cầu bệnh nhân không bền, bị phá huỷ sớm làm bệnh nhân bị thiếu máu và ứ sắt. Thể nhẹ (ẩn): Đây là những người chỉ mang gen bệnh, có triệu chứng lâm sàng bình thường hoặc chỉ thiếu máu nhẹ. Thể nhẹ: Không cần điều trị.
Có hai loại Thalassemia thường gặp là α Thalassemia do thiếu chuỗi α globin và β Thalassemia do thiếu chuỗi β globin. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp các bất thường hemoglobin khác kèm theo như HbE.
Muốn xác định chắc chắn bệnh Thalassemia cần thử huyết đồ, sắt huyết thanh, ferritin, điện di huyết sắc tố và khảo sát di truyền. Người mắc bệnh Thalassemia mức độ nhẹ biểu hiện triệu chứng thiếu máu rất kín đáo, gần như không có biểu hiện đặc biệt gì về mặt lâm sàng. Chỉ khi cơ thể có nhu cầu về máu tăng như phụ nữ kinh nguyệt nhiều, khi mang thai,... mới thấy rõ cơ thể mệt mỏi, da xanh. Khi làm xét nghiệm thấy lượng huyết sắc tố giảm.
Biểu hiện vàng mắt của bạn cần được khám xem bạn đã có tình trạng tan máu, thiếu máu kéo dài, nặng chưa điều được điều trị. Khi chẩn đoán được nguyên nhân vàng mắt thì điều trị mới đỡ, chứ không phải là chỉ chế độ ăn.
Ngoài việc tuân thủ điều trị thì chế độ ăn uống rất quan trọng với bệnh nhân Thalassemia. Theo đó, bệnh nhân nên chọn các thức ăn có ít sắt như thịt có màu trắng, ăn kèm với thức ăn làm giảm hấp thu sắt như sữa, chế phẩm sữa và một số đồ uống có chống oxy hóa như uống trà xanh, thức ăn giàu vitamin E. Ngoài nắm được bệnh Thalassemia nên ăn gì, bệnh nhân Thalassemia cần tránh một số loại thực phẩm chứa nhiều sắt cũng như các chất làm tăng hấp thu sắt. Cụ thể:
- Thực phẩm chứa nhiều sắt: Thực phẩm chứa nhiều sắt cần kiểm soát với hàm lượng thấp trong chế độ ăn và hạn chế không ăn thường xuyên. Nhóm thực phẩm này cần tránh gồm: Hải sản, những loại hải sản chứa nhiều sắt gồm: cá, hến, trai, sò,...Thịt, các loại thịt đỏ rất giàu sắt như thịt cừu, thịt bò, thịt lợn, thịt gà phần sẫm màu hoặc trong trứng, gan động vật, Rau củ, các loại rau củ chứa nhiều sắt gồm: khoai tây, rau ngót, đậu lăng, củ cải,...Đặc biệt là những bệnh nhân Thalassemia nhỏ tuổi nên kiểm soát lượng thịt cá hạn chế trong chế độ ăn hàng ngày, thay vào đó là những loại thịt trắng như thịt gà, thịt vịt,...
- Những thực phẩm làm tăng hấp thu sắt: Những loại thực phẩm này không chứa nhiều sắt nhưng khi kết hợp trong bữa ăn, nó khiến cơ thể hấp thu sắt tốt hơn. Điều này rất nguy hiểm cho bệnh nhân Thalassemia, nhất là bệnh nhân trẻ tuổi. Nhóm thực phẩm này bao gồm: Hoa quả giàu Vitamin C: Bưởi, cam. Thực phẩm lên men như bia, dưa bắp cải, đậu nành lên men.
Rất nhiều bệnh nhân sử dụng thực phẩm chức năng bổ trợ trong quá trình điều trị, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ. Những thực phẩm chức năng này chứa sắt hoặc các dinh dưỡng khiến cơ thể hấp thu sắt nhiều hơn đều không tốt cho bệnh nhân Thalassemia.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, người bệnh cũng cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tinh thần lạc quan, tuân thủ điều trị. Như vậy, bệnh sẽ nhanh chóng được đẩy lùi.
Nếu bạn còn thắc mắc về Thalassemia thể nhẹ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.