Bài viết được viết bởi ThS.BS Nguyễn Thị Lệ - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Việc thai chết lưu trong tử cung là điều không ai mong muốn, tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho người mẹ, đặc biệt là phụ nữ lần đầu mang thai.
1. Thai lưu là gì?
Thai chết trong tử cung là những thai bị chết khi còn trong buồng tử cung. Về mặt y học, những trường hợp em bé chết trong bụng mẹ quá 48h được gọi là thai lưu. Thai chết lưu có thể xảy ra trong mọi giai đoạn của thai kỳ, và thường được chia thành hai nhóm:
- Nhóm thai lưu dưới 20 tuần tuổi.
- Nhóm thai lưu sau 20 tuần tuổi: trong nhóm này tiếp tục được chia ra thành thai chết lưu sớm từ 20-27 tuần tuổi và muộn từ 28-36 tuần tuổi. Sau 37 tuần tuổi thì gọi là thai lưu đủ tháng.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thai lưu vì vậy rất khó xác định được lý do cụ thể, tham khảo bài viết phía dưới để biết thêm về các nguyên nhân dẫn đến thai chết lưu trong tử cung.
XEM THÊM: Thai chết lưu trong tử cung và những điều cần biết
2. Điều trị, thái độ xử trí
Nguyên tắc chung
- Không vội vàng xử trí
- Sau khi đã có chẩn đoán chính xác mới tiến hành điều trị
- Người mẹ được làm các xét nghiệm: Công thức máu, phân loại nhóm máu, chức năng đông máu toàn bộ, đặc biệt là lượng fibrinogen máu, và một số xét nghiệm cần thiết khác.
- Nếu có hiện tượng rối loạn chức năng đông máu thì phải điều trị rối loạn đó rồi mới đặt vấn đề giải quyết thai lưu. Trong những trường hợp chức năng đông máu bình thường cũng cần chuẩn bị sẵn máu tươi hoặc các chế phẩm như Fibrinogen, để điều trị khi có biến chứng rối loạn đông máu thứ phát xảy ra.
Đối với thai lưu nguy cơ đáng lưu ý là rất dễ bị nhiễm khuẩn khi vỡ ối và sau khi thai, rau ra có thể chảy máu nặng do rối loạn chức năng đông máu hoặc đờ tử cung. Vì vậy cần phòng chống nhiễm khuẩn tốt, dùng kháng sinh toàn thân, phối hợp, liều cao và kéo dài 5-7 ngày.
2.1 Nong cổ tử cung, nạo
- Nạo buồng tử cung được áp dụng cho những trường hợp thai chết mà thể tích tử cung nhỏ hơn tử cung có thai 3 tháng hoặc chiều cao tử cung < 8 cm.
- Người mẹ được giảm đau khi nạo, dùng thuốc tăng co tử cung và kháng sinh. Không để sót tổ chức rau, thai.
2.2 Khởi phát chuyển dạ
Khi chẩn đoán khẳng định thai chết lưu, cần phát khởi chuyển dạ để sẩy thai hoặc sinh thai lưu. Bác sĩ cho người mẹ dùng thuốc liều lượng tùy theo tuổi thai để khởi phát chuyển dạ để tống thai
Như vậy, thai chết lưu sớm có thể được xử trí bằng việc đặt dụng cụ và nong rồi đưa thai ra hay dùng thuốc gây sảy thai tự nhiên. Ở phụ nữ có thai chết lưu trước 28 tuần tuổi, khởi phát chuyển dạ bằng prostaglandin E2 đặt âm đạo (10-20 mg trong khoảng 4-6 tiếng), misoprostol (prostaglandin E1) đặt âm đạo hoặc dùng đường uống (400mcg 4-6 tiếng), và/hoặc oxytocin (thường áp dụng ở những phụ nữ đã phẫu thuật tử cung). Đối với những phụ nữ có thai chết lưu sau 28 tuần tuổi nên dùng những liều thấp hơn.
Thai chết lưu là điều không mong muốn của bất kỳ mẹ bầu nào, nó gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm sinh lý của phụ nữ mang thai, đặc biệt là tâm lý mang một bào thai đã chết. Bác sĩ và người nhà cần động viên và giải thích cặn kẽ để thai phụ tránh được những ảnh hưởng xấu từ lần mang thai này.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai các Gói chăm sóc thai sản, được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ hàng đầu trong cả chuyên môn và kinh nghiệm về thai sản, cùng sự hỗ trợ của hệ thống máy móc hiện đại, giúp việc theo dõi, chẩn đoán các vấn đề trong thai kỳ, đặc biệt là thai lưu đạt được hiệu quả và độ chính xác cao.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.