Tế bào lympho TCD4 và bệnh HIV/AIDS

Số lượng tế bào lympho TCD4 là một công cụ giúp phản ánh hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động tốt như thế nào. Đây là các tế bào bạch cầu chống lại sự nhiễm trùng và đây cũng là đích đến của các siêu vi gây bệnh HIV. Chính vì thế, việc theo dõi số lượng tế bào lympho TCD4 là vô cùng cần thiết trong quyết định khởi trị cũng như theo dõi điều trị trên những bệnh nhân nhiễm HIV.

1. Định nghĩa bệnh HIV/AIDS

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là một bệnh lý nguy hiểm do vi rút HIV gây ra, gọi tắt là bệnh HIV/AIDS. Căn bệnh này sẽ làm cho cơ thể mất sức đề kháng với các vi sinh vật, những vi sinh vật bình thường không có khả năng gây bệnh lại trở thành gây bệnh, gây nhiễm trùng cơ hội, khiến ung thư dễ phát triển...

Một bệnh nhân nhiễm HIV sẽ trở thành nguồn lây nhiễm suốt đời cho người khác. Tuy nhiên, điều nguy hiểm nhất là hầu hết những bệnh nhân nhiễm HIV đều không có triệu chứng của bệnh trong thời gian dài, rất nhiều người không biết mình bị bệnh, họ vẫn tiếp tục lây truyền vi rút cho những người khác. AIDS (Acquired Immune Deficiency Syndrome) là giai đoạn cuối cùng của HIV.

2. Vi rút HIV có trong các loại dịch cơ thể nào?


Virus HIV
Virus HIV

Nguồn lây là bệnh nhân nhiễm HIV ở tất cả các giai đoạn (kể cả giai đoạn cửa sổ, thầm lặng và cả giai đoạn AIDS). Vi rút HIV có trong tinh dịch, dịch âm đạo, máu và các sản phẩm từ máu, nước bọt, nước mắt, dịch não tuỷ, sữa mẹ; tuy nhiên chỉ 3 đường lây được xác định:

  • Quan hệ tình dục không an toàn
  • Lây truyền qua máu
  • Truyền từ mẹ sang con (qua nhau thai, lúc chuyển dạ và qua sữa mẹ)

3. Sự rối loạn miễn dịch của bệnh nhân HIV

Vi rút HIV sau khi xâm nhập vào cơ thể người sẽ có ái tính chủ yếu với tế bào lympho TCD4. Ngoài ra, vi rút HIV còn có thể xâm nhập vào nhiều tế bào khác của hệ miễn dịch như tế bào lympho bào B, đại thực bào, tế bào nguồn, tế bào hình sao, tế bào xơ non,...

Các rối loạn chính xảy ra trong đáp ứng miễn dịch ở bệnh nhân bệnh HIV/AIDS gồm:

  • Giảm số lượng tế bào lympho T toàn phần, đặc biệt là số lượng tế bào TCD4 giảm nặng, tỷ lệ giữa TCD4/TCD8 giảm.
  • Suy giảm chức năng của các tế bào miễn dịch, giảm tăng sinh tế bào với các chất gây phân bào và kháng nguyên, giảm đáp ứng độc tế bào do giảm chức năng của tế bào TCD8 và NK (Natural Killer).
  • Tăng phức hợp miễn dịch, tăng các tự kháng thể và một số protein khác trong huyết thanh.
  • Giảm đáp ứng kháng thể nguyên phát với các kháng nguyên mới tiếp xúc lần đầu.
  • Tăng gamma - globulin.
  • Giảm gamma - Interferon.

Vì sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tế bào miễn dịch, bệnh nhân HIV/AIDS sẽ dễ bị các bệnh nhiễm trùng cơ hội hoặc mắc các loại ung thư.

4. Vi rút HIV trong cơ thể người và tế bào lympho TCD4

Tế bào lympho TCD4 là mục tiêu chính của vi rút HIV bởi tế bào này có rất nhiều thụ thể CD4, nhiều hơn hẳn các loại tế bào khác. TCD4 còn giữ vai trò “nhạc trưởng” trong đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Sự suy giảm TCD4 thường đồng hành với tình trạng suy giảm miễn dịch và các nhiễm trùng cơ hội.

HIV gắn vào bề mặt tế bào đích nhờ sự liên kết đặc biệt giữa phân tử gp120 (phân tử trên lớp vỏ ngoài của vi rút) với các thụ thể CD4 (có trên tế bào miễn dịch cơ thể người). Sau khi bám vào tế bào đích sẽ tạo nên hiện tượng hòa màng, bộ gen và enzym của HIV giải phóng vào trong tế bào của người và nhân lên.

Khi vi rút xâm nhập vào tế bào có hai khả năng xảy ra:

  • Vi rút “ngủ”: là giai đoạn không triệu chứng, tuy nhiên tế bào lympho TCD4 bị nhiễm vi rút (chứa bộ gen và enzym của HIV) vẫn có thể lây cho người khác.
  • Khi tế bào TCD4 hoạt hóa, nó vô tình trở thành một nhà máy sản xuất HIV. Các vi rút mới được tạo ra sẽ phá vỡ tế bào TCD4, gây giảm số lượng tế bào lympho T-CD4 ở người nhiễm HIV, đồng thời khi tế bào bị phá vỡ, vi rút “tràn ra” và tiếp tục gây nhiễm các tế bào lành khác.

5. TCD4 giảm dần theo các giai đoạn tiến triển của HIV/AIDS


Tế bào TCD$ giảm dần theo sự phát triển của HIV
Tế bào TCD$ giảm dần theo sự phát triển của HIV

Trong giai đoạn sơ nhiễm, HIV nhân lên một cách nhanh chóng và phá huỷ các tế bào lympho TCD4, gây các triệu chứng không điển hình như sốt nhẹ, viêm họng, tiêu chảy... Trong khoảng thời gian 4-8 tuần, cơ thể sẽ hình thành các đáp ứng miễn dịch và giúp ngăn chặn sự nhân lên của vi rút. Cuối giai đoạn này có sự phục hồi nhẹ của số lượng tế bào TCD4 và sự suy giảm nồng độ vi rút tự do trong máu người nhiễm.

Giai đoạn nhiễm mãn tính không triệu chứng kéo dài khoảng 3-7 năm, trong giai đoạn này số lượng tế bào TCD4 giảm dần, hệ miễn dịch mất kiểm soát và suy giảm.

Giai đoạn cuối, HIV chuyển sang AIDS, bệnh nhân có số lượng tế bào TCD4 rất thấp (dưới 200 tế bào/mm3) và không có khả năng chống đỡ các bệnh nhiễm trùng thông thường, cơ thể xuất hiện các bệnh nhiễm trùng cơ hội, ung thư và chính các bệnh này thường là nguyên nhân gây tử vong cho người bệnh.

6. Ý nghĩa của xét nghiệm tế bào TCD4 trong điều trị HIV/AIDS

  • Đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch và xác định giai đoạn bệnh HIV
  • Theo dõi diễn tiến của bệnh.
  • Chỉ định điều trị thuốc kháng virus (ARV) theo kết quả đếm tế bào TCD4. Tiêu chuẩn bắt đầu chỉ định điều trị ARV khi:
  • Người bệnh HIV có số lượng tế bào TCD4 ≤ 350 tế bào/mm, không phụ thuộc giai đoạn lâm sàng cần bắt đầu điều trị thuốc ARV.
  • Trẻ từ 24-60 tháng tuổi được điều trị ARV khi trẻ có % tế bào lympho TCD4 ≤ 25% hoặc số lượng tế bào lympho TCD4 ≤ 750 tế bào/mm3, không phụ thuộc tình trạng lâm sàng.
  • Theo dõi và đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị.

Hiện nay, Bộ Y tế quy định người bệnh HIV/AIDS phải được theo dõi định kỳ bằng xét nghiệm tế bào lympho TCD4 để có chỉ định can thiệp kịp thời.

Khi nhiễm HIV tiến triển, số lượng các tế bào này giảm dần. Theo đó, trong điều trị HIV/AIDS, cùng với đo tải lượng siêu vi trong máu, việc theo dõi số lượng tế bào T-CD4 định kì là vô cùng quan trọng, nhằm đánh giá sớm hiệu quả của thuốc, điều chỉnh phác đồ để củng cố hệ thống miễn dịch cho người bệnh, tránh mắc phải các bệnh lý cơ hội nguy hiểm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe