Bài viết được viết bởi ThS. BS. Bùi Thị Hồng Khang - Bác sĩ Giải phẫu bệnh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Khi bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi, màng tim hay màng bụng, các bác sĩ thường cho xét nghiệm tế bào dịch màng phổi, màng tim hay màng bụng và cell block.
1. Phân loại tràn dịch
Ở người có 3 khoang cơ thể chính: khoang màng phổi, khoang màng bụng và khoang màng tim. Khoang cơ thể được lót bởi một lớp tế bào trung mạc dẹt, nằm tựa trên một lớp mô liên kết chứa các sợi collagen, sợi chun, nhiều mạch máu và mạch bạch huyết và sợi thần kinh; tạo thành lá tạng (bao xung quanh phổi, đường tiêu hoá và tim) và lá thành (áp vào thành ngực, thành bụng và trung thất). (Hình 1)
Các khoang cơ thể thực ra là khoang ảo, chỉ chứa vài mililít dịch bôi trơn có thành phần cấu tạo như huyết thanh, gồm glucoz, chất điện giải và acid hyaluronic (1 glycosaminoglycan), giúp lá thành và lá tạng trượt lên nhau một cách dễ dàng trong các chuyển động của phổi, nhu động đường tiêu hoá và nhịp đập của tim. Dịch được tạo ra liên tục từ huyết tương trong lòng mạch, thấm qua lớp tế bào nội mô mạch máu để vào khoang cơ thể, sau đó được hút trở lại tĩnh mạch và mạch bạch huyết, dưới tác động của các yếu tố tác động như áp lực thủy tĩnh, áp lực thẩm thấu keo của huyết tương, tính thấm thành mạch và sự dẫn lưu vào mạch bạch huyết.
Chính sự cân bằng giữa các yếu tố này giúp duy trì lượng dịch trong khoang cơ thể chỉ có vài mililít, trong khi lượng dịch được tạo ra mỗi ngày có thể lên đến 5-10 lít; vì vậy, khi sự mất cân bằng này mất đi, dịch sẽ ứ lại trong khoang cơ thể, gây ra tình trạng tràn dịch (tràn dịch trong khoang màng bụng còn được gọi là cổ trướng).
Có thể phân biệt 2 loại dịch - dịch thấm và dịch xuất - dựa vào các đặc điểm khác biệt như được trình bày trong (bảng 1).
Dịch thấm | Dịch xuất | |
Tỷ trọng | <1,012 | >1,020 |
Protein | < 3 g% | ≥ 3 g% |
Đại thể | Trong, màu vàng lợt | Đục, màu sắc thay đổi |
Tế bào | Vài tế bào trung mạc và bạch cầu | Giàu tế bào (>300 tế bào /mm3 ) |
Nguyên nhân |
Suy tim, Suy thận ; Xơ gan, Hội chứng thận hư, Suy dinh dưỡng |
Bệnh lý viêm nhiễm ; U nguyên phát hoặc di căn |
Cơ chế bệnh sinh | Tăng áp lực thủy tĩnh ; Giảm áp lực thẩm thấu keo | Tăng tính thấm thành mạch ; Giảm dẫn lưu vào mạch bạch huyết |
2. Kỹ thuật tế bào học dịch cơ thể
Dịch khoang cơ thể được lấy ra bằng kim chọc hút hoặc ống dẫn lưu mục đích vừa điều trị (giải áp) vừa để lấy mẫu chẩn đoán bệnh (Hình 2).
Đối với mẫu dịch giầu tế bào, có thể phết trực tiếp trên lam; nếu không đủ tế bào, tiến hành ly tâm, lấy cặn lắng phết lam, phần cặn còn lại được đúc thành block tế bào (cell block) để cắt mỏng (các phết cắt mỏng này rất thuận tiện cho việc thực hiện các phương pháp nhuộm đặc biệt và hoá tế bào miễn dịch).
Đối với mẫu dịch có lẫn nhiều máu, có thể dùng phương pháp ly tâm gradient mật độ để tách riêng các tế bào cần quan tâm.
Tiêu bản tế bào học được cố định ướt hoặc khô và nhuộm theo phương pháp Papanicolaou hoặc May-Grunwald-Giemsa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo: Giáo trình Tế bào Học Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch