Trong cơ thể con người có khoảng 70 ngàn tỷ tế bào, trong số đó có một loại tế bào đặc biệt gọi là tế bào biểu mô. Vậy tế bào biểu mô là gì và u biểu mô có nguy hiểm không?
1. Tế bào biểu mô là gì?
Biểu mô được cấu trúc từ nhiều lớp tế bào khác nhau, lót ở mặt ngoài cơ thể, mặt trong các tạng và khoang tự nhiên. Các tế bào biểu mô nằm sát với nhau, ở giữa có các khe rất hẹp chứa dịch gian bào. Ngăn cách giữa biểu mô và mô liên kết bên dưới là màng đáy.
Nguồn gốc của tế bào biểu mô có thể từ ngoại bì (như như da, lớp niêm mạc xoang miệng, mũi, hậu môn...) hoặc nội bì (như thanh quản, khí quản, phế quản, niêm mạc ống tiêu hoá, gan mật bàng quang...). Bên cạnh các tạng thì các tuyến trong cơ thể cũng được lót bằng các tế bào biểu mô.
2. Đặc điểm của các tế bào biểu mô
Các tế bào biểu mô có các đặc điểm sau:
- Nguồn gốc đa dạng từ ngoại bì, nội bì hoặc trung bì;
- Biểu mô có cấu tạo rất chặt chẽ, gồm nhiều lớp và chất gian bào rất ít;
- Bên trong tế bào chứa nhiều sợi keratin;
- Tế bào biểu mô nhận chất dinh dưỡng thông qua thẩm thấu từ màng đáy, không có mạch máu nuôi dưỡng;
- Tế bào biểu mô là loại mô có khả năng tái tạo nhanh và mạnh;
- Lớp biểu mô có các nhiệm vụ như bảo vệ mô liên kết bên dưới, hấp thu, chế tiết, vận chuyển các chất...
3. Các loại tế bào biểu mô trong cơ thể người
3.1. Biểu mô phủ
Biểu mô phủ bên trong các tạng hoặc khoang tự nhiên trong cơ thể, bao gồm nhiều loại khác nhau:
- Biểu mô lát đơn: Cấu trúc là một lớp tế bào biểu mô nhiều hình dạng xếp thành lớp dẹt mỏng. Tế bào biểu mô lát đơn lót ở các cấu trúc như lá ngoài bao Bowman cầu thận, đoạn lên quai Henle của ống thận, các màng cơ thể như màng bụng, phổi, tim hoặc lót mặt trong mạch máu (lớp nội mô);
- Biểu mô vuông đơn: Cấu tạo từ một lớp tế bào biểu mô dạng vuông lót mặt trong các ống tuyến nhỏ, tiểu phế quản tận, nang tuyến giáp...;
- Biểu mô trụ đơn: Bao gồm các tế bào biểu mô hình trụ, xếp thành một lớp. Cực đỉnh các tế bào này có thể biến đổi để chứa chất nhầy của tế bào chế tiết hoặc xuất hiện các vi nhung mao, lông giả, lông chuyển...;
- Biểu mô trụ giả tầng có lông chuyển: Loại biểu mô này lót ở đường hô hấp. Thực chất chỉ có một lớp tế bào biểu mô dạng trụ đơn nhưng nhân tế bào nằm ở các độ cao khác nhau và có các tế bào dự trữ nên tạo cảm giác xếp thành từng tầng;
- Biểu mô lát tầng sừng hóa: Đặc biệt chỉ gặp ở da. Cấu tạo gồm 5 lớp từ ngoài vào trong: lớp tế bào sừng, lớp bóng, lớp tế bào hạt, lớp tế bào gai và lớp màng đáy.
- Biểu mô lát tầng không sừng: Gồm nhiều tế bào dạng lát xếp thành nhiều tầng lớp, lót ở mặt trong khoang miệng, đường tiêu hóa và âm đạo;
- Biểu mô vuông tầng: Gồm nhiều tế bào biểu mô hình vuông xếp thành nhiều tầng, gặp ở các tuyến nước bọt hoặc tuyến mồ hôi;
- Biểu mô niệu: Một loại biểu mô đặc biệt dễ nhận biết vì có dạng hình vợt. Loại tế bào biểu mô này chỉ gặp trong đường tiểu.
Các u biểu mô phát sinh từ tế bào biểu mô phủ bao gồm 2 loại là u nhú lành tính và ung thư biểu mô gai.
3.2. Biểu mô tuyến
Thực chất đây là các tế bào biểu mô bề mặt nhưng tiến triển sâu vào lớp mô đệm bên dưới và biến đổi thành biểu mô tuyến với chức năng chế tiết các chất. Cấu trúc biểu mô tuyến phụ thuộc vào tuyến đó là ngoại tiết hay nội tiết:
- Tuyến ngoại tiết: Tế bào biểu mô phân chia thành phần ống dẫn và phần chế tiết.
- Tế bào biểu mô phần ống dẫn có cấu tạo và chức năng trung gian giữa biểu mô phủ và biểu mô tuyến, do đó nó phủ mặt trong các ống dẫn nhưng không có khả năng chế tiết.
- Tế bào biểu mô phần chế tiết bản chất là các tế bào hình trụ, hình tháp hoặc đa diện, bên trong bào tương chứa các hạt có khả năng chế tiết.
- Tuyến nội tiết: Các tế bào biểu mô tuyến nội tiết có nhiệm vụ bài tiết các hormon có chức năng sinh lý vào máu. Biểu mô tuyến thường sắp xếp kiểu lưới, kiểu nang và kiểu tản mác;
Các u biểu mô phát sinh từ tế bào biểu mô tuyến bao gồm u tuyến lành tính và ung thư biểu mô tuyến.
4. U biểu mô là gì?
U biểu mô có cấu trúc khác biệt với u mô liên kết, các tế bào bất thường xếp sát nhau và sắp xếp thành từng đám, từng ổ hoặc thành dải. Các tế bào u biểu mô không liên kết với nhau mà giữa các đám hoặc ổ tế bào mới có các tổ chức liên kết.
Do lớp biểu mô không có mạch máu nên việc nuôi dưỡng, bài tiết và vận chuyển các chất chỉ diễn ra thông qua thẩm thấu màng đáy. Sau đó phần lớn chúng được tái hấp thu vào mạch máu, một số ít tái hấp thu theo đường bạch huyết nên các loại u biểu mô ác tính đa số di căn theo đường bạch mạch.
4.1. U biểu mô lành tính
4.1.1. U nhú (Papilloma )
U nhú là một trong các loại u biểu mô lành tính của các tế bào biểu mô phủ, hay gặp ở các vị trí như da, niêm mạc lưỡi, âm đạo, bể thận, niệu quản, bàng quang...
U nhú xảy ra do các tế bào biểu mô tăng sản quá mức, phát triển lên trên các tổ chức liên kết và lồi lên cao (dạng nhú). U nhú bao gồm 2 loại là u nhú lát tầng và u nhú niêm mạc.
4.1.2. U tuyến (Adenoma)
U tuyến là một u biểu mô lành tính, hay gặp và có cấu tạo tương tự với các tuyến bình thường. Thực tế, có nhiều khối được xem là u tuyến nhưng thực chất là những ổ tăng sản bù trừ. Ví dụ, khi một phần mô gan tổn thương sẽ kích thích các mô gan còn lại tăng sản tạo một tổ chức mới, nhô lên trên mặt gan và bị hiểu lầm là u tuyến.
Cấu trúc của u tuyến rất khác nhau tùy thuộc vào tuyến sinh ra nó. Khối u tuyến phải có vỏ bọc rõ, hình ảnh trên kính hiển vi có thể tương tự với các tuyến bình thường. Cấu trúc có thể là các u tuyến dạng ống (như vú, dạ dày, ruột non, tụy...) hoặc dạng bè, dải (như gan, thượng thận...). Bên trong được lót bởi nhiều lớp tế bào biểu mô bất thường nhưng hình dáng tuyến vẫn hoàn toàn bình thường, không phá huỷ màng đáy hoặc xâm lấn vào mô liên kết bên dưới.
Tế bào u biểu mô tuyến ở dạ dày và ruột thường có dạng thân dài do ảnh hưởng của nhu động co bóp. Do đó, u biểu mô dạng này thường lồi vào bên trong dạ dày ruột giống như một polyp nên còn gọi là u tuyến dạng polyp hay polyp tuyến.
Đặc biệt, mặc dù là u biểu mô lành tính nhưng các u tuyến đường tiêu hóa vẫn có khả năng hóa ác tính với tỷ lệ khoảng 5-20% ở dạ dày và 10% ở đại tràng.
Một dạng đặc biệt của u biểu mô tuyến là khi các tế bào lót mặt trong các ống tuyến giãn to ra do các chất chế tiết và tạo thành các nang. Do đó, còn có tên gọi là u nang tuyến (cystadenoma) và hay gặp nhất ở buồng trứng.
4.2. U biểu mô ác tính (carcinoma hoặc epithelioma)
U biểu mô ác tính hay còn gọi là ung thư biểu mô có đặc điểm là xâm lấn vào hệ thống bạch huyết và di căn các tổ chức liên kết quanh nó. U biểu mô ác tính hay gặp hơn ung thư sarcoma.
Các tế bào ác tính sắp xếp kiểu biểu mô, liên kết thành từng nhóm hoặc thành ống hoặc túi. Tổ chức liên kết chỉ có giữa các nhóm tế bào chứ không có giữa các tế bào. U biểu mô ác tính hay ung thư biểu mô có thể lan tỏa theo các cách sau:
- Xâm lấn vào tổ chức liên kết xung quanh;
- Xâm lấn vào hệ thống mạch bạch huyết;
- Xâm lấn vào các hạch bạch huyết lân cận hoặc có thể di căn đến các hạch ở xa thông qua đường bạch huyết;
- Di căn đến các phủ tạng ở xa thông qua đường mạch máu.
Biểu mô được cấu trúc từ nhiều lớp tế bào khác nhau. Các tế bào biểu mô nằm sát với nhau, ở giữa có các khe rất hẹp chứa dịch gian bào. Ngăn cách giữa biểu mô và mô liên kết bên dưới là màng đáy.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.