Tẩy da chết là một quá trình loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt da bằng cách sử dụng các chất hóa học, chất dạng hạt hoặc công cụ tẩy da chết. Tùy thuộc vào từng loại da mà có những cách chăm sóc da khác nhau. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tham khảo ý kiến của các chuyên gia da liễu để có phương pháp tẩy da chết phù hợp.
1. Tẩy da chết có tác dụng gì?
Tẩy da chết là quá trình loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt da bằng cách sử dụng các chất hóa học, chất dạng hạt hoặc công cụ tẩy da chết. Thông thường, da của con người có cơ chế tự làm sạch và loại bỏ các tế bào da chết, để nhường chỗ cho các tế bào mới sau khoảng 30 ngày hoặc lâu hơn. Tuy nhiên, tế bào chết không rụng hoàn toàn và điều này có thể dẫn đến các mảng khô, bong tróc và bít tắc lỗ chân lông.
Tẩy da chết có thể giúp làn da của bạn trông sáng hơn và cải thiện hiệu quả của các sản phẩm chăm sóc da tại chỗ bằng cách tăng cường khả năng hấp thụ. Tẩy da chết thường xuyên cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn, giúp da ít nổi mụn trứng cá hơn. Bên cạnh đó, tẩy tế bào chết trong thời gian dài có thể làm tăng sản xuất collagen. Collagen chính là chìa khóa cho làn da tươi sáng, tràn đầy sức sống. Bên cạnh đó, protein cũng thúc đẩy độ đàn hồi của da, giảm thiểu sự xuất hiện của nếp nhăn và chảy xệ.
XEM THÊM: Cách tẩy tế bào chết an toàn theo từng loại da
2. Bạn nên bắt đầu tẩy da chết như thế nào?
Để bắt đầu tẩy da chết thì trước tiên bạn nên tìm hiểu xem làn da của bạn thuộc loại nào, sau đó tìm phương pháp tẩy da chết phù hợp và cuối cùng là lựa chọn sản phẩm sử dụng rồi tiến hành tẩy da chết hàng tuần. Thông thường, bạn chỉ chỉ nên tẩy da chết từ 1-2 lần để mang lại hiệu quả tốt nhất, không nên tẩy quá nhiều vì có thể làm da khô và bong tróc.
Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn thời điểm tẩy da chết phụ thuộc vào thói quen và sở thích cá nhân. Nếu bạn cảm thấy da bị xỉn màu vào buổi sáng, hãy tiến hành tẩy tế bào trên trước khi bắt đầu ngày mới. Mặt khác, tẩy da chết vào buổi tối có thể giúp loại bỏ lớp trang điểm còn sót lại. Tuy nhiên, bạn cần tránh tẩy tế bào chết nếu có vết loét hoặc vết cắt trên da.
XEM THÊM: Thứ tự sử dụng các sản phẩm chăm sóc da
2.1 Phân loại các loại da
Việc phân loại làn da có thể giúp bạn lựa chọn được phương pháp phù hợp, giúp đem lại hiệu quả cao nhất và giảm thiểu nguy cơ bị kích ứng. Làn da được chia làm 6 loại bao gồm:
- Da bình thường: là loại da thông thoáng và không dễ bị kích ứng. Những người có làn da này có thể thử bất kỳ kỹ thuật hoặc sản phẩm tẩy da chết nào mà không gặp phải tác dụng phụ. Sau đó, bạn có thể lựa chọn biện pháp đem lại hiệu quả cao nhất và phụ thuộc vào sở thích cá nhân.
- Da nhạy cảm: là làn da thường bị châm chích hoặc bị kích ứng sau khi sử dụng các sản phẩm mới. Trong một số trường hợp, da nhạy cảm là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn và cần thận trọng khi sử dụng cả sản phẩm hóa học để tẩy da chết. Nếu bạn là người có làn da nhạy cảm tốt nhất nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để lựa chọn được phương pháp tẩy da chết phù hợp, giảm thiểu biến chứng có thể xảy ra.
- Da khô: là làn da thường bong tróc hoặc khô ráp. Da khô thường phải sử dụng kèm với kem dưỡng ẩm sau khi tẩy tế bào chết.
- Da dầu: là làn da nhờn bóng và có cảm giác nhờn của dầu. Những người có da dầu thường có thể sử dụng các sản phẩm tẩy tế bào hóa học và vật lý.
- Da hỗn hợp: là làn da có đặc điểm kết hợp cả da khô và da dầu. Nếu bạn có làn da hỗn hợp nên tập trung tẩy vào từng khu vực riêng lẻ và phải thay thế các sản phẩm khi cần thiết. Có thể sử dụng sản phẩm tẩy da chết hóa học trên vùng da nhờn một ngày và trên vùng da khô vào ngày hôm sau.
- Da dễ bị mụn: da dễ bị mụn hoặc đã bị mụn trứng cá từ nhẹ đến trung bình nên lựa chọn các sản phẩm có chứa retinoid, acid salicylic hoặc acid glycolic.
2.2 Lựa chọn phương pháp tẩy da chết
Phương pháp vật lý
Tẩy da chết bằng phương pháp vật lý là sử dụng tay hay dụng cụ hỗ trợ để chà sát lên bề mặt da và có kèm theo các sản phẩm tẩy da chết. Bạn có thể sử dụng tẩy tế bào chết bằng bàn chải cơ thể hoặc xơ mướp, đây đều là những phương pháp phổ biến.Ưu điểm lớn nhất của phương pháp tẩy da chết vật lý là dễ tiếp cận. Bạn có thể thực hiện tại nhà chỉ với một chiếc khăn lau từ vải hoặc một miếng bọt biển, đá bọt, găng tay tẩy tế bào chết, bàn chải khô,... Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng cách tẩy da chết bằng phương pháp vật lý đôi khi có thể gây kích ứng da và có thể làm mất nước qua lớp biểu bì. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng kèm với dầu dưỡng ẩm nhằm giúp giảm thiểu kích ứng da và khóa ẩm.
Phương pháp hóa học
Tẩy da chết bằng phương pháp hóa học là sử dụng các hóa chất khác nhau bao gồm acid hydroxy và retinol cùng với các enzym để làm mới làn da. Phương pháp hóa học có thể sẽ mang lại kết quả tốt hơn so với phương pháp vật lý. Tuy nhiên, tẩy da chết hóa học cũng có thể gây kích ứng da nếu không thực hiện đúng cách. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu về sản phẩm hóa học phù hợp với làn da của mình.
Một số sản phẩm hóa học được sử dụng bao gồm: Acid alpha hydroxy (AHA): là một nhóm các acid hòa tan trong nước thường có nguồn gốc từ trái cây có đường. Các acid này giúp là bong tróc bề mặt da để nhường chỗ cho các tế bào mới. Tùy thuộc vào từng loại AHA, chúng có thể làm tăng sắc tố nhẹ, mở rộng lỗ chân lông, màu da không đều,...
Các loại AHA phổ biến như:
- Acid glycolic: nguồn gốc từ đường mía
- Acid lactic: được tìm thấy trong sữa và rau.
- Acid citric: được tìm thấy trong trái cây họ cam quýt
- Acid tartaric: nguồn gốc từ nho
- Acid malic: được tìm thấy trong táo
Acid beta hydroxy (BHA): là sản phẩm tan trong dầu, các acid này đi sâu vào nang lông để làm khô dầu thừa và tế bào chết, giúp thông thoáng lỗ chân lông. Do vậy, các sản phẩm Acid beta hydroxy chủ yếu được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và tác hại của ánh nắng mặt trời. Acid salicylic là sản phẩm BHA phổ biến nhất, được biết đến như một phương pháp điều trị mụn trứng cá, bên cạnh đó chúng cũng có thể làm dịu các vết sưng tấy và mẩn đỏ nói chung.
Retinoids: là một nhóm thuốc có nguồn gốc từ vitamin A, có tác dụng giảm thiểu các dấu hiệu lão hóa, điều trị mụn trứng cá và làm dịu làn da bị tổn thương do tác dụng của ánh nắng mặt trời. Retinoids hoạt động bằng cách bảo vệ làn da khỏi các gốc tự do và thúc đẩy sản xuất collagen. Retinoids khác nhau về nồng độ, một số loại bôi ngoài da bao gồm:
Retinol, Adapalene, Alitretinoin, Tretinoin, Bexarotene, Tazarotene
XEM THÊM: Tretinoin cho mụn trứng cá: Cách sử dụng, công dụng, hiệu quả và tác dụng phụ
3. Cách lựa chọn sản phẩm
Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu để có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với loại da của bạn. Một số lưu ý khi lựa chọn sản phẩm tẩy tế bào chết bao gồm:
- Kiểm tra phạm vi sử dụng: Không nên sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết dành cho cơ thể trên mặt. Tẩy tế bào chết toàn thân thường gây hậu quả nghiêm trọng hơn khi sử dụng sai cách và có thể làm rách các mô mỏng trên khuôn mặt.
- Sử dụng một sản phẩm tại một thời điểm: Không nên sử dụng nhiều hơn một sản phẩm tẩy da chết cùng một lúc. Sử dụng nhiều sản phẩm tẩy tế bào chết trên cùng một vùng da có thể làm tổn thương da, và dẫn tới những tác dụng phụ không mong muốn.
- Chuyển đổi sản phẩm phù hợp nhu cầu: Bạn cần phải sử dụng các sản phẩm khác nhau khi nhu cầu chăm sóc da của bạn thay đổi. Ví dụ nếu da bạn trở nên nhờn hãy cân nhắc sử dụng sản phẩm có thành phần chứa than hoạt tính.
Tóm lại, tẩy da chết là quá trình loại bỏ các tế bào chết trên bề mặt da bằng cách sử dụng hóa chất, chất dạng hạt hoặc công cụ tẩy da chết. Tẩy da chết có tác dụng giúp làn da trông sáng hơn, ngăn ngừa tình trạng lỗ chân lông bị tắc nghẽn, giúp da ít nổi mụn. Bên cạnh đó, tẩy tế bào chết trong thời gian dài có thể làm tăng sản xuất collagen làm cho làn da tươi sáng, tràn đầy sức sống. Để bắt đầu tẩy da chết hiệu quả và phòng ngừa tác dụng không mong muốn, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa da liễu để được đánh giá tình trạng da và lựa chọn phương pháp phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com