Tập vận động sớm cho người bị đột quỵ não

Đột quỵ não bao gồm những bệnh lý đột ngột, có tính chất khu trú ở hệ thần kinh trung ương do giảm cung cấp máu tới não. Bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm như liệt nửa người và là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau ung thư và tim mạch. Tập vận động sớm cho người bị đột quỵ não góp phần làm giảm tử lệ tử vong do biến chứng viêm phổi, nhiễm trùng tiểu .... hạn chế bị loét và giúp người bệnh mau hồi phục.

1. Đột quỵ não là gì?

Đột quỵ não hay còn có tên gọi tai biến mạch máu não là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi quá trình máu cung cấp cho não bị giảm do gián đoạn hoặc có một mạch máu trong não bị vỡ. Khi đó, lượng oxy và dinh dưỡng nuôi các tế bào não sẽ bị giảm đáng kể.

Chỉ trong vòng vài phút, các tế bào não sẽ dần chết và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

2. Biến chứng đột quỵ não

Những biến chứng đột quỵ não có thể kể đến như:

  • Khó khăn khi di chuyển, cử động
  • Cứng, co rút hoặc biến dạng khớp. Co cứng là các cơ bị cứng không chủ đích, kể cả khi nghỉ ngơi, gây cản trở tới vận động, sinh hoạt hàng ngày. Cơ ở nửa người bên bị liệt co cứng và ngắn hơn so với bên lành.
  • Tay bị liệt
  • Phần hông bị liệt cao hơn bên còn lại
  • Khớp háng, gối, cổ chân bị duỗi
  • Khó khăn trong giao tiếp như: nói khó, nói ngọng, nói không rõ tiếng,..., rối loạn nuốt, đọc và viết kém.
  • Không tự thực hiện được các hoạt động, sinh hoạt cá nhân, cần sự trợ giúp của người khác hoặc dụng cụ hỗ trợ.

Tập vận động sớm cho người bị đột quỵ não giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục
Tập vận động sớm cho người bị đột quỵ não giúp người bệnh nhanh chóng hồi phục

3. Phục hồi chức năng sau đột quỵ não

Chỉ định phục hồi chức năng sớm khi bệnh nhân đạt đủ 3 điều kiện sau:

  • Cho người bệnh bị đột quỵ não trên 18 tuổi
  • Điểm NIHSS < 16 HOẶC điểm Rankin cải biên (mRS) < 4.
  • Huyết áp đo được trung bình 80 - 100mmHg.

Không có các chống chỉ định khác và cần tiến hành cho bệnh nhân thực hiện sau khi bị đột quỵ não 2 ngày.

Chuẩn bị gồm có:

  • Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng. Kỹ thuật viên vật lý trị liệu
  • Máy móc, thiết bị: Máy đo huyết áp, máy đo SpO2

Các bước tiến hành gồm có:

  • Bước 1: Chỉ định cho bệnh nhân ngồi sớm dựa vào tiêu chuẩn, sự hội chẩn và đồng thuận của hội đồng, bao gồm cả bác sĩ lâm sàng và bác sĩ phục hồi chức năng.
  • Bước 2: Kiểm tra mạch và huyết áp của người bệnh. Vẫn lưu máy đo để theo dõi.
  • Bước 3: Nâng cao đầu giường lên chậm đến khoảng 30 -45 độ, dừng lại vài phút,kiểm tra huyết áp người bệnh. Nếu huyết áp tâm thu không hạ quá 20 cm thủy ngân so với tư thế nằm thì tiếp tục quay giường lên cao đến khi bệnh nhân ở tư thế ngồi (chú ý: hai chân vẫn để trên giường). Sau đó kiểm tra huyết áp sau 5 phút nếu huyết áp ổn, cho người bệnh ngồi với 2 chân thòng ra buông thõng tự do ngoài cạnh giường 5 phút cho lần ngồi dậy đầu tiên. Cho người bệnh ngồi với tư thế này khoảng 10 - 20 phút. Trong thời gian này tiếp tục theo dõi huyết áp tâm thu và tình trạng tri giác người bệnh. Nếu huyết áp tâm thu hạ quá 20cm thủy ngân so với tư thế nằm hoặc tri giác người bệnh xấu hơn (lẫn lộn hơn trước khi ngồi): Tiến hành cho người bệnh nằm xuống lại.
  • Bước 4: Nếu cho người bệnh ngồi lần đầu tiến hành thuận lợi, bác sĩ có thể quyết định cho người bệnh tập đứng vào ngày hôm sau và có thể tiến hành sớm sang việc di chuyển bằng phương tiện hỗ trợ như sang ghế hoặc xe lăn. Thời gian sau khi tình trạng người bệnh đã được cải thiện nhiều: kỹ thuật viên sẽ hướng dẫn người bệnh và người nhà hỗ trợ giúp đỡ người bệnh cách tự ngồi dậy. Đến khi người bệnh ngồi tương đối vững, có thể cho người bệnh tập tự ngồi và tập trượt hai tay trên bàn để chuẩn bị cho bài tập thăng bằng và đứng lên ngồi xuống sau này. Thời gian tập phụ thuộc tình trạng sức khỏe của người bệnh, có thể từ 10 - 30 phút.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn: Bộ y tế

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe