Tập tạ có bị lùn không?

Ngành chăm sóc sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp luôn tồn tại những quan niệm kỳ lạ, bất kể lời khuyên khoa học từ các chuyên gia. Một câu hỏi thường xuất hiện trong giới thể hình đó chính là tập tạ có bị lùn không? Nếu bạn là cha mẹ của một đứa trẻ dưới 18 tuổi, bạn có thể tự hỏi liệu các bài tập rèn luyện sức khỏe mà trẻ đang tập tại phòng tập có làm giảm tốc độ phát triển của con hay không?

1. Tập tạ bị lùn từ góc nhìn khoa học

Tập tạ có bị lùn không? Quan điểm hoang đường cho rằng trẻ em sẽ ngừng phát triển nếu chúng nâng tạ khi còn quá nhỏ hay tập tạ bị lùn không được chứng minh bởi bất kỳ nghiên cứu hoặc bằng chứng khoa học nào.

Các chứng khoa học và nghiên cứu ngược lại còn rất ủng hộ các chương trình huấn luyện về sức khỏe được thiết kế và giám sát phù hợp, chúng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho trẻ em, bao gồm:

  • Tăng cường sức khỏe và chỉ số sức mạnh của xương (BSI);
  • Giảm nguy cơ gãy xương và giảm tỷ lệ chấn thương liên quan đến thể thao;
  • Phát triển sự tự tin và sự hứng thú với các hoạt động rèn luyện thể chất.

2. Tại sao mọi người tin rằng tập tạ bị lùn?

Rất có thể quan niệm cho rằng việc nâng tạ gây ảnh hưởng xấu đến sự tăng trưởng của trẻ em xuất phát từ mối quan tâm về việc trẻ em có thể bị tổn hại đến các sụn tăng trưởng của chúng nếu chúng tham gia vào các bài tập đòi hỏi nhiều sức mạnh. Tiến sĩ Rob Raponi - một bác sĩ chữa bệnh theo liệu pháp tự nhiên và là một chuyên gia dinh dưỡng thể thao đã được chứng nhận cho biết: quan niệm sai lầm cho rằng việc nâng tạ gây nguy hiểm cho sự phát triển xương bắt nguồn từ thực tế chấn thương đối với các sụn tăng trưởng trong xương chưa trưởng thành có thể làm chậm sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, ông chỉ ra rằng chấn thương sụn tăng trưởng có thể xuất phát từ việc thực hiện sai tư thế, trọng lượng tạ quá nặng và thiếu sự huấn luyện của người có chuyên môn. Việc tập tạ bị lùn không phải là kết quả của việc nâng tạ một cách chính xác, hay dễ hiểu hơn việc nâng tạ đúng không làm ảnh hưởng đến vấn đề lùn hay cao của người tập.

Trên thực tế, việc tham gia vào hầu hết các loại hình thể thao hoặc hoạt động giải trí nào đều có nguy cơ dẫn đến chấn thương. Có khoảng 15 - 30% trường hợp gãy xương ở trẻ em ảnh hưởng đến các sụn tăng trưởng.

Sụn tăng trưởng là các vùng sụn của mô đang phát triển ở đầu các xương dài (ví dụ như xương đùi). Các sụn này biến thành xương cứng khi trưởng thành, trước đó nó ở trạng thái mềm hơn trong quá trình phát triển, vì vậy sụn rất dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, các sụn tăng trưởng dễ bị hư hại không có nghĩa là thanh thiếu niên hoặc thiếu niên nên tránh nâng tạ.

Chris Wolf, DO - chuyên gia y học thể thao và chỉnh hình tái tạo tại Bluetail Medical Group - cho biết: lời khuyên từ các chuyên gia y tế đó là tập tạ ở trẻ em dưới 18 tuổi là an toàn khi được thực hiện đúng cách.

XEM THÊM: Có phải tập thể dục tăng chiều cao?


Các chuyên gia y tế khuyến cáo người tập nên tập tạ đúng kỹ thuật
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người tập nên tập tạ đúng kỹ thuật

3. Cách tập tạ an toàn

Nếu muốn bắt đầu một chương trình tập tạ an toàn, có nhiều điều mà người tập nhất là đối tượng dưới 18 tuổi cần lưu ý bao gồm những điều sau đây:

3.1. Chậm lại

Việc chinh phục các mức tạ nặng không phải là việc có thể làm chỉ trong một sớm một chiều. Điều quan trọng nhất của việc tập tạ bất kể tại phòng tập hay tập tạ tại nhà đó là: thực hiện từ từ và tiến bộ dần dần.

Điều này có nghĩa là người tập tạ cần bắt đầu với trọng lượng nhẹ, số lần tập lặp lại cao hơn, nên tập trung vào việc thực hiện các chuyển động và tư thế tập hơn là số lượng trên quả tạ.

3.2. Số lượng tạ nâng được không do kích thước cơ bắp quyết định

Tiến sĩ Alex Tauberg, DC, CSCS, CCSP cho biết, trẻ em không nên nâng tạ với mục đích làm tăng kích thước cơ bắp một cách đáng kể. Trên thực tế, phần lớn lợi ích mà một đứa trẻ nhận được từ việc nâng tạ sẽ là phát triển hệ thần kinh cơ.

Ông giải thích: “Khi một đứa trẻ có thể nâng được trọng lượng tạ nặng hơn thì đó là do hiệu suất làm việc của cơ bắp tăng lên, chứ không phải là do kích thước của cơ bắp tăng lên.” Các chương trình huấn luyện cần được thiết kế với lưu ý này.

3.3. Tuổi tác chỉ là con số

Việc xác định thời điểm trẻ em hoặc thanh thiếu niên sẵn sàng để bắt đầu chương trình tập tạ nên được thực hiện dựa trên cơ sở cá nhân, không phải theo độ tuổi.

Tiến sĩ Adam Rivadeneyra, một bác sĩ y học thể thao của Viện chỉnh hình Hoag cho biết: “Tập tạ được xem là an toàn và sẵn sàng nhất khi người tập đủ nhận thức để tuân theo các quy tắc tập luyện và phải được sự huấn luyện thích hợp.

3.4. Bắt đầu từ cơ bản

Tiến sĩ Rob Raponi tin rằng: miễn là việc tập tạ được thực hiện một cách an toàn, có sự giám sát và đủ sự hứng thú thì không có độ tuổi nào là sai để bắt đầu tập luyện sức bền.

Tiến sĩ Rob Raponi khuyên người tập nên bắt đầu với các bài tập cải thiện trọng lượng cơ thể: “hít đất, Squat cơ bản với trọng lượng cơ thể, gập bụng và plank là những hình thức tập luyện sức bền tuyệt vời, an toàn và không cần dùng cần tạ.”


Người tập nên bắt đầu từ các bài cơ bản như hít đất
Người tập nên bắt đầu từ các bài cơ bản như hít đất

3.5. Giám sát thích hợp là chìa khóa

Để đảm bảo an toàn cho người tập là trẻ vị thành niên hoặc thanh thiếu niên quan tâm đến việc nâng cao sức mạnh, các bài tập cần được giám sát bởi một huấn luyện viên cá nhân hoặc người được đào tạo về cách hướng dẫn nâng tạ cho trẻ em.Nếu các bậc phụ huynh có bất kỳ lo lắng nào về việc con bạn tham gia chương trình tập tạ, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa trước khi trẻ bắt đầu.

Tập tạ bị lùn là những quan điểm sai lầm. Vì thế, để trẻ phát triển chiều cao toàn diện và vẫn có thể tham gia các môn thể thao tập tạ mình yêu thích thì cha mẹ có thể khuyến khích trẻ cách tập tạ an toàn, có thể đến các trung tâm thể hình để được các huấn luyện viên hướng dẫn, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe