Tập thể dục ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Tiến Đạt - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Tim mạch - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Cao huyết áp là căn bệnh phổ biến thường gặp ở người cao tuổi và để lại biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe. Tập thể dục là thói quen tốt để rèn luyện cơ thể, vậy việc luyện tập thể thao ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?

1. Tăng huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực của máu đẩy vào thành động mạch. Động mạch mang máu từ trái tim đến các bộ phận khác trong cơ thể. Huyết áp được đo bằng hai số: huyết áp tâm thu đo áp lực trong động mạch khi tim đập; huyết áp tâm trương đo áp lực trong động mạch khi tim nghỉ giữa các nhịp đập. Huyết áp của người bình thường nằm trong khoảng 120/80 mmHg.

Cao huyết áp (còn gọi là tăng huyết áp) là tình trạng huyết áp cao hơn bình thường. Bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị cao huyết áp nếu huyết áp tâm thu biểu hiện ở mức ≥140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg. Mức huyết áp càng cao thì càng có nhiều nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tim, và đột quỵ não.

Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?

Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.

2. Tập thể dục ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?

Không thể phủ nhận vai trò của việc tập thể dục trong việc nâng cao sức khoẻ của con người. Vậy tập thể dục ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?


Tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe của con người
Tập thể dục giúp nâng cao sức khỏe của con người

Các nhà khoa học đã cho thấy rằng việc tập thể dục làm tăng huyết áp tâm thu, nhưng huyết áp tâm trương không thay đổi đáng kể trong khi tập thể dục. Các hoạt động thể dục như như bơi lội, đạp xe và chạy làm cho cơ bắp hoạt động nhiều và cần nhiều oxy hơn so với khi nghỉ ngơi. Do đó tim bắt đầu bơm mạnh hơn và nhanh hơn để lưu thông máu cung cấp oxy cho cơ bắp. Kết quả là huyết áp tâm thu tăng, trung bình huyết áp tâm thu tăng lên từ 160 đến 220 mmHg khi tập thể dục, vì thế hãy ngừng tập thể dục nếu huyết áp tâm thu của bạn vượt quá 200 mmHg. Vượt quá 220 mmHg thì nguy cơ mắc bệnh tim của bạn tăng lên.

Các yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch khi tập thể dục. Trong những yếu tố này, có chế độ ăn uống, điều kiện y tế và thuốc. Nhìn chung, huyết áp sẽ trở lại bình thường trong vòng vài giờ sau khi tập luyện.

2.1. Tập thể dục cho những người có nguy cơ hoặc bị huyết áp cao

Việc tập thể dục thường an toàn cho những người có nguy cơ huyết áp cao hoặc đang bị huyết áp cao. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, trước khi tập thể dục hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn những phương pháp tập hiệu quả. Bởi vì, tập thể dục có thể liên quan đến việc:

  • Sử dụng thuốc hạ huyết áp
  • Chọn hoạt động thể dục phù hợp
  • Chọn thời gian về chế độ tập thể dục

Ngoài ra, để đảm bảo việc kiểm soát tình trạng huyết áp tốt nhất thì người bệnh nên theo dõi huyết áp trước, trong và sau khi tập luyện.


Bệnh nhân nên theo dõi tình trạng huyết áp trong suốt quá trình luyện tập
Bệnh nhân nên theo dõi tình trạng huyết áp trong suốt quá trình luyện tập

2.2. Tập thể dục cho người bị huyết áp thấp

Trước khi bắt đầu tập thể dục, người bệnh hãy liên hệ để nhận được sự tư vấn của bác sĩ nếu bạn có tiền sử mắc bệnh huyết áp thấp (hạ huyết áp). Tập thể dục, đặc biệt là tập thể dục liên quan đến những thay đổi đột ngột về tư thế có thể gây ra các triệu chứng, bao gồm chóng mặt, mờ mắt và buồn nôn.

Đối với người huyết áp thấp, việc tập thể dục cũng có thể có lợi trong việc điều trị, bởi nó giúp cải thiện lưu thông máu. Tuy nhiên, nếu bị huyết áp thấp bạn nên chọn các hoạt động vừa phải và không nên thay đổi vị trí đột ngột.

3. Biến chứng huyết áp khi tập thể dục

Tăng hoặc giảm huyết áp trong khi tập thể dục có thể là một dấu hiệu của một tình trạng y tế. Cụ thể:

3.1. Huyết áp tăng đột biến

Tăng huyết áp đột ngột trong hoặc sau khi tập thể dục có thể là một dấu hiệu của:

  • Người có nguy cơ bị tăng huyết áp
  • Bị tăng huyết áp
  • Tăng huyết áp tập thể dục

Nếu huyết áp của bạn tăng nhanh với chỉ số 180/120mmHg hoặc cao hơn thì bạn cần được thăm khám và sự hỗ trợ từ các nhân viên y tế. Nếu tình trạng huyết áp không được giám sát trong phạm vi này có thể gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.


Huyết áp tăng đột biến khi tập có thể gây ra các cơn đau tim
Huyết áp tăng đột biến khi tập có thể gây ra các cơn đau tim

3.2. Huyết áp giảm

Giảm huyết áp đáng kể sau khi tập thể dục là một yếu tố nguy cơ phát triển hoặc bị tăng huyết áp và có liên quan đến bệnh tim.

Vì thế, bạn nên nói chuyện với bác sĩ nếu cơ thể thấy bất kỳ vấn đề sau đây:

  • Huyết áp tăng đột biến sau khi tập thể dục.
  • Huyết áp giảm mạnh sau khi tập thể dục.
  • Huyết áp không thay đổi trong khi tập thể dục.
  • Huyết áp tâm thu vượt quá 200 mmHg trong hoặc sau khi tập thể dục.
  • Huyết áp tâm trương thay đổi đáng kể trong khi tập thể dục.
  • Chỉ số huyết áp vượt quá 180/120mmHg trong hoặc sau khi tập thể dục.

Huyết áp có thể tăng hoặc giảm trong khi tập thể dục, tuy nhiên sau khi nghỉ ngơi chỉ số huyết áp có thể trở lại bình thường. Trong trường hợp tập thể dục bị tăng huyết áp đột biến hoặc giảm huyết áp không thể kiểm soát có thể là một dấu hiệu của một bệnh lý, bạn cần thăm khám và chẩn đoán để hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cdc.gov, healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe