Tăng sản tuyến vú (ống tuyến vú và tiểu thùy tuyến vú)

Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Thị Phương Chi - Bác sĩ chuyên khoa ung bướu, Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Tăng sản tuyến vú là một tình trạng bệnh lý tuyến vú lành tính, nó thường không gây triệu chứng gì như đau hoặc khối u mà thường được phát hiện một cách tình cờ. Bệnh xảy ra là do khi có một số tế bào lót biểu mô bề mặt ống tuyến hoặc tiểu thùy tuyến vú tăng sinh. Tăng sản ống tuyến vú có thể là tăng sản ống tuyến điển hình hoặc không điển hình tùy theo hình thái mô học khi quan sát vi thể.

Khi tăng sản tuyến vú xảy ra ở các tiểu thùy (các tế bào lót tuyến sữa) thì được gọi là tăng sản tiểu thùy tuyến vú. Tần suất xảy ra tăng sản tiểu thùy và tăng sản ống tuyến vú là tương đương nhau. Và nguy cơ diễn tiến thành ung thư tuyến vú cũng tương tự nhau.

1. Tăng sản tuyến vú thông thường (điển hình)

Tăng sản tuyến vú thông thường là dạng thường gặp nhất của tăng sản tuyến vú. Trong tăng sản tuyến vú thông thường, các tế bào được quan sát thấy sự tăng sinh về số lượng nhưng bình thường về hình dạng và cấu trúc tế bào. Phụ nữ có tăng sản tuyến vú thông thường thì tăng nguy cơ ung thư vú gấp 2 lần so với không có tăng sinh tuyến vú.

Trắc nghiệm: Những lầm tưởng và sự thật về ung thư vú

Ung thư vú có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nữ giới khiến họ rất lo sợ bản thân mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, không ít chị em có những hiểu biết thái quá về ung thư vú. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn loại bỏ được những nghi ngờ không đúng về căn bệnh này.

Bài dịch từ: webmd.com

2. Tăng sản tuyến vú không điển hình

Tăng sản tuyến vú không điển hình cũng là một tổn thương lành tính. Người ta quan sát thấy có sự gia tăng phân chia của các tế bào bất thường. Bệnh ít gặp hơn tăng sản tuyến vú thông thường, khoảng 5% trường hợp các khối u vú có hiện tượng tăng sản không điển hình.

Tăng sản tuyến vú không điển hình làm tăng nguy cơ ung thư vú gấp 3-5 lần so với nguy cơ ở phụ nữ bình thường. Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng một phụ nữ có tăng sản tuyến vú không điển hình có 29% nguy cơ phát triển thành ung thư vú trong vòng 25 năm.

Tăng sản ống tuyến vú không điển hình thường được gọi tắt là ADH, tăng sản tiểu thùy tuyến vú không điển hình thường được gọi tắt là ALH.

Trong suốt đời sống, nếu các tế bào của tổn thương tăng sản không điển hình này tiếp tục phân chia và trở nên bất thường hơn, thì tổn thương tăng sản có thể chuyển thành tổn thương ung thư tại chỗ hoặc không xâm lấn.


Các dạng tăng sản tuyến vú không điển hình
Các dạng tăng sản tuyến vú không điển hình

3. Những phụ nữ nào thường gặp tăng sản tuyến vú nhất?

Tăng sản tuyến vú được xem như một phần của sự thay đổi tự nhiên theo thời gian của tuyến vú, thường xảy ra ở phụ nữ từ trên 35 tuổi, tuy nhiên có thể gặp ở bất cứ độ tuổi nào.

Tăng sản tuyến vú thông thường và không điển hình cũng có thể gặp ở nam giới, tuy nhiên khả năng rất hiếm gặp.

4. Nguyên nhân gây tăng sản tuyến vú

Không có nguyên nhân rõ ràng của tăng sản tuyến vú không điển hình. Tăng sản tuyến vú không điển hình xảy ra khi các tế bào tuyến vú thay đổi bất thường về số lượng, kích thước, hình dáng, cách thức tăng sinh. Tăng sản không điển hình tuyến vú được cho là một sự diễn biến phức tạp của tế bào dẫn đến ung thư vú. Quá trình dẫn đến ung thư vú bao gồm:

Một số trường hợp được cho rằng tăng sản tuyến vú xảy ra ở những phụ nữ có u nhú trong ống tuyến vú.

5. Chẩn đoán tăng sản tuyến vú

Tăng sản không điển hình tuyến vú không gây triệu chứng gì đặc biệt như đau hay khối u, chúng thường được phát hiện tình cờ khi chụp nhũ ảnh hoặc siêu âm. Chẩn đoán xác định cần phải bằng sinh thiết (bằng kim hoặc bằng phẫu thuật sinh thiết) để có kết quả giải phẫu bệnh.

Sinh thiết bằng phẫu thuật đôi khi cần cắt rộng tại chỗ (cắt một phần tuyến vú) để lấy được hoàn toàn mô tổn thương vì bác sĩ giải phẫu bệnh có thể cần một mẫu mô lớn hơn để xác định có tổn thương ung thư tại chỗ hoặc xâm lấn không.


chụp nhũ ảnh
chụp nhũ ảnh

6. Tăng sản tuyến vú và nguy cơ ung thư vú

Tăng sản ống tuyến vú có làm tăng nguy cơ ung thư vú, nhưng mức độ nguy cơ khác nhau giữa các loại:

  • Tăng sản thông thường mức độ nhẹ: không làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Tăng sản mức độ mạnh hoặc trung bình: tăng nguy cơ ung thư vú 1,5-2 lần so với phụ nữ thông thường.
  • Tăng sản tuyến vú không điển hình (ADH hoặc ALH): tăng nguy cơ ung thư vú lên 4-5 lần so với phụ nữ thông thường.

Khi có tăng sản tuyến vú, bạn cần được bác sĩ lên kế hoạch theo dõi và lưu ý bất cứ thay đổi nào của tuyến vú. Những nghiên cứu gần đây cho thấy nguy cơ ung thư vú tăng theo thời gian sau khi được chẩn đoán tăng sản không điển hình tuyến vú:

  • Thời điểm 5 năm sau chẩn đoán: khoảng 7% phụ nữ tăng sản tuyến vú không điển hình phát triển thành ung thư vú. Nói một cách khác, trong 100 phụ nữ tăng sản không điển hình tuyến vú, sẽ có 7 người mắc ung thư vú và 93 người không có chẩn đoán ung thư vú.
  • Thời điểm 10 năm sau chẩn đoán: khoảng 13% phụ nữ tăng sản tuyến vú không điển hình phát triển thành ung thư vú. Nói một cách khác, trong 100 phụ nữ tăng sản không điển hình tuyến vú, sẽ có 13 người mắc ung thư vú và 87 người không có chẩn đoán ung thư vú.
  • Thời điểm 25 năm sau chẩn đoán: khoảng 30% phụ nữ tăng sản tuyến vú không điển hình phát triển thành ung thư vú. Nói một cách khác, trong 100 phụ nữ tăng sản không điển hình tuyến vú, sẽ có 30 người mắc ung thư vú và 70 người không có chẩn đoán ung thư vú.
  • Tăng sản không điển hình tuyến vú xảy ra ở tuổi càng trẻ thì càng tăng nguy cơ mắc ung thư vú về sau này nhiều hơn.

7. Điều trị tăng sản tuyến vú

Hầu hết tăng sản tuyến vú thông thường không cần điều trị. Tuy nhiên với tăng sản không điển hình tuyến vú (ADH hoặc ALH) phát hiện sau sinh thiết kim, bạn sẽ cần được phẫu thuật để lấy bỏ thêm phần mô tuyến vú xung quanh tổn thương để loại trừ hoàn toàn không có những tổn thương nghiêm trọng hơn như ung thư chẳng hạn (thường xảy ra ở những tổn thương tăng sản ống tuyến hơn là tăng sản tiểu thùy tuyến vú).

Bác sĩ của bạn cũng có thể đề nghị bạn chụp thêm MRI để khảo sát phần mô vú bình thường còn lại.

Tăng sản ống tuyến vú thông thường: bạn không cần điều trị hoặc theo dõi sát.

Tăng sản ống tuyến vú hoặc tiểu thùy không điển hình: Khi được chẩn đoán tăng sản không điển hình, bạn sẽ được bác sĩ chuyên khoa tuyến vú đề nghị phẫu thuật lấy bỏ tổn thương này. Hoặc có một cách khác là sinh thiết trọn tổn thương qua hỗ trợ hút chân không dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc nhũ ảnh.

Bác sĩ của bạn cũng có thể đề nghị chỉ theo dõi, bạn sẽ cần phải chụp nhũ ảnh mỗi năm. Lịch hẹn tái khám sẽ tùy thuộc vào diễn tiến của tổn thương như thế nào. Mục đích của việc theo dõi sát là để phát hiện những tổn thương chuyển biến ung thư ở thời điểm sớm nhất, cơ hội chữa lành bệnh cao nhất. Thông thường việc theo dõi bao gồm:

  • Tự thăm khám: giúp bạn tăng khả năng nhận biết tuyến vú quen thuộc của mình và nhanh chóng tự phát hiện ra bất cứ một thay đổi bất thường nào
  • Bác sĩ thăm khám định kỳ mỗi 6-12 tháng
  • Tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh mỗi năm
  • Tầm soát ung thư vú bằng chụp MRI, tùy theo các yếu tố nguy cơ như mô tuyến vú dày, hoặc yếu tố nguy cơ gia đình cao, hoặc có đột biến gen ung thư vú

Tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh mỗi năm giúp phụ nữ sớm phát hiện bất thường
Tầm soát ung thư vú bằng nhũ ảnh mỗi năm giúp phụ nữ sớm phát hiện bất thường

8. Kế hoạch tầm soát ung thư vú ở phụ nữ có tăng sản không điển hình tuyến vú theo khuyến cáo của National Comprehensive Cancer Network của Hoa Kỳ (NCCN)

Đối với phụ nữ có tăng sản tuyến vú mà nguy cơ ung thư vú trên 20% sẽ cần một số khuyến cáo tầm soát ung thư vú đặc biệt, theo NCCN bao gồm:

  • Chụp nhũ ảnh mỗi năm, bắt đầu từ 30 tuổi
  • Bác sĩ thăm khám mỗi 6-12 tháng
  • Thảo luận với bác sĩ xem xét việc chụp MRI từ năm 25 tuổi

Trong một số trường hợp, nếu bạn có tăng sản tuyến vú không điển hình mà kèm theo nguy cơ cao ung thư vú như tiền sử gia đình chẳng hạn, bạn cần được điều trị thêm để giảm các yếu tố nguy cơ này.

Bạn có thể được kê toa thuốc ức chế cạnh tranh với nội tiết Estrogen là Tamoxifen trong ít nhất 5 năm ở phụ nữ đã mãn kinh và chưa mãn kinh. Ở phụ nữ đã mãn kinh có thể có một số lựa chọn thuốc ức chế estrogen khác là ức chế aromatase như exemestane (Aromasin) and anastrozole (Arimidex). Các thuốc này có thể làm giảm trên 80% nguy cơ ung thư vú.

Bạn cần tránh sử dụng các thuốc nội tiết thay thế hoặc điều trị mãn kinh bằng thảo dược. Các nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng thuốc nội tiết phối hợp để điều trị các triệu chứng mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ ung thư vú.

Một số ít trường hợp khi nguy cơ ung thư vú rất cao như đột biến gen chẳng hạn, bạn có thể được đề nghị cắt tuyến vú dự phòng. Phẫu thuật cắt tuyến vú có thể ở 1 hoặc cả 2 vú. Phương pháp này không phải là bắt buộc, bạn nên thảo luận với bác sĩ về lợi ích, nguy cơ và những giới hạn của phương pháp này để cân nhắc tùy theo tình trạng cụ thể của mình.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp cho khách hàng gói Tầm soát ung thư vú với nhiều ưu điểm:

  • Phát hiện được ung thư vú khi còn giai đoạn sớm
  • Tăng tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú giai đoạn tại chỗ (giai đoạn rất sớm) đạt trên 90%. Điều trị cho ung thư vú giai đoạn sớm có chi phí thấp hơn nhiều so với giai đoạn muộn, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: breastcancernow.org, cancer.org, mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe