Tăng sản hạch bạch huyết: Những điều cần biết

Tăng sản hạch bạch huyết là một bệnh hiếm gặp, ít người biết tới hoặc được nghe nói đến. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.

1. Tăng sản hạch bạch huyết là gì?

Tăng sản hạch bạch huyết (bệnh Castleman) là rối loạn hiếm gặp có liên quan tới sự sinh sản quá mức của các tế bào trong hạch bạch huyết của cơ thể. Dạng hay gặp nhất của bệnh là tăng sản chỉ ở một hạch bạch huyết, thường ở trong lồng ngực hoặc ổ bụng.

Trường hợp tăng sản ở nhiều hạch bạch huyết sẽ ảnh hưởng tới các hạch bạch huyết ở khắp cơ thể, và có mối liên quan với virus herpes typ 8 ở người (human herpes virus type 8 - HHV-8) và virus gây suy giảm miễn dịch ở người (human immunodeficiency virus - HIV).

Điều trị và tiên lượng của tăng sản hạch bạch huyết phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể. Nếu chỉ tăng sản một hạch bạch huyết thì điều trị thường thành công sau khi phẫu thuật.

2. Triệu chứng tăng sản hạch bạch huyết

Nhiều bệnh nhân chỉ tăng sản một hạch bạch huyết thường không thấy bất kì một dấu hiệu hay triệu chứng nào. Việc phát hiện hạch bạch huyết to lên thường là tình cờ, trong quá trình khi đi khám lâm sàng hoặc thực hiện chẩn đoán hình ảnh (với mục đích ban đầu là phục vụ cho vấn đề bệnh lí khác).

Tuy nhiên một số bệnh nhân tăng sản một hạch bạch huyết cũng có thể xuất hiện dấu hiệu và triệu chứng thường thấy ở những bệnh nhân tăng sản nhiều hạch bạch huyết, bao gồm:

  • Sốt;
  • Sụt cân (ngoài ý muốn);
  • Mệt mỏi;
  • Đổ mồ hôi ban đêm;
  • Buồn nôn;
  • Gan to, hoặc lách to.

Những bệnh nhân tăng sản nhiều hạch bạch huyết, các hạch to lên thường gặp nhất ở khu vực cổ, xương đòn, nách và bẹn.


Mệt mỏi, sụt cân là những triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân tăng sản nhiều hạch bạch huyết
Mệt mỏi, sụt cân là những triệu chứng thường thấy ở bệnh nhân tăng sản nhiều hạch bạch huyết

3. Tăng sản hạch bạch huyết khi nào cần khám bác sĩ?

Nếu phát hiện thấy hạch to ở khu vực cổ, xương đòn, ở nách hoặc ở bẹn, hãy đi khám bác sĩ. Bên cạnh đó hãy liên hệ với bác sĩ khi thấy các dấu hiệu sau tồn tại kéo dài: cảm giác đầy trong ngực hoặc bụng, sốt, mệt mỏi, hoặc sụt cân không thể giải thích.

4. Nguyên nhân gây tăng sản hạch bạch huyết

Cho đến hiện nay nguyên nhân gây ra tăng sản hạch bạch huyết vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên việc nhiễm virus herpes typ 8 ở người (HHV-8) có mối liên quan với tình trạng tăng sản nhiều hạch bạch huyết.

Virus herpes typ 8 cũng có mối liên hệ với sự phát triển của sarcoma Kaposi, một loại khối u ác tính là biến chứng gặp trong bệnh cảnh của HIV và AIDS. Các nghiên cứu đã cho thấy virus herpes typ 8 ở người gần như hiện diện trong tất cả các trường hợp tăng sản hạch bạch huyếtHIV dương tính, và trong khoảng một nửa tổng số trường hợp tăng sản hạch bạch huyết có HIV âm tính.

5. Yếu tố nguy cơ của tăng sản hạch bạch huyết

Tăng sản hạch bạch huyết có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng độ tuổi trung bình của những bệnh nhân được chẩn đoán tăng sản một hạch bạch huyết là 35. Các bệnh nhân mắc tăng sản nhiều hạch bạch huyết đa số ở độ tuổi 50 và 60, và thường gặp ở nam giới nhiều hơn so với nữ giới.

Nguy cơ xuất hiện tăng sản nhiều hạch bạch huyết tăng lên ở những đối tượng nhiễm virus herpes typ 8 ở người.

6. Biến chứng của tăng sản hạch bạch huyết


Mắc bất kỳ dạng nào của tăng sản hạch bạch huyết đều làm gia tăng nguy cơ bị u lympho
Mắc bất kỳ dạng nào của tăng sản hạch bạch huyết đều làm gia tăng nguy cơ bị u lympho

Với những bệnh nhân chỉ tăng sản một hạch bạch huyết, tiên lượng sẽ tốt sau khi phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết bị bệnh. Tuy nhiên với những bệnh nhân mắc tăng sản nhiều hạch bạch huyết, bệnh có thể dẫn tới tình trạng đe dọa tính mạng do nhiễm khuẩn hoặc suy tạng. Tiên lượng sẽ là xấu nhất ở các trường hợp bệnh nhân mắc cùng với HIV, AIDS.

Mắc bất kỳ dạng nào của tăng sản hạch bạch huyết đều làm gia tăng nguy cơ bị u lympho.

7. Chẩn đoán tăng sản hạch bạch huyết

Sau khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm và kỹ thuật cận lâm sàng sau:

Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu

Nhằm hỗ trợ phát hiện ra các căn bệnh hoặc tình trạng nhiễm khuẩn khác. Những xét nghiệm này cũng giúp tìm ra tình trạng thiếu máu và các bất thường của protein trong máu (các tình trạng này thường là đặc điểm của bệnh cảnh tăng sản hạch bạch huyết)

Các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh

Nhằm phát hiện tình trạng phát triển to lên của hạch bạch huyết, gan hoặc lách. Chụp cắt lớp vi tính (computed tomography scan - CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (magnetic resonance imaging - MRI) khu vực cổ, lồng ngực, ổ bụng hoặc vùng chậu cũng có thể được chỉ định. Chụp xạ hình positron (positron emission tomography scan - PET scan) có thể được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi kết quả điều trị tăng sản hạch bạch huyết.

Sinh thiết hạch bạch huyết

Nhằm chẩn đoán phân biệt giữa tăng sản hạch bạch huyết với các loại rối loạn, bất thường mô lympho khác, chẳng hạn như u lympho. Một mẫu mô sẽ được lấy từ hạch bạch huyết phát triển bất thường để đem đi làm giải phẫu bệnh.


Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu nhằm hỗ trợ tình trạng bệnh hoặc tình trạng nhiễm khuẩn khác
Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu nhằm hỗ trợ tình trạng bệnh hoặc tình trạng nhiễm khuẩn khác

8. Điều trị tăng sản hạch bạch huyết

Phương pháp điều trị tăng sản hạch bạch huyết sẽ phụ thuộc vào thể bệnh của bệnh nhân.

8.1 Điều trị tăng sản một hạch bạch huyết

Tăng sản một hạch bạch huyết có thể điều trị được bằng cách phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết bị bệnh. Trong trường hợp hạch bạch huyết bị bệnh nằm trong lồng ngực hoặc ổ bụng (rất thường gặp), có thể phải thực hiện phẫu thuật phức tạp.

Nếu không thể thực hiện loại bỏ hạch bị bệnh bằng phẫu thuật, có thể sử dụng thuốc. Xạ trị phá hủy hạch bị bệnh cũng là một phương pháp hiệu quả.

Sau khi điều trị bệnh nhân cần thực hiện tái khám theo hẹn và thực hiện các xét nghiệm (bao gồm cả chẩn đoán hình ảnh) để theo dõi tái phát.

8.2 Điều trị tăng sản nhiều hạch bạch huyết

Điều trị tăng sản nhiều hạch bạch huyết thường cần các thuốc và các trị liệu để khống chế việc phát triển quá mức của tế bào. Điều trị cụ thể cần dựa trên mức độ bệnh cũng như tình trạng nhiễm HIV và nhiễm virus herpes typ 8 ở người.

Điều trị tăng sản nhiều hạch bạch huyết thường bao gồm:

  • Miễn dịch liệu pháp: Có thể sử dụng các thuốc như siltuximab (Sylvant) hoặc rituximab (Rituxan).
  • Hóa trị: Nhằm làm chậm sự tăng lên quá mức của tế bào, và thường được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với miễn dịch liệu pháp hoặc khi đã bị suy tạng.
  • Corticosteroid: Có thể sử dụng các thuốc chống viêm như prednisone.
  • Thuốc chống virus: Có thể ngăn chặn sự hoạt động của virus HIV và virus herpes typ 8 ở người.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe