Viêm trực tràng do Chlamydia là một bệnh lây qua đường tình dục không phổ biến. Tuy nhiên, tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của người mắc phải. Một số trường hợp người bệnh đã được ghi nhận trong các báo cáo y văn, và từ đó, phương pháp điều trị cho tình trạng này đã dần được hoàn thiện và chứng minh sự hiệu quả.
Bài viết này được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Mai Viễn Phương - Trưởng đơn nguyên Nội soi tiêu hóa, tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Tổng quan
Viêm trực tràng do Chlamydia là một bệnh không phổ biến và lây lan qua quan hệ tình dục bằng đường hậu môn. Bệnh có các biểu hiện như tăng sản nang bạch huyết trực tràng và chỉ được phát hiện thông qua nội soi trực tràng.
Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng dạng bệnh viêm trực tràng này có thể lây lan khi quan hệ bằng đường hậu môn mà không có các biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên ở phụ nữ, bệnh cũng có thể là hậu quả của nhiễm trùng cổ tử cung khi tình trạng này có thể lây lan qua trực tràng thông qua vùng quanh hậu môn.

Đối với quá trình chẩn đoán lâm sàng, việc chẩn đoán phân biệt giữa viêm trực tràng do Chlamydia với những tình trạng khác có các biểu hiện tương tự như bệnh Crohn, viêm loét đại tràng hoặc u lympho là rất quan trọng.
Cụ thể, những nang bạch huyết tăng sản do căn bệnh này gây ra sẽ có sự đồng đều về phân bố và kích thước. Ngoài ra, ruột non và đại tràng không xuất hiện tình trạng tương tự như ở trực tràng. Qua đó, các bác sĩ có thể phân biệt bệnh một cách dễ dàng hơn.
2. Trường hợp viêm trực tràng do Chlamydia được báo cáo trong y văn
2.1 Ca bệnh được nhắc đến
Trong y văn đã có một trường hợp tiêu biểu và được ghi nhận cẩn thận khi bệnh nhân mắc phải viêm trực tràng do Chlamydia. Cụ thể:
Có một phụ nữ 23 tuổi đã đến bệnh viện thăm khám khi đau bụng dưới trong một năm. Bệnh nhân này không có các biểu hiện như sụt cân, sốt, tiêu chảy kéo dài hoặc đi ngoài ra máu. Bệnh nhân này đang độc thân và làm nhân viên văn phòng trong một công ty tại thành phố. Người bệnh cũng không có tiền sử phẫu thuật, sử dụng thuốc, lạm dụng rượu, hút thuốc lá hoặc có tiền sử bệnh tật nghiêm trọng. Tuy nhiên, bệnh nhân này có tiền sử quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
Khi tiến hành khám lâm sàng, bệnh nhân bị đau nhẹ ở bụng dưới và không có phát hiện nào liên quan khi khám trực tràng. Bác sĩ đã xem xét các triệu chứng và tiền sử quan hệ tình dục bằng đường hậu môn và tiến hành các xét nghiệm thường quy về máu và phân.
Cùng với đó, một số xét nghiệm về virus gây suy giảm miễn dịch ở người như HIV, giang mai, viêm gan và nuôi cấy phân cũng được tiến hành.
2.2 Quá trình chẩn đoán
Kết quả xét nghiệm dịch âm đạo cho thấy kết quả như sau:
- Tế bào bạch cầu ở mức 7,12 × 10 9/L.
- Xét nghiệm giải phóng interferon-gamma đối với Mycobacterium tuberculosis: Âm tính.
- Xét nghiệm kháng thể huyết thanh với cytomegalovirus: Âm tính.
- Kháng thể tự miễn: Âm tính.
- Xét nghiệm phân thường quy: Dương tính với máu trong phân, tuy nhiên không phát hiện vi sinh vật gây bệnh thông qua nuôi cấy phân.
- Kết quả sàng lọc HIV, giang mai và viêm gan: Âm tính.
Dù các kết quả này có thể không phát hiện bệnh gì, tuy nhiên xét nghiệm dịch âm đạo của bệnh nhân này đã phát hiện ra các ADN Chlamydia trachomatis và các dịch tiết được nuôi cấy với Ureaplasma urealyticum.
Không chỉ vậy, khi nội soi đại trực tràng, kết quả cũng cho thấy phần niêm mạc trong trực tràng bị phù nề và có nhiều tổn thương dưới dạng nốt tăng sản. Trong khi đó, niêm mạc đại tràng và hồi tràng cuối lại không bị tác động.
Những tổn thương dưới dạng nốt này được quan sát rất rõ ràng thông qua qua hình ảnh nhuộm màu quang học và được phóng đại bằng laser ánh sáng xanh, giúp bác sĩ xác định chi tiết các cấu trúc. Trong hình D và E dưới đây là các mẫu sinh thiết trực tràng nhuộm hematoxylin-eosin của người bệnh, được xác định là viêm trực tràng do Chlamydia gây ra.

Dựa trên kết quả nội soi đại tràng, các bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm bổ sung bao gồm:
- Xét nghiệm giải phóng interferon-gamma để tìm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis.
- Xét nghiệm kháng thể huyết thanh để tìm cytomegalovirus.
- Xét nghiệm tự kháng thể để loại trừ các bệnh lý truyền nhiễm và tự miễn.
Tất cả các xét nghiệm trên đều cho kết quả âm tính.
Để đi sâu vào quá trình chẩn đoán, các bác sĩ tiếp tục quá trình chẩn đoán phân biệt trường hợp này với bệnh Crohn, u lympho và viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, các tổn thương quan sát qua nội soi chỉ khu trú ở trực tràng, không ghi nhận viêm trợt hay loét trên niêm mạc trực tràng.
Khi tiến hành kiểm tra mô bệnh học của niêm mạc trực tràng, bác sĩ phát hiện tình trạng tăng sản nang lympho kèm viêm lan tỏa được đặc trưng bởi sự thâm nhiễm của tế bào lympho, tế bào plasma và bạch cầu trung tính. Một lần nữa, các bác sĩ không tìm thấy tế bào lympho bất thường, u hạt hoặc viêm nang lông.
Dựa trên tiền sử tình dục, các kết quả nội soi, mẫu xét nghiệm hậu môn được thu thập, xét nghiệm axit nucleic (gồm bộ chẩn đoán huỳnh quang ADN Chlamydia trachomatis, Sansure Biotech) và khám phụ khoa, bác sĩ đã kết luận rằng bệnh nhân nữ này dương tính với viêm trực tràng do Chlamydia.
Qua đó, chẩn đoán viêm trực tràng do Chlamydia trachomatis đã được xác định. Kết quả xét nghiệm nước tiểu trên bạn tình của bệnh nhân cũng xác nhận rằng người này cũng nhiễm virus Chlamydia trachomatis.

2.3 Điều trị
Trải qua quá trình điều trị 14 ngày với minocycline (100 mg/ngày với liều ban đầu tăng gấp đôi), kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy sự cải thiện tình trạng bệnh. Kết quả xét nghiệm tiếp theo cho thấy sự chuyển đổi âm tính của axit nucleic Chlamydia trachomatis trong cả dịch tiết trực tràng và âm đạo. Bên cạnh đó, xét nghiệm nước tiểu từ bạn tình của bệnh nhân cũng cho ra các kết quả rất bình thường.
Tuy nhiên, kết quả nội soi đại tràng ghi nhận sự hiện diện của các nang lymphoid tăng sản trong trực tràng, mặc dù đã giảm so với trước đó. Hai năm sau, nội soi đại tràng theo dõi cho thấy các nang lymphoid tăng sản gần như đã biến mất (Hình H và I). Hình ảnh phóng đại bằng laser xanh cho thấy các nang lymphoid có dạng dẹt (Hình J). Về mặt mô học, không quan sát thấy dấu hiệu tăng sản nang lymphoid hoặc hiện tượng thâm nhiễm viêm (Hình K).

Có thể thấy được rằng, viêm trực tràng do Chlamydia vẫn còn là một căn bệnh khá mới mẻ. Vì thế, việc chẩn đoán loại bệnh viêm trực tràng này vẫn còn khá nhiều khó khăn. Bệnh có nhiều biểu hiện đặc trưng, tuy nhiên cũng rất dễ bị chẩn đoán nhầm lẫn. Để phòng tránh, người bệnh cần phải hạn chế quan hệ tình dục qua đường hậu môn mà không sử dụng biện pháp an toàn để tránh mắc phải căn bệnh này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo
- Ootani, A. ∙ Mizuguchi, M. ∙ Tsunada, S. Chlamydia trachomatis proctitis. Gastrointest Endosc. 2004; 60:161-162
- Sethupathi, M. ∙ Blackwell, A. ∙ Davies, H. Rectal Chlamydia trachomatis infection in women. Is it overlooked? Int J STD AIDS. 2010; 21:93-95
- Ju-Ji Dai, et al. An Unusual Nodular Hyperplasia in the Rectum. GASTRO CURBSIDE CONSULTVolume 167, Issue 5P856-859October 2024.