Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hồng Phúc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong điều trị nội huyết áp.
Ngoài các yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được thì một số yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được như chế độ ăn, chế độ tập luyện ...Nếu người bệnh có một chế độ ăn uống, lối sống sinh hoạt lành mạnh, huyết áp sẽ được kiểm soát tốt hơn. Người bệnh vẫn có sức khỏe tốt và hầu như không ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống.
1. Các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp
Có khoảng trên 90% bệnh nhân tăng huyết áp thường không rõ nguyên nhân. Tuy vậy, nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh một số yếu tố nguy cơ quan trọng có thể làm huyết áp tăng cao như ăn mặn, hút thuốc lá, béo phì, uống nhiều bia rượu, ít vận động.
Yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh tăng huyết áp
- Thừa cân và béo phì: Người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 23 hoặc cao hơn có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn.
- Ăn mặn: Làm tăng huyết áp ở một số người.
- Hút thuốc lá: Trong thuốc lá, thuốc lào có nhiều chất kích thích, đặc biệt có chất nicotin kích thích hệ thần kinh giao cảm làm co mạch và gây tăng huyết áp.
- Uống rượu: Uống rượu thường xuyên có thể gây tăng huyết áp đột ngột.
- Lười vận động: Một cuộc sống tĩnh lặng dễ dẫn đến thừa cân và làm tăng nguy cơ bị tăng huyết áp.
2. Điều chỉnh các yếu tố nguy cơ như thế nào?
Tăng huyết áp rất nguy hiểm, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được một cách có hiệu quả. Hãy chung sống hòa bình với tăng huyết áp và khống chế tốt nó để chúng ta có cuộc sống bình thường.
Việc điều trị tăng huyết áp là một quá trình lâu dài và tổng thể dựa trên sự kết hợp giữa nhiều chế độ: Giảm cân, chế độ ăn, tập luyện hợp lý và thuốc. Sau đây là một vài lời khuyên:
2.1 Tăng khẩu phần
Tăng khẩu các phần như: Hoa quả, rau, các loại ngũ cốc, thực phẩm nhiều xơ, thức ăn ít mỡ, thịt gia cầm không da, thịt nạc, cá (như cá hồi, cá trích... giàu omega 3) ít nhất 2 lần/tuần.
2.2 Hạn chế ăn mặn
Giảm tối đa muối cần chú ý đọc kỹ hàm lượng muối trên các loại thức ăn và chú ý hạn chế muối khi chế biến thức ăn., chất béo bão hòa hoặc trans fats (mỡ động vật, phủ tạng động vật, thực phẩm ăn sẵn chiên rán....)
2.3 Giảm cân nặng
Rất nhiều người tăng huyết áp bị thừa cân. Nếu điều này xảy ra với bạn, bác sĩ của bạn có thể chỉ định một chế độ ăn và tập luyện cho bạn. Thường thì khi giảm cân, huyết áp của bạn sẽ có thể giảm xuống theo một cách đáng kể và bạn cũng sẽ sống khoẻ mạnh hơn. Nếu thực hiện chế độ ăn kiêng, bạn phải tuân thủ nó chặt chẽ bao gồm: Giảm lượng rượu bạn uống vào.
2.4 Duy trì thói quen tập luyện thể lực
Tập luyện thể lực là một phần không thể thiếu trong chương trình điều trị hàng ngày. Tập thể dục giúp giảm huyết áp và giảm cân nặng hoặc giữ cho cơ thể ở mức cân nặng lý tưởng. Chế độ tập luyện tối ưu là tập luyện ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết các ngày trong tuần, cường độ tập đủ mạnh (bác sĩ có thể gợi ý phương pháp tốt nhất để luyện tập đối với bạn nếu bạn có vấn đề tim mạch)...
2.5 Bỏ hút thuốc lá
Các bằng chứng nghiên cứu cho thấy rõ nguy cơ của hút thuốc lá với tăng huyết áp và các biến cố tim mạch, người tăng huyết áp mà hút thuốc lá sẽ làm nguy cơ tim mạch tăng gấp nhiều lần. Vì vậy, hãy bỏ hút thuốc lá ngay nếu bạn đang hút.
2.6 Hạn chế uống rượu quá mức
Nếu bạn uống quá nhiều rượu thì hãy hạn chế. Bởi uống nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, THA khó kiểm soát, tăng nguy cơ tai biến mạch não. Lượng rượu được khuyến cáo uống tối đa hàng ngày là một đơn vị uống (tương đương 142 ml rượu vang đỏ; 341 ml bia; 43 ml rượu mạnh - đây là áp dụng cho người phương Tây, người châu Á có thể lượng thấp hơn).
2.7 Hãy kiểm soát tốt những căng thẳng
Căng thẳng kích thích các phản ứng cường thần kinh giao cảm của cơ thể, tăng tiết các chất adrenaline và làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp và làm tăng tần số các cơn tăng huyết áp. Bạn hãy thu xếp công việc, cuộc sống ở mức cân bằng nhất.
Điều trị tăng huyết áp bằng thuốc có thể ngăn ngừa các biến chứng, đòi hỏi bạn phải kiên trì sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc. Tuy nhiên, các thuốc hạ huyết áp chỉ có tác dụng khi bạn dùng thuốc và sẽ hết khi bạn ngừng. Do vậy, không được ngừng thuốc ngay cả khi huyết áp đã giảm bình thường. Điều trị cần phải được duy trì lâu dài để đạt được tác dụng tốt, tránh được các biến chứng.
Để điều trị thành công tăng huyết áp cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bác sĩ và bệnh nhân. Kiểm soát huyết áp và tuân thủ điều trị như khám bệnh theo đúng hẹn của bác sĩ, uống thuốc đúng theo đơn, tuân thủ chặt chẽ theo lời khuyên về chế độ ăn, chế độ tập luyện và thay đổi lối sống.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Hội Tim mạch học Việt Nam