Tăng huyết áp ảnh hưởng thế nào tới não?

Tăng huyết áp hay huyết áp cao là kẻ giết người thầm lặng. Tình trạng tăng huyết áp thường xuyên dễ dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Tăng huyết áp gây ảnh hưởng đến tim, thận, mắt, hệ thần kinh và nghiệm trọng nhất là não bộ của người bệnh.

1. Tăng huyết áp là gì?

Huyết áp là lực của dòng máu tác động lên thành động mạch, gồm có huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp bình thường có chỉ số tâm thu < 130 mmHg, tâm trương < 85 mmHg. Khi huyết áp đạt đến ≥ 140/90 mmHg được gọi là tăng huyết áp. Tình trạng tăng huyết áp đôi khi không có triệu chứng hay dấu hiệu báo trước, có thể đến đột ngột và gây ra rất nhiều nguy hiểm cho người bệnh.

Một số nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp bao gồm:

  • Đường kính động mạch bị hẹp
  • Thể tích máu lớn hơn bình thường
  • Tim đập quá nhanh và mạnh so với bình thường
  • Sử dụng một số thuốc làm tăng huyết áp
  • Không xác định được nguyên nhân; thường gặp ở người từ 40 - 50 tuổi trở lên.
  • Người lớn tuổi; béo phì; tiền sử gia đình có người bị tăng huyết áp; người có khuynh hướng huyết áp cao hơn bình thường:135-139/85-89 mmHg sẽ là những người dễ bị tăng huyết áp.

Người già có nguy cơ cao bị tăng huyết áp
Người già có nguy cơ cao bị tăng huyết áp

Video đề xuất:

Điều trị và phòng tránh tăng huyết áp - "kẻ sát thủ" thầm lặng

2. Tăng huyết áp ảnh hưởng đến não như thế nào?

Tình trạng tăng huyết áp nếu không được điều trị sẽ khiến tim làm việc nặng nề, mệt mỏi, áp lực tác động lên thành mạch máu lớn, làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa mắt...

Cụ thể, huyết áp cao ảnh hưởng đến não bộ của người bệnh. Tăng huyết áp làm tăng nguy cơ xuất huyết não ở người bệnh gấp 10 lần người không bị cao huyết áp. Khi huyết áp chỉ hơi cao so với bình thường, người bệnh vẫn có nguy cơ cao bị đột quỵ.

Thực tế cho thấy đến 80% các cơn đau tim, đột quỵ là do tăng huyết áp gây ra. Tình trạng tăng huyết áp khiến các mạch máu nhỏ trong não suy yếu và vỡ. Nếu gián đoạn lưu lượng máu đến não sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não.

Cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt. Nếu tình trạng bệnh nặng, kéo dài sẽ khiến tăng nguy cơ suy giảm nhận thức nhẹ, mất trí nhớ, đứt mạch máu não là nguyên nhân dẫn đến bại liệt, xuất huyết não. Nguy cơ nghiêm trọng nhất của người bệnh tăng huyết áp là tử vong nếu không được cấp cứu điều trị kịp thời.


Tăng huyết áp là nguyên chính gây đột quỵ
Tăng huyết áp là nguyên chính gây đột quỵ

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người trẻ có huyết áp cao trên ngưỡng bình thường có nguy cơ đối mặt với nguy cơ não bị co rút lại. Đối với người bị cao huyết áp, sẽ có những thay đổi trong chất xám não. Trong khi đó chất xám não có vai trò quan trọng với não bộ, vì chúng chứa hầu hết các tế bào thần kinh, có vai trò thiết yếu với chức năng thần kinh. Khi chất xám bị ảnh hưởng thay đổi là gây ra nguy cơ tăng đột quỵ, mất trí nhớ sớm hơn bình thường so với người có huyết áp bình thường.

3. Ảnh hưởng của tăng huyết áp

Không chỉ ảnh hưởng tới não bộ tăng huyết áp còn gây ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cụ thể:

  • Ảnh hưởng đến thận: tăng huyết áp có thể làm dày các thành mạch, gây hẹp lòng mạch máu, các chất thải của cơ thể vì thế sẽ ứ đọng lại trong máu. Nếu không được điều trị, thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến thận, nặng nhất là gây suy thận.
  • Ảnh hưởng đến mắt: tăng huyết áp là nguyên nhân gây nên các bệnh lý về mắt như bệnh lý võng mạc, mù lòa. Bởi khi huyết áp tăng cao, các mạch máu nuôi cơ thể đều bị ảnh hưởng, kể cả mạch máu dẫn đến nuôi mắt. Không đủ máu đến mắt, mắt người bệnh tăng huyết áp có thể khô, mờ dần, tầm nhìn yếu, hạn chế, gây ra các bệnh võng mạc, lâu dần dẫn đến mù lòa nếu không được điều trị.
  • Gây chứng chuột rút (bệnh động mạch ngoại biên): tăng huyết áp nếu không được điều trị có thể ảnh hưởng đến các mạch máu ở tứ chi. Nó làm thu hẹp, làm cứng các mạch máu của chân tay, dẫn đến triệu chứng chuột rút hay là bệnh động mạch ngoại biên gây đau đớn cho người bệnh

Tăng huyết áp có thể gây ảnh hưởng đến mạch máu tay chân
Tăng huyết áp có thể gây ảnh hưởng đến mạch máu tay chân

  • Gây mất xương: huyết áp tăng gây ra các bất thường về chuyển hóa canxi, tăng đào thải canxi của cơ thể, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi. Tình trạng này kéo dài dẫn đến mất xương, gãy xương do loãng xương.
  • Ảnh hưởng đến thai kỳ: phụ nữ mang thai bị cao huyết áp có thể làm giảm lưu lượng máu đến nhau thai, gây giảm nồng độ oxy, chất dinh dưỡng cung cấp cho thai nhi. Điều này đồng nghĩa thai nhi có nguy cơ chậm phát triển, phát triển không bình thường. Nguy hiểm nhất đối với mẹ bầu bị tăng huyết áphội chứng tiền sản giật gây biến chứng nghiêm trọng cho mẹ và thai nhi. Nghiên cứu cho thấy huyết áp cao khi mang thai có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ ở phụ nữ tới 40%.

Như vậy để giảm thiểu các tác động ảnh hưởng của tăng huyết áp đối với sức khỏe, người bệnh cao huyết áp cần được điều trị đúng theo hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ điều trị. Việc duy trì chỉ số huyết áp bình thường giúp hạn chế tối đa các nguy cơ biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe