Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Quốc Ánh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh được định nghĩa là sự thất bại của quá trình chuyển tiếp tuần hoàn trong bào thai thành dòng tuần hoàn bình thường sau khi trẻ chào đời. Đây là một hội chứng đặc trưng bởi huyết áp động mạch phổi cao rõ rệt, các mạch máu phổi không mở đủ rộng có nghĩa là oxy và lưu lượng máu bị hạn chế, dẫn đến một triệu chứng nổi bật là da bé có màu xanh.

1. Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh là gì?

Trước khi em bé chào đời, chúng không cần sử dụng phổi để thở mà nhận oxy qua dây rốn và nhau thai từ mẹ. Trong bụng mẹ, phổi là một tạng đặc chứa đầy nước ối và các mạch máu, gồm động mạch và tĩnh mạch, đưa máu từ tim đến phổi bị thu hẹp hoặc đóng lại. Điều này có nghĩa là áp lực bên trong các mạch máu của phổi thường cao hơn tuần hoàn hệ thống.

Khi trẻ vừa được sinh ra, tiếng khóc sẽ giúp trẻ hít một hơi lớn, tạo áp suất âm trong lồng ngực và hai lá phổi của trẻ sẽ chuyển sang chứa đầy không khí thay vì chất lỏng. Khi phổi trở thành tạng rỗng chứa khí, các mạch máu đưa máu từ tim đến phổi sẽ giãn ra và điều này có nghĩa là oxy có thể được vận chuyển từ phổi, trở lại tim và được bơm lên não cùng phần còn lại của cơ thể từ khi dây rốn bị cắt. Áp lực bên trong phổi và các mạch máu sẽ giảm dần và chuyển sang mức thấp hơn so với tuần hoàn hệ thống.

Vì bất cứ một lý do gì xảy ra trong khoảng thời gian chu sinh gây cản trở quá trình này, các mạch máu có thể không mở ra đúng cách nên áp lực bên trong lòng mạch vẫn duy trì ở mức cao. Đây chính là cơ chế gây ra tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh. Hệ quả là các mạch máu không mở ra, máu không thể vào phổi để lấy oxy và sau đó cơ thể sẽ không có đủ oxy cho não và các cơ quan khác. Trẻ sẽ có màu da tím, môi tím và gặp hạn chế trong sự phát triển thể chất lẫn tâm thần ngay từ giai đoạn sơ sinh.

Tỷ lệ gặp phải tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh vào khoảng hai trong mỗi 1.000 ca sinh và tình trạng cao áp phổi ở trẻ sinh non sẽ trở nên phổ biến hơn.


Tỷ lệ gặp phải tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh vào khoảng hai trong mỗi 1.000 ca sinh
Tỷ lệ gặp phải tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh vào khoảng hai trong mỗi 1.000 ca sinh

2. Nguyên nhân gì gây ra tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh?

Các bác sĩ không phải lúc nào cũng tìm ra được nguyên nhân của tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, những điều sau đây có thể là các yếu tố góp phần giải thích được tình trạng này:

Hít phải phân su: Tình trạng này thường xảy ra khi em bé đi ra phân khi còn trong bụng mẹ, hòa lẫn với nước ối và có thể hít nó vào phổi.

Nhiễm trùng: Các bệnh lý gây nhiễm trùng như viêm phổinhiễm trùng máu có thể khiến tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh có nhiều khả năng xảy ra hơn nếu nước ối bị vỡ trong một thời gian dài trước khi em bé được sinh ra. Tỷ lệ mắc bệnh cũng sẽ cao hơn nếu tác nhân gây nhiễm trùng là liên cầu nhóm B.

Bất thường bẩm sinh của tim và phổi: Một số ít trẻ sơ sinh mắc phải tăng áp phổi dai dẳng do các dị tật bẩm sinh tại tim hoặc phổi.

Các nguyên nhân khác như mẹ bị trầm cảm và dùng thuốc trong thai kỳ

3. Làm cách nào để chẩn đoán tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh?

Đặc điểm chính của tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh là không đủ oxy đến tim, não và các cơ quan khác. Điều này khiến những trẻ bị cao áp phổi sẽ trông xanh hoặc xanh xao và thường khó thở, nhất là cao áp phổi ở trẻ sinh non. Các bác sĩ, y tá và nữ hộ sinh sẽ sử dụng máy theo dõi độ bão hòa oxy để đo lượng oxy trong máu, được biểu thị bằng phần trăm và nhận biết sớm để cho bổ sung thở khí oxy.

Ở một số bệnh viện, siêu âm tim cho trẻ sơ sinh với đầu dò thích hợp sẽ giúp nhận biết sớm nếu có tình trạng cao áp phổi thông qua việc đo lường áp lực trong lòng động mạch phổi hay có bất thường về cấu trúc. Hơn nữa, siêu âm tim cũng là một phương tiện cần thiết nhằm loại trừ bất kỳ sự bất thường nào của tim có thể gây ra mức oxy thấp.

Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ chụp X-quang ngực để xem xét cấu trúc nhu mô phổi của trẻ và một số xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng.

4. Tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh được điều trị như thế nào?

Điều trị ban đầu của tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh sẽ bao gồm các biện pháp đơn giản như giữ ấm cho trẻ và cho thở oxy, thường thông qua các ngạnh nhỏ và ngắn đặt trong lỗ mũi hoặc trong lồng ấp. Bên cạnh đó, các bác sĩ thường sẽ đặt kim vào các tĩnh mạch trên tay hoặc chân bé để truyền kháng sinh hay nuôi ăn cho trẻ vì trẻ không có khả năng bú và nuốt tốt khi trong tình trạng cao áp phổi. Nếu những biện pháp đơn giản này không làm tăng mức oxy trong máu lên được, em bé có khả năng cần phải được chuyển đến một đơn vị chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh (NICU).

Các biện pháp điều trị tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh trong phòng chăm sóc đặc biệt bao gồm:

  • Thông khí: có khả năng các bác sĩ sẽ đặt ống thở vào nội khí quản của trẻ và kiểm soát hô hấp chủ động hoàn toàn với máy thở.
  • Thở oxit nitric: Đây là sự kết hợp của nitơ và oxy được cung cấp cho em bé thông qua máy thở, đi thẳng vào phổi. Vai trò của hỗn hợp khí này sẽ giúp giãn nở các mạch máu, giúp máu lên phổi nhiều hơn và giảm áp lực trong phổi.
  • Thuốc vận mạch: Trong khi trẻ đang bị cao áp phổi nhưng trẻ vẫn được xem xét khả năng cần dùng thuốc vận mạch, được truyền trực tiếp vào máu thông qua một giọt truyền nhỏ giọt tốc độ chậm để giúp giữ cho huyết áp trẻ cao, nó giúp tim bơm máu vào phổi.
  • Oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO): Nếu các bác sĩ đã thử tất cả các phương pháp điều trị được mô tả trên nhưng độ bão hòa oxy của bé vẫn còn thấp, một phương pháp điều trị tiếp theo cũng cần được xem xét, gọi là oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO) Máy sẽ đảm nhận công việc của tim và phổi, đưa oxy trực tiếp vào máu cho bé chứ không phải dựa vào phổi để lấy oxy.

Ngoài ra, viện còn được trang bị đầy đủ máy siêu âm tại phòng sinh có thể đo được vị trí đầu thai nhi trong khung chậu của mẹ giúp cho tiên lượng được sinh khó, hay dễ để bác sĩ lựa chọn phương pháp sinh thích hợp, an toàn cho mẹ và con. Mỗi phòng sinh đều có xe chăm sóc sơ sinh hiện đại nhất, đầy đủ các thiết bị từ đèn giữ ấm, cân em bé, hệ thống đánh giá sức khỏe của bé (đo nhịp tim, nhịp thở, huyết áp, oxy trong máu)... giúp kịp thời chẩn đoán và điều trị các vấn đề sức khỏe của trẻ khi sinh.


Điều trị tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh trong phòng chăm sóc đặc biệt
Điều trị tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh trong phòng chăm sóc đặc biệt

5. Tiên lượng trong tương lai ở trẻ bị tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Khi mức độ bão hòa oxy của bé đạt gần đến mức bình thường, các bác sĩ sẽ bắt đầu giảm dần lượng oxit nitric được truyền qua máy thở cho đến khi ngưng hoàn toàn. Sau đó, trẻ cũng sẽ được giảm dần lượng oxy cần sử dụng và công hô hấp được thực hiện bởi máy thở. Đây được gọi là quá trình cai máy thở trước khi rút ống nội khí quản để trẻ có thể hít thở một cách tự nhiên. Trong thời gian này, các bác sĩ cũng sẽ giảm thuốc an thần, trẻ sẽ tỉnh táo hơn và nhận thức được môi trường xung quanh.

Đồng thời, các bác sĩ còn giảm dần các thuốc tăng co bóp cơ tim cũng như xem xét việc ngừng kháng sinh khi liệu trình đã đầy đủ. Tại thời điểm này, các y tá có thể sử dụng một ống cho ăn, đưa vào mũi đến dạ dày, để bắt đầu cho bé ăn sữa, sữa mẹ hoặc sữa công thức, nhằm giúp hệ tiêu hóa thực hiện chức năng của mình.

Khi bé đã tự mình làm được hầu hết các chức năng trên, bé sẽ được chuyển ra khỏi khoa chăm sóc đặc biệt và tiếp tục theo dõi cho đến khi ổn định. Các tiêu chuẩn ra viện cần phải đạt được là trẻ có khả năng tự thở được mà không cần sự cung cấp oxi hay chỉ cần nồng độ rất thấp, trẻ hoàn tất phác đồ kháng sinh và cha mẹ có thể tự cho trẻ ăn đủ cữ trong ngày trước khi trẻ được xuất viện về nhà mà không cần trợ giúp.

Ngược lại, nếu tình trạng cao áp phổi ở trẻ có mức độ nặng nề hay cao áp phổi ở trẻ sinh non, đây là một bệnh nghiêm trọng và đôi khi cần phải điều trị tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt trong thời gian dài. Lúc này, tỷ lệ tử vong ở trẻ bị tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh có thể gần đến 10%. Số trẻ còn sống sót cũng có thể khó tránh khỏi một số hậu quả từ việc thiếu oxy lên não, gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần - vận động về sau.

Tóm lại, tăng áp phổi dai dẳng ở trẻ sơ sinh là một tình trạng nặng nề và nguy hiểm, nhất là ở trẻ sinh non. Vấn đề điều trị cho trẻ thường phức tạp, đòi hỏi sự chăm sóc toàn diện và hơn hết là cần có sự phối hợp đa chuyên khoa, sự phối hợp giữa bệnh viện và gia đình, nhằm tạo điều kiện cải thiện cao áp phổi cũng như sự phát triển bình thường cho trẻ về lâu dài. Nếu nhận thấy các vấn đề bất thường của trẻ bố mẹ nên đưa bé đến thăm khám và tư vấn với các bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe