Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức - Trưởng Đơn nguyên Nội chung, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Tầm soát bệnh đái tháo đường nhằm phát hiện sớm những người bị đái tháo đường nhưng chưa có triệu chứng lâm sàng.
1. Tầm soát bệnh đái tháo đường type 1
Bệnh đái tháo đường type 1 có nguồn gốc tự miễn với sự hiện diện của các loại tự kháng thể . Người ta không đặt vấn đề tầm soát bệnh đái tháo đường type 1 vì sự khởi phát cấp tính của các triệu chứng, hầu hết các trường hợp đái tháo đường type 1 được chẩn đoán rất sớm sau khi các triệu chứng tiến triển.
H ầu hết các trường hợp đái tháo đường type 1 được chẩn đoán rất sớm sau khi các triệu chứng tiến triển.
Các test sàng lọc để phát hiện các trường hợp có kháng thể mà không có triệu chứng không được khuyến cáo vì:
- Giá trị ngưỡng để chẩn đoán của các thử nghiệm marker miễn dịch chưa thực sự thống nhất;
- Chưa đạt được đồng thuận nên hành động thế nào nếu kết quả cho thấy tự kháng thể dương tính;
- Tỷ lệ đái tháo đường type 1 rất ít nên nếu có sàng lọc, số lượng những người có thể phát hiện được rất nhỏ, dưới 0,5 %, hiệu quả về kinh tế không cao.
2. Tầm soát bệnh đái tháo đường type 2
Trái lại, đái tháo đường type 2 rất thường gặp (chiếm 90 đến 95% bệnh nhân bị đái tháo đường) và thực tế khoảng hơn một phần ba số bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 đã không được chẩn đoán. Đái tháo đường type 2 diễn tiến âm ỉ và nhiều khi bệnh nhân mới được chẩn đoán mà đã có biến chứng của bệnh, thậm chí có những bệnh nhân lần đầu tiên được chẩn đoán bệnh thì đã mắc phải những biến chứng nặng nề của bệnh đái tháo đường.
Tăng đường huyết mạn tính ở người bị đái tháo đường thường gây ra những tổn thương muộn, những rối loạn chức năng hoặc suy các cơ quan, đặc biệt là các biến chứng mắt, thận, thần kinh, tim và các mạch máu. Người bệnh đái tháo đường type 2 mà không được chẩn đoán có nguy cơ bị bệnh tim-động mạch vành, đột quy và bệnh mạch máu ngoại biên cao hơn hẳn những người không bị đái tháo đường. Họ cũng thường dễ bị rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp và béo phì, những yếu tố nguy cơ cho bệnh mạch vành.
Chính vì thế, việc phát hiện sớm bệnh đái tháo đường type 2 giúp làm giảm bớt gánh nặng điều trị, giảm mức độ trầm trọng của bệnh và phòng chống một cách hiệu quả những biến chứng mãn tính nặng nề của đái tháo đường.
Các khuyến cáo về việc tầm soát bệnh đái tháo đường type 2:
Mọi đối tượng trên 45 tuổi, nhất là những người thừa cân hay béo phì (có BMI > 25 kg/m2), cần được tầm soát. Nếu thử đường huyết có kết quả ở mức bình thường nên thử lại đường huyết, 3 năm một lần.
Các đối tượng có các yếu tố nguy cơ sau đây phải được thử đường huyết để tầm soát ở tuổi trẻ hơn:
- Người ít vận động
- Có bố hay mẹ đẻ bị đái tháo đường
- Người thuộc chủng tộc có nguy cơ cao (Mỹ da đen, Mỹ bản địa, Mỹ gốc Châu Á, người Châu Á Thái Bình Dương).
- Sinh con to, cân nặng lúc sinh của đứa trẻ lớn hơn 4 kg hoặc đã được chẩn đoán là ĐTĐ thai kỳ.
- Bị tăng huyết áp (Huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg).
- Có HDL-C ≤ 35mg/dl (0.9mmol/l) hoặc nồng độ triglycerid ≥ 250mg/dl (2.82mmol/l)
- Người bị hội chứng buồng trứng đa nang.
- Đã được chẩn đoán là rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết khi đói.
- Có tình trạng bệnh lý kết hợp với đề kháng insulin (như chứng gai đen, buồng trứng đa nang).
- Có tiền sử bị các bệnh về mạch máu.
- Có thể sử dụng cả test đường huyết lúc đói và nghiệm pháp tăng đường huyết trong tầm soát đái tháo đường, nhưng thử đường huyết lúc đói hay được áp dụng vì kinh tế, tiện lợi và dễ dàng thực hiện.
3. Tầm soát đái tháo đường type 2 ở trẻ em
Tỷ lệ trẻ em bị bệnh đái tháo đường type 2 những năm gần đây gia tăng rất cao nhất là các trẻ em bị béo phì và trẻ em thuộc một số chủng tộc có nguy cơ cao.
Tất cả trẻ thừa cân và có từ hai trong số các nguy cơ sau đây cần phải tầm soát đái tháo đường type 2:
- Có bố mẹ hoặc ông bà bị đái tháo đường
- Thuộc chủng tộc có nguy cơ cao
- Có biểu hiện kháng insulin hoặc tình trạng bệnh kết hợp với kháng insulin (chứng gai đen, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa lipid, buồng trứng đa mang)
- Mẹ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ
Tầm soát lần đầu vào khoảng 10 tuổi, thử lại vào tuổi dậy thì nếu dậy thì sớm. Nếu kết quả bình thường thử lại 2 năm 1 lần.