Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và đang có xu hướng gia tăng trên toàn thế giới. Do đó việc tầm soát và phát hiện sớm sẽ hỗ trợ giảm đáng kể những hậu quả do bệnh tim mạch gây ra. Vậy việc tầm soát bệnh tim mạch bao gồm những gì?
1. Bệnh tim mạch là gì?
Bệnh tim mạch là một tập hợp rất nhiều bệnh lý khác nhau liên quan đến mạch máu và tim, có thể kể đến một số bệnh thường gặp như tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, hội chứng vành cấp, bệnh lý van tim...
Một số triệu chứng thường gặp của các bệnh lý tim mạch:
- Khó thở: Xuất hiện từ từ, có thể tăng lên khi gắng sức, đặc biệt bệnh nhân suy tim thường bị khó thở khi nằm đầu thấp;
- Đau tức ngực sau xương ức, cảm giác đè nặng trong ngực: Đây là biểu hiện chủ yếu của bệnh mạch vành;
- Phù: Có đặc điểm là phù mềm, ấn lõm, không đau, xuất hiện ở 2 chân và thường kèm theo tình trạng gan to, tĩnh mạch cổ nổi;
- Mệt mỏi thường xuyên: Có thể do thiếu máu đến tim, não, phổi và toàn bộ cơ quan trong cơ thể, qua đó khiến bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, cảm giác kiệt sức, thậm chí khi thực hiện các hoạt động hàng ngày;
- Ho dai dẳng: Chức năng co bóp của tim suy giảm, dẫn đến không đủ máu cung cấp cho cơ thể và đồng thời ứ đọng lại trong nhu mô phổi, hệ quả là tình trạng ho mạn tính kèm khó thở, thở khò khè;
- Chán ăn, buồn nôn: Sự tích tụ nước trong gan và thiếu máu nuôi các cơ quan, bao gồm cả hệ tiêu hóa, sẽ làm người bệnh chán ăn, buồn nôn;
- Tiểu đêm;
- Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực hoặc nhịp tim/mạch không đều;
- Thở nhanh, lo lắng, lòng bàn tay đổ mồ hôi;
- Chóng mặt, ngất xỉu: Gợi ý tình trạng rối loạn nhịp tim.
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh lý tim mạch bao gồm:
- Hút thuốc lá: chất Nicotin và khí Carbon monoxide trong khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây co thắt các mạch máu và xơ vữa động mạch;
- Chế độ dinh dưỡng nhiều muối, các chất béo và cholesterol;
- Thói quen sống tĩnh tại, ít vận động và không tham gia các hoạt động thể dục thể thao;
- Thừa cân, béo phì;
- Cuộc sống bị stress, căng thẳng kéo dài;
- Rối loạn chuyển hóa lipid máu, tăng cao cholesterol máu sẽ dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa trên thành động mạch;
- Tăng huyết áp gây xơ cứng và thu hẹp mạch máu;
- Đái tháo đường: Bệnh lý này rất dễ gây biến chứng tim mạch nếu không kiểm soát tốt;
- Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ tim mạch càng tăng;
- Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch.
2. Vì sao cần tầm soát bệnh tim mạch?
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, mỗi năm có khoảng 17.5 triệu người tử vong do các bệnh lý tim mạch trên toàn thế giới. Tại nước ta, theo nghiên cứu của Hội Tim mạch, hiện có đến 25% dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, thời gian gần đây ghi nhận tỷ lệ người bị tăng huyết áp tăng dần, đặc biệt có xu hướng trẻ hóa với nhiều trường hợp mắc bệnh trong độ tuổi lao động. Vì những lý do trên nên việc tầm soát bệnh tim mạch là vô cùng cần thiết và là một trong những biện pháp hàng đầu nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình và những người thân yêu.
Tầm soát tim mạch là giải pháp giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ tim mạch (như rối loạn nhịp, rối loạn chuyển hóa lipid máu hay tăng huyết áp...), chẩn đoán sớm bệnh lý mạch vành, bệnh van tim hoặc tim bẩm sinh... Qua kết quả tầm soát tim mạch bệnh nhân sẽ được tư vấn về những biện pháp điều trị và ngăn ngừa các biến chứng.
Việc chần chừ, chủ quan không tầm soát tim mạch sớm và chờ đến khi các triệu chứng xảy ra mới điều trị sẽ khiến bệnh trở nặng, diễn tiến sang giai đoạn phức tạp và hệ quả là việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém chi phí và thậm chí là khó phục hồi lại sức khỏe như ban đầu.
3. Tầm soát tim mạch gồm những gì?
Nhiều bệnh nhân thắc mắc quá trình tầm soát và khám tim mạch như thế nào, dẫn đến tâm lý lo lắng và không thực hiện sớm. Theo các chuyên gia, quá trình tầm soát bệnh tim mạch đa phần đều không xâm lấn, dễ thực hiện và không tốn quá nhiều thời gian.
Một số bệnh viện hàng đầu đưa ra một số gói tầm soát tim mạch toàn diện, bao gồm:
- Khám chuyên khoa Nội tim mạch, bao gồm đo huyết áp, đánh giá chỉ số khối cơ thể (BMI), khai thác đầy đủ tiền sử bệnh lý, qua đó bác sĩ sẽ đưa ra kết luận sức khỏe tổng thể và có những tư vấn phù hợp;
- Đánh giá tình trạng và mức độ xơ vữa động mạch;
- Chụp X quang phổi thẳng: Đánh giá các bất thường trong lồng ngực, bao gồm cả kích thước tim và tầm soát một số bệnh phổi như u phổi, viêm phế quản, viêm phổi, giãn phế quản;
- Đo điện tâm đồ (ECG): Đánh giá các dấu hiệu bất thường gợi ý bệnh tim thiếu máu cục bộ, sẹo nhồi máu cơ tim hay rối loạn nhịp tim;
- Siêu âm tim Doppler: Đánh giá và chẩn đoán xác định bất thường cơ tim, bệnh van tim và tim bẩm sinh;
- Siêu âm động mạch chủ bụng: Chẩn đoán các bệnh liên quan đến động mạch chủ bụng, bao gồm xơ vừa hay phình bóc tách;
- Siêu âm động mạch thận: Giúp sàng lọc và chẩn đoán bệnh tăng huyết áp thứ phát do hẹp động mạch thận;
- Siêu âm Doppler mạch máu 2 chi dưới: Có giá trị trong việc phát hiện xơ vữa, hẹp động mạch (đánh giá mức độ hẹp) hoặc suy van tĩnh mạch 2 chân;
- Định lượng Glucose máu: Sàng lọc và phát hiện bệnh đái tháo đường, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch;
- Xét nghiệm lipid máu, bao gồm định lượng Cholesterol, Triglycerid, LDL-C và HDL-C: Kiểm tra lượng lipid trong máu, qua đó có biện pháp kiểm soát sớm và ngăn ngừa những rối loạn do mỡ dư thừa gây ra;
- Xét nghiệm chức năng thận, bao gồm định lượng Ure và Creatinin máu, có giá trị chẩn đoán sớm các bệnh lý về thận;
- Xét nghiệm chức năng gan, bao gồm đo hoạt độ men gan ALT và AST;
- Định lượng Acid uric máu: Giúp phát hiện sớm và theo dõi yếu tố nguy cơ độc lập cho bệnh lý Tim mạch;
- Định lượng CRP: Đánh giá tình trạng viêm trong cơ thể;
- Đo hoạt độ CK, chủ yếu là CK-MB, giúp đánh giá sức khỏe của cơ tim;
- Tổng phân tích nước tiểu 10 thông số;
- Định lượng men tim Troponin T hay Troponin I: Chẩn đoán và phát hiện sớm bệnh lý mạch vành, đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp;
- Định lượng BNP và NT-proBNP: Có giá trị sàng lọc và tiên lượng suy tim ở người có biểu hiện khó thở hoặc tiền sử đã được chẩn đoán suy tim.
4. Những đối tượng nên thực hiện tầm soát tim mạch
Quá trình tầm soát bệnh tim mạch rất cần thiết, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch như sau:
- Bệnh nhân được chẩn đoán xác định tăng huyết áp;
- Mỡ máu cao;
- Bệnh nhân đái tháo đường;
- Người thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động, hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu...;
- Người có những triệu chứng gợi ý bệnh tim mạch, như hồi hộp, đánh trống ngực hoặc mệt mỏi không rõ nguyên nhân;
- Người có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch sớm.
Như vậy có thể thấy việc tầm soát bệnh tim mạch rất quan trọng. Mọi người nên chủ động thực hiện việc tầm soát càng sớm càng tốt và định kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.